28/09/2020 08:14 GMT+7

Mặt bằng đã có, chờ khởi công dự án đường cao tốc

ĐỨC TRONG - HÀ MI  - TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG
ĐỨC TRONG - HÀ MI - TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG

TTO - Những ngày qua, người dân Bình Thuận háo hức chờ đến thời điểm "nhấn nút" khởi công các dự án cao tốc qua địa phương. Phần lớn các hộ dân đã nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng cho các dự án.

Mặt bằng đã có, chờ khởi công dự án đường cao tốc - Ảnh 1.

Ông Trương Văn Bảo (70 tuổi, ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) bên những cột mốc bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG

Được sự chấp thuận của Thủ tướng, ngày 30-9 Bộ GTVT khởi công đồng loạt 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam gồm các đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45 (qua địa bàn Ninh Bình và Thanh Hóa), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan Thiết - Dầu Giây (qua địa bàn Bình Thuận và Đồng Nai).

Người dân vui vẻ bàn giao đất

Gia đình ông Trương Văn Bảo (70 tuổi, ở thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) là một trong những trường hợp như vậy. Ông Bảo cho biết đã bàn giao hơn 11.000m2 đất canh tác, cắm mốc từ nhiều tháng qua. Từ năm 2015, Nhà nước thông báo dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ đi qua đất của gia đình ông. Kể từ đó, ông chấp hành chủ trương đền bù, sẵn sàng phối hợp để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

"Chủ trương đúng đắn mình phải đồng thuận và chấp hành nghiêm chỉnh. Tôi làm vậy cũng là đóng góp một phần cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương" - ông Bảo nói. Xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam là điểm kết nối từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết xuống quốc lộ 1 để đến TP Phan Thiết và vùng lân cận. Vì vậy, ngoài phần đất mà tuyến cao tốc chính đi qua còn có đường dẫn. Người dân hai bên đường dẫn đã thu dọn phần bồi thường, bàn giao cho Nhà nước quản lý.

Con đường "xương sống" để kết nối các địa phương với Bình Thuận là quốc lộ 1 đang quá tải. Nhiều điểm đen về tai nạn giao thông cũng như ùn tắc thường xuyên xảy ra. Anh Trần Văn Toản, người dân ở Đồng Nai, thường xuyên đến công tác tại Bình Thuận ngao ngán mỗi lần di chuyển qua đây. Chỉ khoảng 150km, anh Toản phải di chuyển hơn 3 giờ. Đó là ngày thường, còn khi xảy ra các sự cố tai nạn hoặc sửa chữa đường thì lâu hơn nhiều lần.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - chủ tịch UBND Bình Thuận - cho biết các dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông qua địa bàn có ý nghĩa quan trọng. Ông Hai kỳ vọng các dự án này sẽ giải quyết điểm nghẽn, bức xúc về giao thông đối ngoại của tỉnh, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần phục hồi, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế địa phương. Chính vì vậy, địa phương nỗ lực phối hợp với trung ương để triển khai các dự án này.

Trong 3 tuyến cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị khởi công, Bình Thuận có 2 dự án đi qua. Ngoài tuyến cao tốc trên còn có dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài 100,3km, nằm trọn tại Bình Thuận. Dự án này bắt đầu từ huyện Tuy Phong (điểm cuối của dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đến huyện Hàm Thuận Nam (nối tiếp với dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết). Ông Nguyễn Hữu Trung, phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, cho biết địa phương đang gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho 2 dự án này để bàn giao đất "sạch" cho các ban quản lý thuộc Bộ GTVT trước ngày khởi công.

Tại một vị trí làm dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chúng tôi đã đến khu vực dự án của cao tốc này tại xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, Đồng Nai. Tại đây, nhiều công nhân đang gấp rút san ủi mặt bằng của dự án để chuẩn bị cho việc khởi công. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99km, qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km. Để thực hiện dự án, Đồng Nai đã thu hồi khoảng 412ha đất trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP Long Khánh. Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành.

Nói về dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Phạm Việt Phương - chủ tịch UBND TP Long Khánh - cho hay: "Dự án qua địa bàn TP khoảng 2,6km nhưng diện tích đất bị thu hồi chủ yếu liên quan đến công ty cao su, còn lại khoảng 30 hộ dân. Đến nay việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đã xong và đã bàn giao cho nhà đầu tư đúng tiến độ".

Mặt bằng đã có, chờ khởi công dự án đường cao tốc - Ảnh 2.

Nhà thầu san lấp mặt bằng phục vụ xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng

Thanh Hóa chạy đua để có đất sạch

Theo Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua tỉnh này gồm 3 dự án, đi qua địa phận TP Thanh Hóa và 8 huyện, với tổng chiều dài 104,25km, trong đó 98,55km đường cao tốc Bắc - Nam; 5,7km tuyến đường ngang nối quốc lộ 45 với đường Thọ Xuân - Nghi Sơn. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án được hơn 90km/98,55km tuyến chính cao tốc. Kinh phí đã giải ngân thực hiện giải phóng mặt bằng là hơn 2.100 tỉ đồng trong tổng số hơn 2.600 tỉ đồng.

Đến nay, tiểu dự án đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 49,02km đã cơ bản giải phóng mặt bằng xong, bàn giao cho nhà thầu để khởi công vào ngày 30-9. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng, thị xã Nghi Sơn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu để bàn giao cho nhà thầu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương ở Thanh Hóa có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng của dự án còn chậm so với tiến độ đề ra, như các huyện Triệu Sơn, Yên Định, TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn. Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phải hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa vào ngày 30-9. Đến thời hạn này, địa phương nào không hoàn thành giải phóng mặt bằng, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương cần thực hiện ngay những nội dung cam kết với người dân liên quan đến khu tái định cư, để hộ dân thuộc diện tái định cư sớm có đất làm nhà ở, ổn định cuộc sống. Đồng thời, chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ phần đất nông nghiệp đã thu hồi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để trong năm 2020 phải giải ngân xong nguồn vốn giải phóng mặt bằng của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam liên quan đến người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Vẫn thu phí đường cao tốc xây bằng vốn ngân sách nhà nước

Theo ông Lê Kim Thành - vụ trưởng Vụ đối tác công - tư (PPP) của Bộ GTVT, các đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP sẽ thu phí theo nghị quyết 52 của Quốc hội. Còn các dự án đường cao tốc đầu tư bằng 100% vốn ngân sách, Quốc hội và Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí hoàn vốn cho Nhà nước.

Bộ GTVT đang xây dựng đề án để trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để bổ sung vào danh mục thu phí sử dụng đường bộ với các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước. Bởi hiện nay danh mục phí và lệ phí chưa có danh mục thu phí đường đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định việc thu phí các dự án đường cao tốc có tính khả thi cao vì có sự lựa chọn đi cao tốc trả phí cao hơn sẽ có tốc độ nhanh hơn, an toàn hơn, không đi chung với xe máy, xe thô sơ. Việc thu phí các đường cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước được xây dựng đề án dựa theo Luật quản lý tài sản công với các hình thức nhượng quyền thu phí.

Theo ông Đông, hiện nay việc thu phí đường cao tốc ở các nước có những mô hình khác nhau. Nước Anh thu phí đường bộ qua xăng dầu để cân đối ngân sách; nước Mỹ một số bang bỏ dần thu phí đường cao tốc nhưng một số bang vẫn thu; nước Nhật vẫn thu phí đường cao tốc.

Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam đạt trên 80% Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam đạt trên 80%

TTO - So với cuối tháng 4-2020, đến nay các địa phương đã bàn giao thêm được khoảng 10% diện tích nên giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đạt trên 80%.

ĐỨC TRONG - HÀ MI - TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên