Phi đội máy bay chiến đấu hiện đại F-35 của Mỹ - Ảnh: AFP
Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp những đe dọa từ Mỹ để nhận tên lửa S-400 của Nga. Điều này khiến Washington không thể bán máy bay tàng hình F-35 theo kế hoạch.
Dựa theo những phát biểu của ông chủ Nhà Trắng, người ta thấy rằng dường như ông vẫn cố tìm lối thoát bằng cách không chỉ trích Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như không đề cập đến chuyện trừng phạt như đã dấm dứ trước đó.
Theo Hãng tin AFP, ông Trump thậm chí còn nói: "Tôi có mối quan hệ tốt với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đây là một tình huống khó khăn mà họ gặp phải và cũng là tình huống rất khó khăn mà chúng tôi gặp phải...".
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thừa nhận: "Thật tình mà nói đây là tình huống rất phức tạp", và nhấn mạnh rằng Lầu Năm góc đã không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tiếp tục vào chương trình phát triển máy bay tàng hình của NATO mà Ankara đã tham gia ngay từ đầu cũng như mua 100 máy bay F-35 theo kế hoạch.
Hệ thống tên lửa S-400 được tải xuống từ máy bay Nga ở căn cứ không quân Murted, gần thủ đô Ankara - Ảnh: REUTERS
Sau khi nhắn nhủ rằng việc mất hợp đồng 100 máy bay đồng nghĩa "mất rất nhiều việc làm" cho nước Mỹ và nhà thầu Lockheed "rất không bằng long", ông Trump đổ lỗi cho người tiền nhiệm.
Ông Trump cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã bị buộc vào tình huống này do người tiền nhiệm Barack Obama từ chối bán hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ cho Ankara, để cuối cùng khiến nước này quay sang mua tên lửa S-400 của Nga.
Vào năm 2009, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý thông qua việc bán 13 hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá gần 8 tỉ USD, nhưng khi đó Ankara đòi được tham gia vào quy trình sản xuất và trao đổi công nghệ nên Washington đã từ chối.
Đến khi Nhà Trắng thay đổi quyết định thì Ankara đã "ký kết hợp đồng với Nga và trả trước kha khá tiền", theo giải thích của ông Trump.
Mỹ liên tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và đưa Ankara ra khỏi chương trình phát triển máy bay tàng hình F-35 nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ thương vụ S-400. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố thương vụ S-400 là vấn đề chủ quyền quốc gia.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa của Nga S-400 trước cuộc diễu binh ở Matxcơva, vào ngày 29-4-2019 - Ảnh: REUTERS
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa của Nga, dùng để tiêu diệt các phương tiện tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh.
Matxcơva và Ankara đã ký thỏa thuận cho vay để cung cấp các hệ thống tên lửa S-400 hồi tháng 12-2017. Hợp tác giữa hai bên trong vấn đề tên lửa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ, viện dẫn những quan ngại an ninh và sự không tương thích của S-400 với các hệ thống phòng không của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên.
Trên trang mạng xã hội Twitter ngày 15-7 vừa qua, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo thêm 2 máy bay chở hàng của Nga đã đáp xuống căn cứ không quân Murted, gần thủ đô Ankara trong bối cảnh Matxcơva tiếp tục chuyển giao các thiết bị của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ đây là ngày thứ 4 liên tiếp các thiết bị của hệ thống S-400 được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là máy bay thứ 8 và 9 của Nga đáp xuống căn cứ Murted kể từ ngày 12-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận