Phiếu khai chuyển phát nhanh của chị G. khai chỉ vỏn vẹn thông tin “hàng dễ vỡ” - Ảnh: T.TRUNG |
Sự việc không lớn nhưng đây là một bài học không chỉ cho các bên trong cuộc, mà ngay cả những ai thường sử dụng chuyển phát nhanh cũng phải lưu ý.
Gói hàng bị rạch
Ngày 27-7, chị T.T.G. (TP Đà Nẵng) gửi một bưu phẩm đi TP.HCM qua dịch vụ chuyển phát nhanh của Công ty cổ phần vận chuyển Ecotrans. Đến sáng hôm sau, chị nhận được cuộc gọi từ nhân viên dịch vụ chuyển phát hỏi về hàng hóa bên trong.
“Nhân viên chuyển phát hỏi tôi hàng gửi hôm qua có giá trị cao không. Tôi trả lời “có”. Khoảng 30 phút sau, anh ta báo hàng của tôi mất rồi.
Tôi yêu cầu được gặp quản lý, anh ta cho số điện thoại của người phụ trách ở Đà Nẵng. Người này trả lời nhân viên Bưu cục Sài Gòn nhận phát hiện gói hàng bị rạch, còn nguyên hộp phụ kiện của điện thoại nhưng không có điện thoại” - chị G. kể.
Theo chị G., hàng hóa chị gửi là 1 chiếc điện thoại iPhone 7 plus màu hồng có giá trị khoảng 15 triệu đồng. Chị G. cho biết quá trình chị giao hàng có nhiều người làm chứng.
“Nhân viên gói hàng không hướng dẫn hay đề nghị tôi phải ghi nội dung như thế nào. Tôi có dặn nhân viên rất nhiều lần về việc hàng này có giá trị cao nên phải cẩn thận. Anh này hướng dẫn tôi cứ ghi trên bill là “hàng dễ vỡ”, rồi kiểm tra trọng lượng đơn hàng và báo cước” - chị G. kể thêm.
Sau sự cố, phía Ecotrans gửi hình ảnh kiện hàng, trong đó có ảnh từ camera giám sát ghi lại kiện hàng bị rạch lúc nhân viên chưa khai thác. Công ty xác nhận trọng lượng hàng có thay đổi, hàng bị mất lúc qua sân bay, nhưng đến nay gần một tháng vẫn không đồng ý hoàn trả điện thoại.
Đại diện Ecotrans tại Đà Nẵng cung cấp một hóa đơn chuyển phát của chị G., trong đó ghi các nội dung người gửi và người nhận. Thông tin hàng hóa chỉ ghi “hàng dễ vỡ - trọng lượng 300g”, giá tính cước là 30.000 đồng.
“Chị G. là khách quen nhưng khi gửi hàng lại không khai báo bên trong chứa hàng gì. Lẽ ra nếu là tài sản có giá trị, chúng tôi chỉ nhận chuyển nội bộ, còn qua trung gian rất khó kiểm soát. Hàng hóa quá 1 triệu đồng thì giá cước phải tính thêm 20% phí bảo hiểm hoặc cân nhắc có nhận hay không” - vị đại diện này nói.
Gói hàng của chị G. bị rạch, bên trong chỉ còn lại chiếc vỏ của điện thoại iPhone 7 plus - Ảnh: T.TRUNG |
Coi chừng bị kiện ngược
Ông Lê Xuân Cường, giám đốc Công ty cổ phần vận chuyển Ecotrans (trụ sở tại Hà Nội), cho biết đơn vị có nhận được khiếu nại của khách hàng và đã có thư trả lời.
Theo ông Cường, nếu khách khai báo ban đầu hàng là điện thoại, bưu cục tại Đà Nẵng sẽ kiểm tra điện thoại gì, ghi số xêri trong nội dung phiếu gửi rồi xem xét có nhận chuyển hay không bởi điện thoại rất dễ bị thất lạc.
Đó là chưa kể có thể không đi đường hàng không được (có pin, không được phép bay).
“Trường hợp gói hàng được người gửi niêm phong và yêu cầu Ecotrans không kiểm tra. Do vậy nếu bị mất, hư hỏng hoặc bị tráo đổi thì chỉ được đền bù một trong hai phương án: đền bù 500% cước hoặc 500.000 đồng/bưu phẩm gửi.
Do chị G. không sử dụng dịch vụ khai giá, chúng tôi cũng xác định có việc hàng bị thất lạc nên đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng và chấp nhận đền bù số tiền 500.000 đồng nhưng chị G. không đồng ý” - ông Cường nói.
Ông Cường còn cho rằng công ty rất thiện chí giải quyết nhưng khách hàng lại liên tục gửi đơn đến công an tố cáo. Cho nên ông Cường đang xem xét kiện khách hàng này ra tòa vì tội vu khống. Lý do: gửi hàng không báo cụ thể là điện thoại, khi mất hàng lại khai báo là điện thoại iPhone 7 plus.
Cả hai bên đều sai Giám đốc một đơn vị chuyển phát lâu năm tại Đà Nẵng cho rằng ngay từ đầu cả khách hàng lẫn đơn vị chuyển phát đều sai khi thực hiện giao dịch. “Cái sai của người gởi là không khai báo cụ thể. Phía đơn vị nhận chuyển cũng thiếu kiểm tra, soát xét trước khi nhận hàng” - vị này giải thích. |
Phải ghi rõ thông tin hàng gửi Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Đà Nẵng), nguyên tắc chung, theo quy định tại điều 541 Bộ luật dân sự 2015, bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng. Trong hoạt động vận chuyển bưu chính cũng có quy định việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. “Khách hàng thực hiện các hoạt động thuê vận chuyển phải hết sức lưu ý vấn đề xác lập hợp đồng/giao dịch vận chuyển với các thông tin chính xác về tài sản vận chuyển, để đảm bảo cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu không làm rõ giá trị hàng hóa được thì khó có thể đưa ra một mức bồi thường có sức thuyết phục” - luật sư Cao nói. Theo luật sư Cao, đối với đơn vị vận chuyển hàng hóa, nếu không ghi đúng thông tin hàng hóa vận chuyển thì rất dễ xảy ra kiện tụng khi có mất mát. Điều này làm tổn thất uy tín của oanh nghiệp. Để tránh trường hợp tranh chấp, tốt hơn hết các bên phải làm quen với sự thẳng thắn, trung thực ngay từ đầu trong hợp đồng sử dụng dịch vụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận