Phóng to |
Học sinh đến tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh nhận tài liệu từ BTC - Ảnh Văn Lưu |
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Bình Định và Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp tổ chức.
Có mặt tại chương trình, ông Đào Đức Tuấn - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định - cho rằng hiện nay đa số học sinh chọn ngành theo định hướng của gia đình, bạn bè, số đông… “Tôi mong rằng để thay đổi điều này các chuyên gia đến từ các trường ĐH có mặt trong chương trình hôm nay là đơn vị sẽ góp phần định hướng ngành nghề cho học sinh, động viên các em chọn ngành theo năng lực và sở thích. Việc chọn học làm thầy hay làm thợ do chính bản thân học sinh quyết định nhưng các em phải được tư vấn kỹ càng” - ông Tuấn nói.
Mở đầu buổi tư vấn, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - đã chia sẻ những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Theo đó, theo dự thảo phương án thi THPT gồm 4 môn thi với 2 môn bắt buộc là văn và toán, hai môn tự chọn. Mỗi tỉnh xét tuyển 20% học sinh đạt loại giỏi được miễn thi tốt nghiệp THPT. Riêng về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, bên cạnh kỳ thi “ba chung” sẽ có các trường tổ chức thi riêng. Các trường muốn thi riêng phải có đề án gửi Bộ GD-ĐT trước ngày 10-2. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thấy trường nào gửi đề án. Trước khi các em nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH thì Bộ GD-ĐT sẽ công bố cụ thể các trường thi riêng. Như vậy, phương thức thi “ba chung” vẫn là chủ yếu trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Phóng to |
Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo (ĐH Kinh Tế TP.HCM), trả lời một số thắc mắc của học sinh - Ảnh Văn Lưu |
Phóng to |
ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng - phó ban đào tạo khoa điều dưỡng kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM - giải đáp thắc mắc tuyển sinh - Ảnh: Trần Huỳnh |
Phóng to |
TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - trả lời tư vấn cho học trò - Ảnh: Văn Lưu |
Phóng to |
Giảng viên trường ĐH Tài chính - marketing trả lời thắc mắc tại buổi tư vấn - Ảnh: Văn Lưu |
Phóng to |
Đông đảo học sinh giơ tay xin đặt câu hỏi từ hội đồng tư vấn tuyển sinh - Ảnh Văn Lưu |
Theo thống kê năm 2013, tỉnh Bình Định có hơn 37.000 thí sinh thi ĐH, điểm trung bình là 12,38 điểm, thấp hơn điểm bình quân cả nước là 13,45 điểm, xếp hạng thứ 44, giảm 4 hạng so với năm 2012. Tuy nhiên, tỉnh Bình Định có hai trường nằm trong tốp 200 (THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Quốc Học). Trong đó Trường THPT Lê Quý Đôn nằm trong tốp 10 với điểm trung bình 21,69 điểm. “Vì vậy, học sinh tỉnh Bình Định cần phải cố gắng hơn nữa để nâng kết quả thi tốt hơn và đồng thời phải lượng sức mình để chọn được ngành nghề phù hợp” - thầy Hùng khuyên.
Một học sinh Trường THPT Tuy Phước cho biết thật sự em rất yêu thích các ngành tài chính ngân hàng, nhưng lại nghe thông tin nhu cầu nhân lực của ngành này hiện đã bão hòa, sinh viên ra trường gặp nhiều khó khăn khi tìm việc. Bản thân em rất lúng túng trước những lời khuyên rất khác nhau của cha mẹ, bạn bè… TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng nền kinh tế thế giới cũng như VN diễn biến theo chu kỳ, có phát triển nhưng cũng có lúc chựng lại. Đây là hiện tượng hết sức bình thường. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nặng nề nhất là ngành tài chính ngân hàng. “Các em ngồi dự tư vấn hôm nay nếu trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh năm 2014 thì đến năm 2018 mới ra trường, lúc đó nhu cầu nhân lực sẽ khác. Nếu yêu thích nhóm ngành này các bạn nên mạnh dạn đăng ký dự thi” - thầy Hoàng khuyên. Cũng theo TS Trần Thế Hoàng, các trường có bề dày đào tạo nhóm ngành kinh tế không giảm chỉ tiêu trong kỳ thi năm nay. Các trường này sẽ tiếp tục tuyển sinh theo “ba chung”.
Một học sinh nữ lo lắng: “Sức học của em chỉ ở mức trung bình, theo thầy cô em có nên dự thi ĐH? Có phải cánh cửa vào đời sẽ khép lại với những bạn thi rớt ĐH?”. Theo TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - việc xác định năng lực rất quan trọng đối với học sinh. Các em cần xác định được sức học để đưa ra quyết định phù hợp cho kỳ thi tuyển sinh. Thực tế, nhiều thí sinh có sức học trung bình và có những bạn học khá nhưng vẫn rớt ĐH. “Những học sinh có học lực trung bình nhưng điểm của ba môn thi ĐH cao nên đậu ĐH, trong khi học sinh có học lực khá nhưng điểm ba môn thi ĐH lại không cao nên thi rớt. Vì vậy, các em phải xác định ba môn thi ĐH, nếu chỉ đạt loại trung bình thì không nên thi ĐH. Con đường để bước vào đời không chỉ là ĐH. Nhiều người thành danh trong xã hội không phải học ĐH” – thầy Hạ khuyên.
Trong phần tư vấn chung, nhiều học sinh thắc mắc hiện nay nghề nào dễ tìm việc nhất. Theo các chuyên gia, bất kỳ nghề nào cũng có thể tìm được việc làm. Thầy Hạ tư vấn: “Chọn ngành phải theo năng lực, sở thích, nhu cầu xã hội. Nếu chọn ngành theo “tam giác” này sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi. Các bạn học mà không biết mình thích gì sẽ rất khó thành công. Nhiều sinh viên chọn học ngành không phải thời thượng nhưng vẫn tìm được việc tốt, thu nhập ổn định”.
Trả lời câu hỏi có phải hiện nay nước ta đang “thừa thầy, thiếu thợ”. Học sinh nên chọn học làm thợ gì và làm thợ lương có cao không và thông tin nhu cầu của thị trường lao động ở tỉnh Bình Định trong vài năm tới ngành nào sẽ thu hút nhân lực… ông Đào Đức Tuấn - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định - cho biết Bình Định là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp nên những ngành nghề liên quan tới nông nghiệp, chế biến thủy sản có nhu cầu nhiều. Bên cạnh đó tại tỉnh Bình Định trong năm năm gần đây các ngành công nghiệp đang có nhu cầu. Khu kinh tế Nhơn Hội cũng đang đàm phán xây dựng nhà máy lọc dầu tại đây. Vì vậy nhu cầu nhân lực trong các ngành này sẽ cao trong vài năm tới.
Trong khi đó TS Lê Xuân Vinh - trưởng phòng đào tạo ĐH Quy Nhơn - cho biết ĐH Quy Nhơn có thế mạnh đào tạo ngành sư phạm, đồng thời nhà trường cũng đào tạo nhóm ngành kinh tế và nhóm ngành kỹ thuật. Trong thời gian tới các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao ở tỉnh Bình Định như lọc dầu, công nghệ thông tin, điện tử và các ngành dịch vụ, tài chính ngân hàng.
Một học sinh băn khoăn muốn thi ngành y đa khoa nhưng tự thấy năng lực của mình rất khó có khả năng trúng tuyển. Nhưng bạn muốn thi ngành dinh dưỡng thì có nên thi hay không. ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng, phó ban đào tạo khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM, tư vấn ngành bác sĩ đa khoa có điểm chuẩn rất cao. Với học sinh có sức học trung bình không nên dự thi vào ngành này mà nên chọn các ngành khác như điều dưỡng. Hiện nay các trường đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe không đào tạo ngành dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu muốn làm việc liên quan lĩnh vực dinh dưỡng thì theo học ngành bác sĩ đa khoa, sau này học thêm chuyên khoa về dinh dưỡng hoặc chọn học điều dưỡng sau này xin làm việc tại khoa dinh dưỡng. “Ở tỉnh Bình Định có Trường CĐ Y tế Bình Định có đào tạo ngành điều dưỡng. Nếu yêu thích các ngành y tế nhưng sức học mức khá thì chọn trường ngay tại địa phương mình sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn” - cô Hồng khuyên.
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận