29/05/2014 02:10 GMT+7

May quá, con chỉ học trung bình!

CAO VĂN LONG (Hà Nội)
CAO VĂN LONG (Hà Nội)

TT - Dạo này đồng nghiệp nườm nượp khoe con được học sinh giỏi lên Facebook. Hầu như ai cũng hồ hởi vì thành tích con đem về “ngoài sức tưởng tượng” (theo cách nói của một người bạn).

Sức học trung bình có nên thi đại học?Có lẽ con lại làm ba mẹ thất vọng

Còn tôi, với những gì tai nghe mắt thấy, tôi thấy thật may vì con mình chỉ là học sinh trung bình...

Tôi có đứa cháu học lớp 4, đến viết chữ còn sai lỗi chính tả, bảo sửa đi thì khăng khăng không chịu vì “cô giáo bảo viết thế”, cộng trừ còn nhầm lẫn liên tục vậy mà bốn năm liền đều đặn như vắt chanh là học sinh giỏi. Khi tôi cho thử một phép toán đơn giản mà cháu còn “đánh vật” tới hơn nửa giờ mới xong.

Cháu kể rằng trước ngày thi học kỳ, cô giáo thường cho cả lớp học thuộc lòng các bài toán và bài văn được chọn là “hạt nhân” sẽ thi vào. Thế là cháu về nhà đọc sang sảng cho đến khi nào thật thuộc lòng thì thôi. Cứ như vậy cháu rập khuôn máy móc theo cô giáo vanh vách từ dấu chấm, dấu phẩy, hỏi không điểm 9, điểm 10 sao được? Không học sinh giỏi sao được? Với cách học và cách thi như vậy chẳng khác nào cô giáo đang bày cho các em học tủ, thi tủ... Nếu em nào thi chưa đạt điểm giỏi sẽ buộc phải thi đi thi lại đến lúc nào cho “ra lò” được điểm 9, điểm 10 mới thôi. Tất nhiên đằng sau các điểm giỏi ấy cũng cho “ra lò” những con robot bắt chước chuyên nghiệp.

Còn con gái tôi đang học lớp 5, hôm đi họp phụ huynh nghe cô giáo thống kê 39/43 học sinh đạt học lực giỏi. Con tôi nằm trong tốp 4 học sinh còn lại là diện trung bình, tôi thấy thật may làm sao. Bởi trong khi ôn thi, tôi yêu cầu con ôn cả những bài ở ngoài (chứ không chỉ những bài cô giao). Cũng có lẽ vì thế nên con tôi “trượt” vé học sinh giỏi?

Một người bạn của tôi có con học lớp 6, học sinh giỏi chiếm 99%. Bạn tôi than thở: “Con mình giỏi hay không mình hiểu mà. Nhiều khi con còn lóng ngóng như gà mắc tóc, lười học vậy mà được học sinh giỏi cái nỗi gì. Hôm họp phụ huynh, cô giáo mướt mồ hôi đọc danh sách học sinh giỏi, mình nghe cũng thấy bội thực. Nhiều lúc mình còn chẳng biết sao con được giỏi nữa!”. Nghe bạn thở dài, tôi tự đặt câu hỏi không biết trong 99% học sinh giỏi ấy có bao nhiêu con robot được lập trình sẵn theo cô giáo?

Còn bao nhiêu tiếng thở dài của các ông bố bà mẹ khi con “vác” giấy khen về nườm nượp? Tôi lo ngại con sẽ trở thành robot vì những danh hiệu ảo kia, đó là lý do tại sao tôi mừng vì con chỉ là học sinh trung bình. Thật lòng tôi không ham những tấm giấy khen...

Tuần qua, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Nguyễn Kế Hào, Nguyệt Anh (Hà Nội), Minh Thái (Thanh Hóa), Nguyễn Khắc Phê, Phan Đình Ngân (Huế), Nguyễn Thị Bích Nhàn, Nguyễn Văn Danh (Phú Yên), Nguyễn Hoàng Chương, Hà Giang (Lâm Đồng), Võ Thị Lệ Hằng (Bình Thuận), Đông Nguyễn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vũ Nguyễn Anh Thảo, Đoàn Tiến Thụy Hiền, Vũ Thụy Phương Trang, Hằng Nguyễn, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Công Khanh (TP.HCM), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Khánh (An Giang), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)...

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng.

TUỔI TRẺ

CAO VĂN LONG (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên