17/01/2022 06:29 GMT+7

Mất đất vì tờ giấy viết tay của chồng

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Thửa đất là tài sản chung của vợ chồng ông Sáng, bà Xuân đã được UBND huyện cấp sổ đỏ. Tuy nhiên trong quá trình chung sống, vợ chồng ông Sáng rạn nứt tình cảm nên ông tự ý viết giấy tay "chuyển nhượng" thửa đất cho em ruột của mình.

Mất đất vì tờ giấy viết tay của chồng - Ảnh 1.

Thửa đất mà gần 20 năm qua bà Xuân đã ôm đơn đi kiện khắp nơi để đòi lại quyền sở hữu - Ảnh: QUỐC NAM

Điều khó hiểu là chỉ dựa vào tờ giấy viết tay này mà UBND huyện lại cấp sổ đỏ cho em trai ông Sáng.

Bỗng dưng mất đất, bà Xuân khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên hủy sổ đỏ đã cấp cho em của chồng, nhưng cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều không tuyên hủy. 

Điều đáng nói là trước khi hai phiên tòa này diễn ra, UBND huyện Vĩnh Linh đã có văn bản gửi tòa thừa nhận việc cấp sổ đỏ cho ông Phan Tài Thoại (em ông Sáng) là sai và đề nghị tòa hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Thoại.

1 thửa đất, 2 sổ đỏ

Thửa đất của vợ chồng ông Phan Văn Sáng và bà Trần Thị Xuân (trú Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) được UBND huyện Vĩnh Linh cấp sổ đỏ với diện tích 747m2 tại thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh vào năm 2002.

Tuy nhiên, sau đó ông Sáng và bà Xuân rạn nứt tình cảm và có khả năng ly hôn, nên ông Sáng đã tự viết giấy chuyển nhượng quyền thừa kế toàn bộ thửa đất cho ông Thoại. Gần một năm sau, ông Thoại được UBND huyện Vĩnh Linh đưa luôn phần đất này vào sổ đỏ của gia đình khi huyện triển khai cấp đổi sổ đỏ chỉ bằng tờ giấy viết tay đó. Một thửa đất bỗng nhiên tồn tại trên 2 sổ đỏ.

Bà Xuân không hề biết việc chồng mình chuyển nhượng thửa đất chung của gia đình cho ông Thoại. Sau khi phát hiện, bà Xuân đã nhiều lần viết đơn gửi đến các cơ quan chính quyền xã Vĩnh Sơn và huyện Vĩnh Linh yêu cầu hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Thoại nhưng không được giải quyết.

Đến năm 2014, bà Xuân đã làm đơn khởi kiện ông Thoại ra TAND huyện Vĩnh Linh để yêu cầu phải trả lại đất. Sau đó, TAND huyện này đưa ra đề xuất để hai bên thỏa thuận hòa giải và được bà Xuân đồng ý.

Ngày 23-4-2014, tại trụ sở UBND xã Vĩnh Sơn, vợ chồng ông Sáng cùng vợ chồng ông Thoại lập biên bản thỏa thuận phân chia tài sản. Theo đó, ông Sáng và bà Xuân chia đôi diện tích đất trong sổ đỏ của gia đình. Bà Xuân nhận 344m2, còn ông Sáng nhận 403m2 (mỗi người có 100m2 đất ở, còn lại là đất vườn). Phần đất của ông Sáng sau đó được ông chuyển cho ông Thoại theo hình thức tặng tài sản. Thỏa thuận này cũng thống nhất việc hai bên sẽ nộp lại các giấy tờ liên quan về văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện để cấp đổi sổ đỏ mới.

Biên bản được UBND xã Vĩnh Sơn chứng thực, do ông Thân Trọng Dũng thời điểm đó đang là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã ký.

Người ký không đúng thẩm quyền vẫn được công nhận?

Theo bà Xuân, sau khi thỏa thuận được ký, bà nhiều lần yêu cầu ông Thoại thực hiện nội dung thỏa thuận, đưa sổ đỏ đi hủy phần đất bị cấp trùng để tách thửa đất 747m2 thành 2 phần, nhưng ông Thoại vẫn chây ỳ. Ông Sáng cũng xác nhận nhiều lần yêu cầu em trai chia đất nhưng không được. Bà Xuân nhiều lần khiếu nại lên các cơ quan chức năng của huyện can thiệp nhưng vẫn không được. Đầu năm 2021, bà Xuân khởi kiện ông Thoại ra TAND tỉnh Quảng Trị.

Tại phiên sơ thẩm, hội đồng xét xử xác định giấy chuyển nhượng viết tay của ông Sáng và ông Thoại là vô hiệu vì đây là tài sản chung của hai vợ chồng. Việc UBND huyện Vĩnh Linh cấp sổ đỏ cho ông Thoại chồng lên phần đất đã cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Sáng cũng được tòa xác định là sai. Tuy nhiên, hội đồng xét xử cho rằng biên bản thỏa thuận ngày 23-4-2014 của hai bên đã có hiệu lực nên chỉ tuyên hủy một phần sổ đỏ đã cấp cho ông Thoại và buộc hai bên phải thực hiện theo biên bản thỏa thuận đó.

Không đồng tình với phán quyết của TAND tỉnh Quảng Trị, bà Xuân kháng cáo lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Cuối năm 2021, cơ quan này đã mở phiên xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tòa này cũng cho rằng biên bản thỏa thuận năm 2014 đã có hiệu lực nên phải thực hiện theo đó.

Tuy nhiên, theo luật sư Võ Ngọc Mậu (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Trị), biên bản giữa hai bên ký ngày 23-4-2014 là không còn hiệu lực vì nội dung thỏa thuận này sai 100m2 đất so với thực tế và nội dung thỏa thuận cũng không được ông Thoại thực hiện từ năm 2014 đến khi tòa xử. Ngoài ra, người ký xác nhận chứng thực thời điểm đó là ông Thân Trọng Dũng đang là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã chứ không phải là lãnh đạo UBND xã. Ông Dũng cũng đã có văn bản xin rút lại việc chứng thực này và gửi đến TAND cấp cao tại Đà Nẵng, trước khi cơ quan này mở phiên xử phúc thẩm.

"Nội dung thỏa thuận sai. Người ký xác nhận không đủ tư cách chứng thực thì biên bản thỏa thuận không thể có giá trị pháp lý được", luật sư Mậu lập luận.

UBND huyện nhận sai, đề nghị tòa tuyên hủy sổ đỏ

Điều đáng nói là trước khi hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm diễn ra, UBND huyện Vĩnh Linh đều có văn bản gửi đến hội đồng xét xử của cả hai cấp tòa này. Theo đó, nội dung văn bản của UBND huyện Vĩnh Linh xác định việc huyện cấp sổ đỏ cho ông Thoại chồng lên đất đã cấp cho vợ chồng ông Sáng - bà Xuân là sai. Huyện này cũng đề nghị tòa xem xét hủy sổ đỏ cấp cho ông Thoại để lập hồ sơ cấp lại sổ đỏ khác theo đúng quy định hiện hành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh - thừa nhận sai sót đầu tiên là từ cơ sở rồi đến Trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh trong việc chứng thực và đo đạc diện tích đất. "Cơ quan tham mưu UBND huyện thiếu kiểm tra, rà soát nên UBND huyện ban hành quyết định cấp đất mới mà không thu hồi quyết định đã cấp đất cũ là sai quy định", ông Tuấn nói.

Sau khi thua kiện ở hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Xuân đã làm đơn gửi chánh án TAND tối cao tại Hà Nội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Mới đây, TAND tối cao đã có văn bản xác nhận đang xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật. 

Chính quyền xã xin rút lại việc chứng thực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thân Trọng Dũng thừa nhận thời điểm đó ông chỉ là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của xã, 4 tháng sau ông mới nhận chức vụ chủ tịch UBND xã, nhưng vì bộ phận văn phòng tham mưu sai nên ông ký nhầm vô biên bản thỏa thuận này. "Sau đó, khi rà soát thì UBND xã thấy có nhiều điểm sai như ghi sai diện tích đất (thiếu 100m2 so với tổng diện tích đất), UBND xã không thực hiện chứng thực chữ ký mà chỉ ký xác nhận như các văn bản thông thường khi chứng thực thỏa thuận nói trên là không đúng với thủ tục hành chính, nên xã mới có văn bản xin rút lại việc chứng thực", ông Dũng nói.

103 người cùng đứng tên 1 sổ đỏ 103 người cùng đứng tên 1 sổ đỏ

TTO - Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết qua rà soát ở tỉnh này có 3.771 sổ đỏ đất nông nghiệp đồng quyền sử dụng. Có sổ lên đến hơn 100 người đứng tên chung.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên