03/11/2018 12:57 GMT+7

Mất việc, đâu có nghĩa là mất tất cả?

ĐẠI LÂM (BUÔN MA THUỘT, ĐẮK LẮK)
ĐẠI LÂM (BUÔN MA THUỘT, ĐẮK LẮK)

TTO - Mấy năm gần đây, cứ mỗi dịp chuẩn bị vào năm học mới là y như rằng lại có thông tin tỉnh này tỉnh khác không ký tiếp hợp đồng với hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn giáo viên.

Mất việc, đâu có nghĩa là mất tất cả?  - Ảnh 1.

Hình ảnh các giáo viên hợp đồng bị mất việc với những đôi mắt đỏ hoe, khuôn mặt thất thần khi nghe hai chữ "nghỉ việc" có lẽ chẳng còn xa lạ vì đã là "chuyện thường ngày ở huyện". 

Chuyện mất việc là nỗi lo thường trực với các giáo viên hợp đồng và đôi khi trở thành sự ám ảnh tới mức đẩy người ta tới chỗ có những hành vi bột phát làm mất đi hình ảnh của một người thầy.

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh các cô giáo ở nhóm trẻ tư thục Tuổi Thơ, thị trấn Thanh Chương, Nghệ An quỳ khóc xin lãnh đạo UBND thị trấn xem xét lại quyết định dừng hoạt động gây xôn xao dư luận xảy ra ngày 12-6-2018. 

Là một nhà giáo, tôi thấy đau lòng khi nghe một giáo viên nói: "Lúc đó tôi chỉ nghĩ nếu chúng tôi cùng quỳ để xin thì lãnh đạo chính quyền địa phương xem xét lại quyết định và có giải pháp để chúng tôi không mất việc"! Thậm chí cô không hối hận trước việc quỳ khóc để xin được dạy học.

Chao ôi, tại sao người giáo viên lại có thể quỳ, khóc, xin một cách dễ dàng đến vậy? Từ bao giờ con người ta lại trở nên yếu thế đến mức sẵn sàng quỳ gối van xin mà không hề hối hận? 

Từ bao giờ khi đứng trước nguy cơ miếng cơm manh áo bị đe dọa, người ta sẵn sàng bất chấp danh dự để quỳ gối? Tôi biết đối với các giáo viên hợp đồng, mất việc là điều mà ai cũng sợ.

Nhưng mất việc này thì còn việc khác. Mất việc không đồng nghĩa mất tất cả. Tôi dù đã công tác được 10 năm nhưng chỉ là hợp đồng không xác định thời hạn chứ không phải là biên chế. 

Ngôi trường tôi công tác từ 10 năm nay không hề có biên chế mới mà chỉ có hợp đồng dài hạn. Tất cả giáo viên hợp đồng như tôi luôn xác định một tâm thế phải chấp nhận nếu như một ngày nào đó mình bị chấm dứt hợp đồng. Nguy cơ mất việc có thể đến bất cứ lúc nào. 

Chính vì vậy, mỗi người chúng tôi luôn cố gắng không ngừng để khẳng định năng lực của bản thân, đồng thời cũng chính là để nếu có bị chấm dứt công việc hiện tại thì cũng... chẳng sao cả.

Đã có một số đồng nghiệp của tôi bị thôi việc vì nhiều lý do khác nhau. Tất cả họ đều đã đi tìm cho mình những công việc mới, đều đã ổn định sau những ngày khó khăn ban đầu. 

Có người làm ngân hàng, có người đi bán sơn, có người bán hàng online, có người làm cán bộ bán chuyên trách ở ủy ban xã - phường... Công việc dù có thể không đúng chuyên ngành nhưng họ vẫn sống và thậm chí còn sống tốt hơn so với trước đây. 

Tôi tin rằng các giáo viên nếu bị mất việc ở trường này rồi sẽ tìm được công việc mới ở một nơi khác, dù vất vả hơn hay lương thấp hơn thì cũng sẽ vẫn sống được.

Nghề giáo cũng chỉ là một trong vô vàn những nghề nghiệp lương thiện mà người ta có thể làm để kiếm sống. Nó chỉ đặc biệt hơn các nghề khác ở chỗ sản phẩm nó cung cấp cho xã hội là con người với tri thức và đạo đức. 

Các thầy cô giáo phải luôn xác định rằng mình không phải là người làm công việc cao quý nên xã hội phải đối xử đặc biệt hơn với mình. 

Tại sao những ngành nghề khác người lao động cũng phải đối mặt với nguy cơ mất việc nhưng không thấy ai than khóc mà luôn đứng dậy tiếp tục tìm kiếm một công việc khác? 

Tại sao có những người như hai vợ chồng thạc sĩ sẵn sàng nghỉ việc mở quán chè để chăm con bị bệnh hiểm nghèo trong khi công việc của họ vừa đúng chuyên ngành vừa có thu nhập cao như mơ ước của bao nhiêu người?

Tôi rất thích một câu trong truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải: "Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy". 

Tôi tin mất việc chỉ là một ranh giới mà tôi và bất cứ một người lao động bất kỳ nào cũng sẽ có lúc phải đối mặt mà thôi.

Kiến nghị miễn học phí, bỏ vĩnh viễn biên chế giáo viên Kiến nghị miễn học phí, bỏ vĩnh viễn biên chế giáo viên

TTO - Đây là những nội dung thu hút nhiều ý kiến tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật giáo dục sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24-8.

ĐẠI LÂM (BUÔN MA THUỘT, ĐẮK LẮK)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên