Thử nghiệm thành công máy bay không người lái của Việt Nam
Phóng to |
Những mẫu máy bay này là thành quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học”. Theo phê duyệt của Bộ Khoa học và công nghệ, đề tài kéo dài ba năm (2011-2014) với tổng kinh phí 12 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp 9,8 tỉ đồng).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Ngọc Lãng - chủ nhiệm đề tài - cho hay mặc dù đề tài được duyệt năm 2011, nhưng thực tế các nhà khoa học bắt tay nghiên cứu từ năm 2008 và đến nay kết quả thực hiện đã “vượt xa yêu cầu, chế tạo thành công năm mẫu máy bay không người lái hạng siêu nhẹ”. Nhóm nghiên cứu khẳng định đã thiết kế, chế tạo thành công các mẫu máy bay này từ những vật liệu linh kiện cơ bản và không có bất kỳ bóng dáng chuyên gia hay cố vấn nước ngoài nào hỗ trợ, hoàn toàn 100% người Việt Nam.
TS Lãng cho biết ba mẫu máy bay bay thử thành công có ký hiệu là AV.UAV.MS1, AV.UAV.S1 và AV.UAV.S2. Trong đó, AV.UAV.MS1 có chiều dài 1m, sải cánh 1,2m, khối lượng tối đa 4kg, bán kính hoạt động 2km, được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2km; AV.UAV.S1 có chiều dài 1,8m, sải cánh 2,7m, khối lượng tối đa 12kg, có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù, truyền ảnh online từ camera khoảng cách 15km; AV.UAV.S2 có chiều dài 2,6m, sải cánh 3,2m, khối lượng tối đa 45kg, có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù, thời gian hoạt động trên không ba giờ.
Ngoài ra, còn có hai mẫu khác cùng thuộc đề tài là AV.UAV.S3 dài 3m, khối lượng tối đa 115kg; AV.UAV.S4 dài 4,2m, khối lượng tối đa 170kg, tốc độ lớn nhất 180km/giờ.
Sau buổi bay thử được thông báo thành công với ba mẫu máy bay, TS Lãng khẳng định đã ở thế sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt máy bay không người lái.
Bên cạnh những mục tiêu xa, ngay thời điểm này, các nhà nghiên cứu đã đề xuất đưa các loại UAV do nhóm chế tạo và thử nghiệm thành công vào thực hiện các nhiệm vụ thực tế như phục vụ nhiệm vụ “Tây Nguyên 3” (đề tài cấp nhà nước do Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì), quan sát rừng (hoang mạc hóa, cháy rừng, phá rừng...), quan sát đập thủy điện, đường dây 500 kV, phục vụ vẽ bản đồ số, chụp ảnh, chi tiết hóa cho ảnh vệ tinh...
Trước thắc mắc của một số người cho rằng với kích thước nhỏ, có vẻ các mẫu UAV vừa được loan báo bay thử thành công na ná với máy bay mô hình, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương cho rằng không thể nói đây là máy bay mô hình như một vài đồn đoán. “Với tư cách phó chủ tịch Câu lạc bộ hàng không phía Bắc - nơi định kỳ tổ chức sinh hoạt cho những người yêu thích máy bay mô hình điều khiển từ xa - tôi có thể khẳng định máy bay mô hình được điều khiển từ xa, nhưng vẫn phải bay trong phạm vi tầm nhìn của người điều khiển, nghĩa là bán kính bay chỉ khoảng 2-3km. Còn đây là những UAV có cài đặt chương trình bay tự động nên có thể bay ngoài tầm nhìn của người điều khiển” - GS Cương phân tích.
Ngày 4-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương - chủ tịch Hội Hàng không - vũ trụ Việt Nam (VASA) - cho hay để sử dụng được đúng với tính năng của UAV, phục vụ được ở vùng biên giới, hải đảo, điều các nhà khoa học quan tâm là cơ chế cất cánh, hạ cánh. “Buổi bay thử, các mẫu máy bay được cất cánh từ đường băng thuận lợi, nhưng nếu duy trì hình thức cất - hạ cánh đó ở vùng biên giới, hải đảo thì khả năng ứng dụng sẽ rất hạn chế. Cũng đã có máy bay được đưa lên ôtô để làm bệ phóng, nhưng điều này cũng chỉ khả thi khi địa hình thuận lợi vì ôtô phải đạt tốc độ 70-80km/giờ mới có thể cho máy bay bay được. Nếu nhóm nghiên cứu có thể cho máy bay hạ cánh bằng dù như họ thông báo thì đó là ghi nhận đáng kể cho đề tài này” - GS Cương nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận