Mẹ
Phóng to |
Một phạm nhân từng tâm sự với tôi: “Bài thơ này tôi đã đọc vào năm học cấp II, rất thích nhưng chưa hiểu hết chiều sâu. Giờ hơn nửa đời người mới thấm thía từng câu chữ. Mẹ cực nhọc cả đời nuôi tôi ăn học. Tôi may mắn thành đạt khi tuổi còn khá trẻ, thế mà không biết quý trọng, lại đi làm chuyện phi pháp để rồi mất tất cả, khiến ở tuổi xế chiều mẹ phải phiền muộn, âu lo. Những ngày tháng trong tù, cuống quýt lên khi thấy mỗi lần mẹ vào thăm là tóc thêm sợi bạc, hoảng hốt, hãi hùng nhớ tới câu hát Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con rày mồ côi...”.
1 “...Mẹ đã thành hiển nhiên như trời - đất...”
Phiên tòa sơ thẩm TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử bị cáo Nguyễn Minh Triều về tội danh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy khiến sáu người chết. Trong cái bi thống của thân nhân người xấu số, có khoảng lặng nhỏ nhoi, khi người dự khán hướng ánh mắt thán phục, chia sẻ, vui mừng đến chị Lê Thị Kim Sa. Người phụ nữ 32 tuổi là nhân chứng này đã thoát chết trong chuyến đò tang thương. Hôm đó, chị bồng đứa con 22 tháng đi bác sĩ. Lúc đò bắt đầu chìm, chị nhảy xuống, hai tay giơ đứa con lên khỏi mặt nước, chỉ lội bằng đôi chân.
Khi mọi người đến tiếp cứu, chỉ thấy đôi bàn tay nâng đứa trẻ khỏi mặt nước, còn người mẹ chìm xuống, chỉ còn thấy đỉnh đầu lé đé mặt nước. Lên tới mặt đất, đôi tay chị cũng cứ giơ lên theo quán tính, hốt hoảng hỏi: “Con tôi... Có sao không?”. Chị Sa tâm sự: “Giờ nhắc lại, tôi cũng không biết làm sao lúc đó mình lội được như vậy. Bình thường tôi yếu lắm...”. Nhìn dáng người mảnh dẻ của chị, tôi nghĩ có lẽ sức mạnh tình mẫu tử đã giúp cả mẹ và con thoát chết.
Riêng chị Đặng Thị Ngọc M. - vợ của bị cáo Triều - không may mắn như thế, dù tình thương con của người phụ nữ xấu số này cũng ví như trời biển. Vốn lớn lên ở vùng sông nước, sống bằng nghề đưa đò nên chị bơi rất giỏi. Những người chứng kiến hôm đó kể lại khi đò chìm, chị nhảy xuống dìu con gái học lớp 7 vốn chỉ biết bơi chập chững. Nước sông cuồn cuộn cuốn cả hai trôi dạt đi. Chị vẫn cố giành giựt từng chút cơ hội sống với tử thần dìu con vào bờ.
Lúc đó người chồng cũng đang cuống cuồng bơi đến cứu vợ con nhưng khi chỉ còn cách một sải tay, một cơn sóng ào đến... Đến khi người ta vớt được thi thể, một tay người mẹ còn ôm chặt cứng đứa con. Cũng như chị Sa và bao người mẹ vĩ đại khác trên đời luôn xem sự sống của con quý hơn sự sống của mình, nên chị M. sẵn sàng đánh đổi tính mạng mình cho con, nhưng đáng tiếc chị đã không thể.
2 “...Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ...”
Phiên tòa sơ thẩm TAND TP Cần Thơ xét xử bị cáo Đào Thị Ngọc Dào, còn rất trẻ (19 tuổi), với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nghe hội đồng xét xử phân tích tính nghiêm trọng của vụ án, mẹ của bị cáo là bà Lưu Thị Khải lo lắng, khóc rấm rứt. Khi được hỏi, bà phát biểu một câu khiến ai cũng bất ngờ, xúc động: “Xin tòa cho tui ở tù thay con, tui già rồi, nó còn trẻ”. Lúc tòa nghị án, bà Khải tranh thủ xin được gặp con, đôi tay gầy của người mẹ cứ vuốt lấy khuôn mặt, sờ nắm đôi tay đang bị còng của con mà khóc chứ không nói được lời nào.
Tòa tuyên bị cáo Dào 18 năm tù, số tiền phải đền bù là 1,9 tỉ đồng, tiếng khóc người mẹ vỡ òa ra. Giờ đứa con có lẽ hiểu được người mẹ đang đau lòng cỡ nào nên khi bị cảnh sát giải đi cứ ngoái đầu nhìn lại mẹ nhưng tất cả đã quá muộn. Còn bà Khải tất tả vói theo con, nói trong ràn rụa nước mắt: “Đào đâu ra 1,9 tỉ đồng đền cho Nhà nước bây giờ hả con? 18 năm tù, dài quá không biết mẹ có còn sống đợi được con không?”.
Xe tù đã chở người tù đi, người mẹ đáng thương ngồi bệt xuống sân tòa, từ đôi mắt đầy vết chân chim, nước mắt cứ tuôn liên tục: “17 tuổi lên thành phố làm ôsin ôsiếc, rồi đi chạy bàn cho quán nước, thấy con là gái quê nên dì hơi sợ, bảo ở nhà làm ruộng nhưng nó không chịu, nói vất vả không có tương lai. Đêm nào dì cũng nơm nớp sợ con bị người khác gạt. Linh tính của dì chẳng sai, sau đó bị kẻ xấu cho chút ít tiền, xúi đi lừa gạt. Dì đã nói với nó hoài, đồng tiền kiếm được không phải do mình đổ mồ hôi tạo ra chẳng chóng thì chầy cũng mang họa vào thân, phải chi nghe lời dì thì đâu đến đỗi. Ra tù cũng lỡ dở đời người, làm gì để sống, lúc đó dì già rồi đâu còn sức nuôi nổi nó...”.
3 “...Khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con...”
Qua sự giới thiệu của đồng nghiệp, tôi đến gặp anh B., nhà người đàn ông khoảng 40 tuổi này nằm trong một con hẻm ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Bằng giọng buồn buồn anh kể cho tôi về một thời tuổi trẻ sai lầm. Ba mất sớm, mẹ ở vậy tần tảo nuôi anh. Rồi anh vào đại học. Trong suốt bốn năm học, anh luôn cố gắng dùi mài. Nhưng vào ngày mừng lễ tốt nghiệp, niềm vui ra trường khiến anh nghe lời rủ rê của bạn nhậu tiếp tăng hai, và trận bù khú đó anh dính vào chất trắng chết người.
Thế là, thay vì đi làm anh lại vật vã với cơn nghiện. Có những đêm anh không về, người mẹ dầm mưa hớt hơ hớt hải đi kiếm. Rồi khi biết được, bà bàng hoàng đau đớn, tát thẳng vào mặt con, chảy nước mắt đưa con đi cai nghiện. Ra khỏi trại, anh nhất quyết làm lại nhưng ý chí không thắng nổi cám dỗ thấp hèn. Để có tiền hút chích, B. đi ăn cướp, bị bắt, cuối cùng người mẹ bán căn nhà đền tiền cho con, ra che chòi ở chòm mả.
Mỗi lần đến thăm, mẹ lại động viên con cố cải tạo tốt, ra tù sớm, dù gì con có nghề sau này xin việc cũng dễ. Lương tâm dằn vặt, khi thấy mình đọa đày mẹ đến xác xơ, héo úa, anh tự hứa sẽ ráng làm nuôi mẹ bù đắp những ngày mẹ quá cực khổ. Nhưng mẹ anh không đợi được đến ngày đó, bà đã ra đi vĩnh viễn trước ngày con mình mãn hạn tù.
Ra tù, anh đứng chôn chân bên mộ mẹ, những giọt nước mắt hối hận tuôn ra thành nỗi đau chảy khắp người, nhưng không còn như ngày xưa, anh vĩnh viễn không được bàn tay ấm áp chai sần lau nước mắt. Sau đó, anh rời quê, đến Long Xuyên lập nghiệp, giã từ quá khứ dại dột, làm lại chương mới cho anh linh mẹ nơi chín suối được vui lòng. Mỗi khi đến tháng bảy vu lan mùa báo hiếu, thấy mọi người nô nức lễ chùa, anh lại nhớ về những tháng ngày mẹ lam lũ nuôi mình ăn học, để giờ đây giúp anh có đủ cả đời người: một ngôi nhà ấm cúng, một người vợ trí thức, một tấm bằng kỹ sư mang đến đồng lương dư sức nuôi các con đàng hoàng. Để rồi đêm đêm, những câu chuyện cổ tích anh kể cho con luôn bắt đầu: “Ngày xưa có mẹ...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận