05/08/2024 12:07 GMT+7

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ cuối: Mở rộng trái tim, không có gì đúng sai triệt để

Câu chuyện về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nếu xảy ra mâu thuẫn thì có nhiều khía cạnh cần tháo gỡ. Các chuyên gia lĩnh vực này chia sẻ rằng nếu có sự chân thành, tích cực, khoảng cách mẹ chồng nàng dâu sẽ rút ngắn và xóa nhòa những định kiến.

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ cuối: Mở rộng trái tim, không có gì đúng sai triệt để- Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm: “Có những trường hợp nàng dâu ban đầu bị mẹ chồng ghét bỏ, sau chuyển thành thương yêu”

Hiểu nguyên nhân mâu thuẫn

Theo TS Vũ Thị Phương (trưởng khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM), mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ tồn tại muôn thuở. Dù xưa hay nay, bản chất vẫn là mối quan hệ không cùng huyết thống giữa hai người cùng giới. Và dù sống chung hay riêng thì va chạm vẫn có thể xảy ra (sống chung dễ nảy sinh hơn).

Và lẽ ra cùng giới sẽ hiểu nỗi khổ của nhau, như nỗi mang nặng đẻ đau, cùng trải qua quá trình làm vợ, làm mẹ. Từ đó, mối quan hệ này phải có sự đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ. Nhưng để yêu thương một người dưng không dễ dàng, vì thường ta sẽ chỉ yêu thương vô điều kiện người sinh ra mình và người mình sinh ra.

Về nguyên nhân tâm lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm Đào tạo ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) cho biết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu cũng là mâu thuẫn muôn thuở về mặt tâm lý.

Lý giải rõ hơn, bà Tâm cho rằng mẹ chồng rất yêu thương con trai bởi đó là đứa con rứt ruột đẻ ra. Con dâu đến, được con trai bà thương yêu chăm sóc, tự nhiên lòng ích kỷ, ganh tỵ trong tình thương sẽ vô thức nảy sinh.

Bên cạnh đó, quá trình sống chung dễ xảy ra va chạm. Khi ác cảm một cách vô thức, đụng đến những điều khác ý thì mâu thuẫn xảy ra. Mẹ chồng sẽ nghĩ con dâu chiếm lấy tình thương của con mình. "Chẳng hạn, những suy nghĩ như "mẹ bệnh nó không quan tâm, vợ bệnh thì nó chăm sóc" hay "cả đời đâu mua gì cho mình ăn, vợ đói bụng là nó chạy đi mua liền"", bà Tâm dẫn chứng.

Tâm lý con người thường không chấp nhận sự khác biệt, "cái gì khác tôi là sai, giống tôi mới đúng". Người con dâu có những thói quen, cách hành xử, cách sống khác. Về nhà chồng, cô vẫn giữ nguyên không thích nghi, quan sát thói quen, văn hóa gia đình chồng để điều chỉnh. Nếu khía cạnh này quá khác biệt, sẽ xảy ra xung đột.

Hơn thua dễ sinh chuyện

Để khơi dậy tình thương, ThS Nguyễn Thị Tâm cho rằng cách hành xử giữa mẹ chồng nàng dâu cần có sự chân thành, nỗ lực giữ gìn hòa khí. Con dâu là vai con nên cần nỗ lực trước, cho mẹ chồng cảm nhận tình cảm của mình.

Nếu nói tình thương thì có thể hơi khó, nhưng con dâu có thể vun đắp lòng trân trọng, biết ơn. "Con dâu trân trọng mẹ chồng là một người lớn tuổi, mẹ của chồng mình, biết ơn bà đã nuôi dạy người đàn ông của cuộc đời mình. Chỉ cần như vậy là đã xoa dịu, cho mẹ chồng cảm thấy con dâu biết trái phải, trên dưới", bà Tâm chia sẻ.

Dần dần, mẹ chồng bớt căng thẳng nếu con dâu chinh phục bằng sự quan tâm chân thật. Bà sẽ nảy nở sự cảm thương, độ lượng. Tình thương dù không có mức độ sâu sắc và thiêng liêng như với con ruột, nhưng có thể xây dựng dưới góc độ giao hảo, không đe nẹt, canh me…

ThS Tâm nhắn nhủ: "Trong mối quan hệ gia đình, đừng nên hơn thua, vì hơn thua dễ sinh chuyện. Mỗi người dù với vai trò nào cũng nên mở rộng trái tim, bỏ qua những điều chưa như ý, chấp nhận khác biệt để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực".

"Hạ nhiệt" khoảng cách thế hệ

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ cuối: Mở rộng trái tim, không có gì đúng sai triệt để- Ảnh 2.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương: “Vai trò người chồng vô cùng quan trọng để nuôi dưỡng quan hệ tốt đẹp giữa mẹ chồng nàng dâu”

Theo TS Vũ Thị Phương, nếu mối quan hệ có vấn đề, cần xác định vấn đề đến từ đâu. Chẳng hạn, bình thường ta làm việc đó mẹ chồng không nói gì, nhưng hôm nay lại la mắng. Nếu ta tìm hiểu lý do mẹ chồng nổi nóng, từ đó sẽ không thấy giận hay buồn.

Bất kỳ mối quan hệ nào cũng có lúc va chạm với nhiều lý do. Nhưng tại sao xã hội hay định kiến với mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu? Trước kia, định kiến về mối quan hệ này còn nặng nề và thậm chí người ta sợ làm dâu vì có thể chịu nhiều khổ sở.

"Nhưng hiện nay, những định kiến này giảm đi, do độ mở về mặt tư duy. Ta nên nghĩ thoáng về mối quan hệ này. Đơn giản hay phức tạp là do cách nghĩ cả hai bên", bà Phương nhận định.

Nếu tồn tại khoảng cách thế hệ, ta phải quan sát, xử lý mâu thuẫn dựa trên tình huống, tính cách, hoàn cảnh sống và dựa vào sự chân thành. Nếu ta muốn, tự khắc sẽ biết cách vun đắp tình cảm, chấp nhận những điểm chưa tốt.

Bên cạnh đó, mẹ chồng nên có sự bao dung, che chở "dâu là con" và không áp đặt. Hai bên giữ thái độ tôn trọng nhau, khi đó hành xử sẽ khác, biết lắng nghe và thông cảm.

Tuổi trẻ đôi khi nghĩ phần đúng thuộc về mình, kinh nghiệm của thế hệ mẹ chồng lỗi thời. Chẳng hạn, về chuyện nằm than sau sinh, mẹ chồng nghĩ rằng cách mình đúng, con dâu cho rằng lạc hậu. Nhưng mỗi thời đại có kinh nghiệm sống khác nhau. Bạn trẻ nên chịu lắng nghe, nhân nhượng, rồi tinh tế phản biện sau. Nếu bất chấp, cứ cho rằng mình nuôi dạy con theo khoa học, thì người lớn thấy ấm ức, tổn thương.

"Bạn trẻ sẽ đặt câu hỏi tại sao phải nhường nhịn. Mình nắm kiến thức khoa học trong tay mà? Nhưng mẹ chồng đã trải nghiệm. Có điều trước đây nhà dưới quê rộng rãi, gió lùa, khí cacbonic bay ra không sao. Bây giờ gia đình trẻ ở trong căn hộ, đốt than bít bùng sẽ độc hại… Nếu sáng suốt, chúng ta sẽ nhìn ra sự khác biệt này", bà Tâm phân tích.

Có những trường hợp vợ chồng trẻ luôn nói lý lẽ như vậy. Nhưng theo bà Tâm, cuộc đời không có gì đúng sai triệt để, quan trọng ta nhìn ở góc độ nào.

* Có những trường hợp mẹ chồng nàng dâu không nhìn mặt nhau, hoặc sống chung trong trạng thái ức chế nặng nề. Có giải pháp nào làm nhẹ đi tình trạng này không?

- Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm: Trong 40 năm nghiên cứu về mối quan hệ hôn nhân, tiến sĩ người Mỹ John Gottman (chuyên gia trị liệu tâm lý) phát hiện 69% những mâu thuẫn hôn nhân không phải là vấn đề có thể giải quyết được. Trong đó có mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.

Theo tôi, chúng ta không nên giải quyết bằng thắng thua, bắt người kia thay đổi ngay. Ta có thể tìm cách chấp nhận, hòa hoãn hoặc hạn chế va chạm. Đây không phải là phương pháp triệt để nhưng ta có thể chọn cách ứng xử để ngày nào đó đối phương chuyển sang thái độ tích cực. Có những trường hợp nàng dâu ban đầu bị mẹ chồng ghét bỏ, sau chuyển thành thương yêu…

Người chồng cần khéo léo dung hòa

Vai trò người chồng vô cùng quan trọng để nuôi dưỡng quan hệ tốt đẹp giữa mẹ chồng nàng dâu. TS Vũ Thị Phương nhận định rằng người chồng là cầu nối và phải biết "xuất hiện" đúng lúc. Giữa mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp, người chồng hạnh phúc theo.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm dẫn chứng, lúc vợ nói nhỏ "mẹ mắng em" thì chồng phải khéo léo xoa dịu, thông cảm. Nhưng nếu chồng phản ứng "Sao lúc nào em cũng vậy? Mẹ lớn tuổi rồi, em nhịn mẹ chút đi", vợ càng ấm ức.

Nếu mẹ phàn nàn về vợ, người chồng có thể nói "Con rất chia sẻ với mẹ, từ từ con tìm cách nói chuyện với vợ". Người chồng cần xoa dịu để hai phía thấy công bằng, khách quan.

"Thực tế đời sống, người chồng chưa khéo léo, khi nghe sự việc thường muốn giải quyết nhanh, khiến những người phụ nữ trong gia đình thêm đau khổ, tổn thương", bà Tâm nhắn nhủ.

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 8: Thương mẹ chồng, vì mình cũng sẽ là mẹ chồngMẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 8: Thương mẹ chồng, vì mình cũng sẽ là mẹ chồng

30 năm qua, sự chăm sóc của cô con dâu dành cho mẹ chồng đã không còn là trách nhiệm mà tự bao giờ những việc làm tỉ mỉ ấy xuất phát từ trái tim yêu thương thật sự dành cho bà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên