Chiều tối 10-7, bà Châm tỉnh táo và đã có thể hút sữa - Ảnh: Tiến Thắng |
Sáng 10-7, đơn vị thi công Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đưa máy xúc vào công trường thì xảy ra xô xát với người dân.
Một phụ nữ trong lúc phản đối đưa máy xúc vào bị chấn thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, cho biết người phụ nữ bị chấn thương là bà Lê Thị Châm (55 tuổi, trú tại xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng), được đưa vào bệnh viện trong tình trạng gãy xương cổ tay, vỡ xương quai hàm.
Theo thông tin từ những người dân đang giữ đất tại khu công nghiệp, bà Châm bị máy xúc của đơn vị thi công cố tình chèn qua người.
Tuy nhiên, phía lãnh đạo UBND huyện và Công an huyện Cẩm Giàng khẳng định không có chuyện máy xúc chèn qua người mà do xô xát bà Châm bị ngã và bị thương.
Ông Lương Đức Quang (54 tuổi, trú tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền) cho biết khi đơn vị thi công đưa máy xúc vào khu công nghiệp thì hàng trăm người dân đang giữ đất tại đây lao ra chặn lại.
“Trong lúc hỗn loạn, bà Châm cúi xuống và bị ngã ra gần đống cát, lúc đó người lái máy xúc cố tình cho máy xúc chèn qua người bà Châm. Từ phần ngực trở lên của bà Châm nằm gọn dưới bánh xích sắt. Chúng tôi phải hô hào, đập gạch đá vào khoang lái thì họ mới chịu lùi máy xúc lại” - ông Quang nói.
Nhiều người dân còn “tố” đơn vị thi công đưa xã hội đen đến trấn áp những người đang giữ đất.
“Từ sáng sớm có hai người xăm trổ đầy mình mang theo một chiếc túi đựng kim tiêm, dao đến nằm lên phản của chúng tôi. Sau có thêm một taxi và một ôtô chở thêm hơn chục người đến, có người cầm theo cả dao đe dọa bà con. Một lúc sau thì đơn vị thi công đưa máy xúc vào” - một người dân khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cả ông Nguyễn Văn Công - phó chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Trọng Hiển - phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng - đều khẳng định kết quả kiểm tra ban đầu không có chuyện đơn vị thi công đưa các đối tượng xã hội đen trấn áp người dân.
Cả hai ông này cũng khẳng định không có chuyện máy xúc chèn qua người bà Châm mà do “bà Châm bị ngã”.
Ông Công còn nói: “Những hình ảnh trong clip của người dân không đúng, có thể do góc họ quay hay làm cách gì để thành như thế. Phía công an huyện và các phòng chức năng xuống hiện trường báo về không có chuyện xe chèn qua người, chèn qua thì sao sống được”.
Bà Lê Thị Thúy (chị gái bà Châm) cho biết thời điểm mọi người tập trung để ngăn không cho máy xúc tiến vào bên trong Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền thì bà cũng có mặt và đứng gần em gái nên chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc.
“Lúc chiếc máy xúc lao đến phía người dân đang đứng chặn, mọi người tán loạn lùi lại phía sau nhưng bà Châm bị ngã xuống đống cát gần đó nên không kịp tránh và bị bánh xích máy xúc chèn lên người” - bà Thúy lấy tay lau nước mắt.
Những hộ dân giữ đất cho biết đã ra dựng lán trại tại khu công nghiệp từ hơn một tháng nay khi nghe thông tin Vsip chuẩn bị thi công.
Người dân cho biết năm 2008 UBND tỉnh thu hồi đất với giá đền bù 16,2 triệu đồng/sào đất (1 sào bằng 360m2). Sau khi người dân kiến nghị, giá đền bù được nâng lên 23,4 triệu đồng/sào và được thêm 5% đất dịch vụ.
“Tính ra chúng tôi chỉ được nhận 65.000 đồng/m2, như vậy rẻ quá, giao đất rồi chúng tôi sinh sống bằng gì?” - ông Lương Đức Quang nói.
Ông Vũ Hồng Khiêm, chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, cho biết khu công nghiệp này rộng 150ha. Có 56 hộ dân không chịu nhận đền bù và giao đất. “Các hộ dân yêu cầu đền bù với giá 250 triệu đồng/sào, như vậy là quá cao và không đúng quy định” - ông Khiêm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận