Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến màu sắc, mùi và thành phần nước tiểu
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K, cho biết nước tiểu do hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo) thải ra, nếu không có bệnh thì là dịch vô khuẩn.
Khi nước tiểu được thải ra đến niệu đạo thì không còn vô khuẩn vì lớp biểu mô ở đây đã có vi khuẩn yếm khí. Nước tiểu khi thải ra ngoài đều sẽ thay đổi không chỉ màu sắc mà còn cả mùi và thành phần, có phải do bệnh lý hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Một số bệnh làm biến đổi lượng, độ đậm đặc và màu sắc của nước tiểu. Tuy không độc nhưng vì là chất mà cơ thể thải ra cho nên nước tiểu cũng có những chất mà cơ thể khó dung nạp và có thể kích thích da và mắt.
Chỉ ở điều kiện sống của những nhà du hành vũ trụ người ta mới phải xử lý nước tiểu thành nước có thể uống được.
Có rất nhiều yếu tố làm thay đổi màu sắc của nước tiểu. Màu sắc của nước tiểu có thể thay đổi từ trong đến sẫm như màu hổ phách nhưng thường có màu vàng nhạt, phần lớn tùy thuộc vào sự mất nước (ra mồ hôi)...
Chế độ ăn uống ảnh hưởng khá lớn đến màu sắc của nước tiểu, đa phần không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nước tiểu sậm màu kéo dài đi kèm với triệu chứng bất thường, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý nghiêm trọng cần làm xét nghiệm nước tiểu mới có thể định hướng chẩn đoán bệnh, không thể chỉ dựa vào quan sát.
Nhận biết bệnh qua nước tiểu?
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cảnh báo màu sắc của nước tiểu cũng có thể nói lên chính xác tình trạng sức khỏe của cơ thể. Vì vậy, cần chú ý theo dõi:
- Nước tiểu trong suốt: Nước tiểu trong suốt cho thấy bạn đã uống nhiều hơn lượng nước khuyến cáo hằng ngày. Nhu cầu nước hằng ngày là 1,5 - 2 lít. Mặc dù uống nhiều nước thì tốt, nhưng uống quá nhiều nước có thể làm cơ thể mất đi các chất điện giải.
Nếu chỉ thỉnh thoảng nước tiểu mới trong suốt thì không cần phải lo lắng. Nhưng tình trạng này luôn luôn xảy ra thì cần phải cắt giảm lượng nước uống hằng ngày.
Một khi không uống quá nhiều nước nhưng nước tiểu vẫn rất nhiều và không màu thì có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo nhạt cần đi khám ngay.
- Nước tiểu vàng sậm: Biểu hiện có thể bị mất nước. Khi không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết, các chất trong nước tiểu sẽ trở nên cô đặc hơn. Tình trạng này thường thấy khi lấy nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng do chúng ta tạm thời hạn chế nước qua đêm.
- Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng: Đây là một tình trạng cảnh báo, nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều nghiêm trọng. Tình trạng này có thể do một số nguyên nhân sau:
Một số loại thực phẩm bạn dùng, chẳng hạn như củ cải đường, quả mâm xôi, đại hoàng…
Dùng thuốc Rifampin, một loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị bệnh lao.
Thuốc Phenazopyridine, một loại thuốc làm giảm đau đường tiết niệu, hoặc thuốc nhuận tràng có chứa senna.
Ngộ độc chì hoặc thủy ngân.
Đôi lúc nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng có liên quan đến máu. Các yếu tố có thể gây ra tiểu máu bao gồm: chấn thương; tắc nghẽn hệ niệu; nhiễm trùng đường tiết niệu; bệnh thận; phì đại tiền liệt tuyến; ung thư;
Tiểu porphyria (một rối loạn di truyền hiếm gặp của các tế bào hồng cầu); thiếu máu tán huyết nội mạch cấp (trong nước tiểu chứa chất gọi là hemoglobin niệu); chấn thương cơ nghiêm trọng (làm tăng myoglobin và chất này thải qua nước tiểu).
Có máu trong nước tiểu là một vấn đề cần được quan tâm. Nó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, vì vậy bạn nên đến gặp và khám với bác sĩ ngay lập tức.
- Nước tiểu màu cam: Có thể do các loại thuốc gây ra, ví dụ như: thuốc kháng sinh Rifampicin; các thuốc giảm đau Phenazopyridine; thuốc Sulfasalazine: điều trị viêm khớp, hội chứng ruột kích thích; một số thuốc nhuận tràng; các chất dùng trong hóa trị cũng có thể làm nước tiểu chuyển màu cam; có thể do cơ thể bị mất nước.
Một số tình trạng bệnh lý liên quan đến ống mật chủ hoặc gan cũng có thể thay đổi nước tiểu thành màu cam.
- Nước tiểu màu xanh dương hoặc xanh lá: Đây là một tình trạng rất hiếm ở người. Nước tiểu có thể chuyển sang màu xanh dương hoặc xanh lá vì những nguyên nhân sau đây:
Thuốc nhuộm: Một số thuốc nhuộm thực phẩm có thể gây ra nước tiểu màu xanh lá cây. Thuốc nhuộm được sử dụng cho một số xét nghiệm chức năng thận và bàng quang có thể làm nước tiểu chuyển màu xanh. Thuốc thường sử dụng là xanh methylene.
Thuốc: Thuốc và các hợp chất có chứa phenol như Promethazine sử dụng điều trị cho dị ứng, buồn nôn. Hoặc Propofol là một loại thuốc sử dụng trong gây mê. Amitriptyline điều trị bệnh lý trầm cảm. Cimetidine: Thuốc giúp làm giảm axit trong dạ dày và một số thuốc giảm đau. Ngoài ra còn có một số vitamin tổng hợp.
Tình trạng bệnh lý: Tăng canxi máu có tính gia đình lành tính, một rối loạn di truyền hiếm gặp, đôi khi được gọi là hội chứng tã xanh vì trẻ bị rối loạn có nước tiểu màu xanh.
Biliverdin (sắc tố mật): Khi có sự bất thường giữa đường mật và đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn Pseudomonas.
- Nước tiểu màu nâu sẫm hoặc màu coca: Tình trạng này có thể là kết quả của thức ăn (ăn một lượng lớn đậu tằm, đại hoàng hoặc lô hội...).
Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm sẫm màu nước tiểu, bao gồm thuốc chống sốt rét Chloroquine và Primaquine; thuốc kháng sinh như Metronidazole và Nitrofurantoin. Thuốc nhuận tràng có chứa cascara hoặc senna. Thuốc giãn cơ methocarbamol.
Bệnh lý: Một số rối loạn bệnh lý gan, thận và nhiễm trùng đường tiết niệu có thể chuyển nước tiểu màu nâu sẫm.
Tập thể dục cực nặng. Chấn thương cơ do tập thể dục quá sức có thể dẫn đến tổn thương thận.
- Nước tiểu mờ hoặc đục: Nước tiểu mờ hoặc đục có thể bắt nguồn là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thận. Hoặc đó là triệu chứng của một số bệnh mãn tính và bệnh thận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận