31/01/2018 09:07 GMT+7

Mậu Thân - không ai lãng quên

MAI HƯƠNG - MAI HOA
MAI HƯƠNG - MAI HOA

TTO - 50 năm sau, những chiến sĩ biệt động tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 khôn nguôi nỗi nhớ về những chiến công hào hùng và đồng đội can trường năm xưa.

Mậu Thân - không ai lãng quên - Ảnh 1.

Các nhân chứng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 xem di ảnh của một động đội bị mất tích để nhận diện cho thân nhân, ở buổi họp mặt truyền thống chiều 30-1 tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Cô Hoàng Thị Khánh - trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM - từng được tham gia trọn vẹn cả 3 đợt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. 

Từng bị bắt, giam cầm, tra tấn ở Nha cảnh sát đô thành, Tổng nha cảnh sát, nhà lao Thủ Đức, Tân Hiệp, Côn Đảo, cô Khánh có thời gian được sống, chiến đấu chống chào cờ, chống ly khai Cộng sản với những chị em là chiến sĩ các đội Sài Gòn - Gia Định.

Đơn vị bộ đội biệt động nay không còn, song lịch sử biệt động 5 năm, 10 năm, 100 năm vẫn mãi được ghi nhận, không ai có thể lãng quên

Ông Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng - chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định) trong lễ giỗ tưởng niệm các chiến sĩ biệt động vào năm 2008

Cô Khánh tâm sự trước đó cô nghĩ rằng "biệt động thành" với cô là một đội quân "thần bí", chuyên đánh những trận rúng động, kinh hoàng. Nhưng về sau, cô hiểu ra chiến sĩ biệt động là những người rất đỗi bình thường, đang sống quanh mình như anh công nhân, chị tiểu thương, bác xích lô, em học sinh hay cô sinh viên tóc dài, môi đỏ...

"Trong rất nhiều những đồng đội thân thương ngày ấy, đọng mãi trong lòng tôi là hình ảnh chị Đoàn Thị Ánh Tuyết. Mới nhìn, ai cũng thấy chị như một nữ sinh xinh đẹp, dịu dàng, hay mắc cỡ. Nhưng nào có ngờ đâu chị đã từng xông pha cùng đồng đội đánh nhiều trận vang dội, có trận chị đánh có một mình" - cô Khánh nhắc lại.

Trận đánh một mình của chị Tuyết là trận đánh vào Tòa hành chính Gia Định. Sau năm 1968, đối phương kiểm soát rất gắt. 

Các đồng chí nam muốn vào thành rất khó, vậy là chị Tuyết quyết định một mình tự làm các khâu từ điều nghiên, lên kế hoạch, phương thức đánh, vận chuyển chất nổ, kíp nổ vào thành. 

Nhờ chuẩn bị và tính toán kỹ, một mình chị đã làm nổ tung phòng sưu tra căn cước, làm bị thương một số lính trong khi người dân không bị thương vong. Bị chiêu hồi chỉ điểm, chị bị bắt.

"Họ tra tấn chị không thiếu hình thức nào, kể cả quậy xà bông bột, cạy miệng đổ đầy bụng rồi đạp vô bụng cho ọc ra hết lần này đến lần khác nhưng chị vẫn không khai báo. Đòn tra tấn ấy khiến chị bị loét dạ dày, ói ra máu, không ăn uống được" - cô Khánh rưng rưng nhắc. 

Chị Tuyết chính là nữ biệt động Sài Gòn - Gia Định được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sớm nhất.

Mậu Thân - không ai lãng quên - Ảnh 3.

Cán bộ lão thành và nhân dân TP.HCM dâng hương tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại bia tưởng niệm ở quận 1 sáng 26-1 - Ảnh: TỰ TRUNG

Những người trẻ để lại ước hẹn

Trong rất nhiều những trận đánh của lực lượng biệt động Sài Gòn, việc chiến sĩ phải đơn độc tác chiến hay chiến đấu cùng một nhóm ít người rất thường xảy ra. 

Hơn 10 năm đi nhiều nơi, đọc nhiều tư liệu, tiếp xúc nhiều nhân chứng làm nên lịch sử Mậu Thân 1968 để viết tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ, nhà văn Trầm Hương nghe được biết bao câu chuyện cảm động về những người trẻ trong trận Mậu Thân năm ấy.

Đó là anh Bảy Hôn, một trong 14 chiến sĩ biệt động đánh vào dinh Độc Lập, sẵn sàng dời lại ngày cưới của mình để được có mặt trong đội quân quyết tử. 

Là một trong 7 người bị bắt, vượt qua những đòn tra tấn, anh vượt ngục trở về. Nhưng đau xót thay, cô du kích - người vợ hứa hôn của anh - đã hi sinh trên chiến trường Củ Chi.

Đó là chiến sĩ Cao Hoài Vinh, người trẻ nhất trong đội biệt động tấn công Đại sứ quán Mỹ, hi sinh khi bắn quả B46 vào một căn phòng kiên cố trong đại sứ quán, bị sức công phá của quả đạn dội ngược trở lại. 

Lời hứa hẹn của vị chỉ huy rằng sau trận đánh này sẽ cho anh cưới cô giao liên mang tên Ngọc Huệ đã mãi mãi không thể thành hiện thực.

Còn chị Trần Thị Yến Ngọc, đội biệt động A20-A30, không thể nào quên người chỉ huy trận đánh vào Đài phát thanh Sài Gòn - anh Năm Mộc. 

Sau khi nổ bộc phá phá hủy thủy đài, vợ anh Năm Mộc - cũng là chiến sĩ biệt động - đã phải chứng kiến cảnh đối phương kéo thi thể chồng mình từ trong đài ra. 

Nén đau thương, chị Năm vẫn cố gắng giữ bình tĩnh nhanh chóng hướng dẫn cụm trưởng Tư Tăng và một đồng chí nữa vào căn hầm bí mật chứa vũ khí ngay trong nhà chị, sau đó móc nối đưa hai đồng chí về căn cứ an toàn.

Mậu Thân - không ai lãng quên - Ảnh 4.

Ông Đặng Xuân Tẻo kể về những kỷ niệm với các đồng đội đã hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân - Ảnh: XUÂN ĐÀO

Món nợ chưa trả

Ngày TP.HCM tổ chức hội thảo kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân hôm 28-1, ông Ba Tẻo (Đặng Xuân Tẻo, chiến sĩ biệt động cùng đồng đội tấn công Đài phát thanh Sài Gòn Tết Mậu Thân) đang bị bệnh nằm một chỗ, không đi dự lễ được. 

"Tui cùng anh em chiến đấu mà đến bây giờ còn mình tui ở đây, trong khi các đồng đội nằm ở đâu, 50 năm nay tui không biết. Người ta hi sinh ở tận nơi rừng sâu núi thẳm còn tìm được, anh em hi sinh ngay giữa lòng thành phố mà nửa thế kỷ rồi chưa tìm ra" - giọng ông Ba Tẻo nghẹn lại.

Ngày đó, sau trận đánh, đồng đội phần lớn hi sinh. Một số người hi sinh khi đánh vào đài, hai người đi cùng ông phá vòng vây cũng ngã xuống trong làn đạn. Ba đồng đội ở lại giữa vòng vây, đã phá hủy một phần đài và anh dũng hi sinh. 

Ông kể năm 2010, ông Tư Chu là chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định có làm một danh sách đề nghị khen thưởng cho anh em, nhưng lời đề nghị đó đến nay vẫn chưa được thực hiện. Nghe đâu thủ tục còn chưa đạt. 

"Anh em tui nằm trên bãi mìn, dây kẽm gai, trong hầm tối chiến đấu, giờ phải đưa ra hội đồng để bỏ phiếu xem có được khen hay không. Có cả người chỉ huy trực tiếp xác nhận cũng chưa được" - giọng ông đầy day dứt.

Cùng chung niềm day dứt ấy, ông Phan Xuân Biên, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nói đến nay còn rất nhiều người hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân mà chưa biết được tên họ chính thức là gì. 

"Đọc danh sách chiến sĩ hi sinh với những chú thích "tên giả", "tên thật nhưng không biết họ", không ai không thấy chạnh lòng" - ông Biên trăn trở.

Trong chiếc cặp mang theo bên mình của ông Nguyễn Quốc Độ, phó chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động, luôn có hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách cho những người từng tham gia lực lượng biệt động cũng như nuôi giấu cách mạng. 

Ông Độ chia sẻ: "50 năm qua, canh cánh trong lòng chúng tôi món nợ chưa trả đối với đồng chí, đồng đội trong lực lượng biệt động. 64 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong trận tấn công vào 5 mục tiêu tại Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân 1968 đến nay chỉ mới tìm được một hài cốt".

Đã 50 mùa xuân trôi qua…

Mong giải quyết chính sách tồn đọng

Theo ông Nguyễn Quốc Độ, biệt động Sài Gòn là lực lượng ra đời rất sớm trong kháng chiến chống Pháp, có vai trò tích cực trong kháng chiến chống Mỹ nhưng cũng là đơn vị giải thể sớm nhất ngay sau khi đất nước thống nhất.

Việc giải thể sớm một lực lượng vũ trang mang tính đặc thù đã để lại nhiều vấn đề khó khăn trong giải quyết chính sách.

Ông Độ tha thiết mong các cấp, các ngành chức năng có những động thái tích cực hơn trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giải quyết chế độ chính sách tồn đọng cho những chiến sĩ Mậu Thân bằng cả tấm lòng và sự cảm thông, chia sẻ.

MAI HƯƠNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên