Nhớ năm nào khi ba mất tôi cũng đau xót vô cùng, nhưng khi đó tôi còn có mẹ - chỗ dựa tinh thần vững chãi của anh em chúng tôi - nỗi đau nguôi ngoai phần nhiều… Mẹ giúp tôi biến nỗi đau thành động lực để đi tiếp con đường học vấn của mình. Nay mẹ mất, tôi đã ngoài 40 nhưng sao vẫn như gà con mất mẹ. Dáo dác, hụt hẫng đến vô cùng. Khi sinh thời, mẹ hay bảo tôi: “Con cứ luẩn quẩn bên mẹ, khi mẹ mất sẽ hụt hẫng nhe con”, khi đó tôi chỉ cười khẩy… Mất mẹ, mọi thứ xung quanh tôi dường như vô nghĩa, tôi chỉ biết lấy gia đình nhỏ của mình để tự vỗ về nỗi đau xé lòng.
Mất mẹ - tôi mới biết mình vừa đánh mất một bảo vật mà không gì thay thế được. Cả quãng đời xuyên suốt chiều dài lịch sử nước nhà của mẹ thật sự là niềm tự hào của anh em tôi và của riêng tôi. Từ cô nữ sinh Đồng Khánh kiêu hãnh với công - dung - ngôn - hạnh vẹn toàn thời Pháp thuộc đến cán bộ hội phụ nữ phường năng động, hết lòng vì công việc, vì dân và rồi đến khi về hưu, cả phường, quận đều gọi mẹ bằng hai tiếng thân thương “má Hương”. Những ngày cuối đời, mẹ dành thời gian sắp xếp cho hậu sự của mình: hỏa táng ở đâu, lưu cốt ở đâu, đám tang không kèn, không trống để đừng phiền hàng xóm… Dẫu biết sinh - lão - bệnh - tử là quy luật muôn đời không tránh khỏi, sao con vẫn không đành lòng khi mẹ ra đi, mẹ ơi!
Nếu tôi dành thêm nhiều thời gian ở bên mẹ, nếu tôi chăm sóc mẹ chu đáo hơn, nếu tôi làm tròn hơn nữa trách nhiệm của một người thầy thuốc, nếu tôi biết rằng ở bên mẹ là diễm phúc của mình chứ không chỉ là trách nhiệm báo hiếu đơn thuần… thì có lẽ mẹ được sống thêm vài năm nữa và tôi cũng không phải day dứt, tự dày vò mình với niềm ân hận vô bờ… Mẹ ơi, tha lỗi cho con!
Mất mẹ, tôi không còn thấy dáng mẹ ngồi trông ra cửa mỗi khi tôi về trễ, không còn được nghe tiếng mẹ càm ràm và không ít lần kèm những tiếng thở dài não lòng… Khi tôi còn nhỏ, mẹ thường kể tôi nghe câu chuyện một bà mẹ đã mất nhưng vẫn hiện hồn về chăm sóc con trai của mình, khi đó tôi tin là câu chuyện có thật.
Đến khi lớn lên tôi biết câu chuyện này cũng giống như câu chuyện cổ tích cô Tấm bước ra từ quả thị - làm gì có. Nhưng nay khi mất mẹ, tôi lại cầu mong câu chuyện trên là chuyện thật. Hằng đêm, tôi vẫn ghé mắt vào phòng mẹ mong sao một lần nữa được thấy mẹ, dẫu chỉ một lần thôi, để được ôm mẹ, hôn mẹ. Nhưng không, vẫn giường đó, gối đó, chăn đó nhưng không có mẹ và tôi biết: con mất mẹ thật rồi, mẹ ơi!
Sao tôi thèm được hôn mẹ quá, một nụ hôn thật sự lên vầng trán uyên bác nhăn nheo nhưng nóng ấm và thơm tho chứ không phải nụ hôn mặn chát vị nước mắt khi tôi hôn mẹ đang lịm dần trong phòng hồi sức cấp cứu trước sự bất lực của khoa học y tế... Tôi cứ mãi day dứt với câu hỏi “lần gần nhất mình hôn mẹ là khi nào?”… Câu hỏi thật đơn giản, nhẹ nhàng mà sao như vết dao cứa vào tim tôi hết vết này đến vết khác…
Hỡi những ai đang còn mẹ, hãy ôm, hãy hôn mẹ, hãy biết quý, biết nâng niu những giây phút quý báu bên mẹ để đừng như tôi khi mất mẹ không thể tìm đâu ra những điều bình dị thiêng liêng ấy, đừng để như tôi giờ đây mỗi lần nhìn di ảnh của mẹ trên bàn thờ chỉ biết khấn thầm “Mẹ ơi, tha lỗi cho con”…
Sài Gòn, đêm giao thừa Tân Mão
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận