Người lao động Philippines tại khu lều tạm bợ gần lãnh sự quán Philippines ở thành phố Jeddah - Ảnh: AFP |
“Những ai muốn về nước sẽ được hỗ trợ thủ tục đi lại và sẽ không phải chi trả gì hết, vé máy bay cũng được phát miễn phí,” Đại biện Philippines Iric C Arribas phát biểu.
Theo Gulf Business, tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Lao động và phát triển xã hội Saudi Arabia Mufrej Al-Haqbani và Bộ trưởng Bộ Lao động Philippines Silvestre Bello Silvestre Bello lll, trong bối cảnh hơn 11.000 lao động nước này không được trả lương, bị bỏ đói và kẹt lại ở Saudi Arabia.
Một khu trại của lao động nước ngoài mắc kẹt tại Saudi Arabia - Ảnh: Reuters |
Đại biện Iric C Arribas cũng cho biết những người muốn ở lại cũng sẽ được hỗ trợ chuyển việc sang các công ty khác.
Bộ trưởng Bộ Lao động Philippines Silvestre Bello Silvestre Bello lll cho rằng với sự hỗ trợ của chính quyền Saudi Arabia, khoảng 1.000 lao động Philippines có thể được về nhà vào giữa tháng 9.
Hệ lụy từ giá dầu
Trước đó, trong thông cáo báo chí phát đi ngày 11-8, Tổng Lãnh sự quán Philippines tại Jeddah cũng tuyên bố phái đoàn do Tổng lãnh sự General Imelda Panolong dẫn đầu cũng đã có buổi làm việc với Bộ Lao động Saudi Arabia, sau khi vua Salman Bin Abdulaziz chi 100 triệu SAR (hơn 266 triệu USD) và ban hành một loạt các chỉ thị nhằm giải quyết các trường hợp lao động nước ngoài chưa được thanh toán tiền lương.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ lao động cho biết chính quyền Saudi sẽ gia hạn cho những giấy phép hết hạn cư trú, cũng như cung cấp thị thực xuất cảnh, vé máy bay cho công nhân muốn về nước, và hỗ trợ chuyển công ty cho những người muốn ở lại.
Ngoài ra, những công nhân bị nợ lương có thể ủy quyền cho lãnh sự quán để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi cho họ.
Lao động Philippines là một nhóm trong số hàng chục ngàn lao động nước ngoài bị ảnh hưởng tại các công ty xây dựng lớn của Saudi Arabia sau khi giá dầu sụt giảm.
Người lao động đến từ nhiều nước như Ấn Độ, Pakistan và Philippines phải chen chúc nhau sống trong các láng trại tạm bợ với điều vệ sinh và ăn uống không được đảm bảo.
"Họ không được trả lương, có người bị nợ lương đến 8 tháng", hãng tin AFP trích lời đại biện Philippines Iric Arribas.
Phần lớn lao động Phlippines làm việc cho hai công ty xây dựng lớn ở Saudi Arabia, là Saudi Oger và Saudi Binladin.
Theo Gulf Business, công ty Saudi Oger có người lao động đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Pháp, và số tiền công ty này nợ lương nhân viên lên đến 800 triệu USD.
Không chỉ riêng Philippines, chính phủ các nước có người lao động bị mắc kẹt ở Saudi Arabia như Ấn Độ và Pakistan cũng nỗ lực giải cứu công dân nước mình.
Các nước đã gửi các quan chức cấp cao đến Saudi Arabia làm việc với chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ người lao động của họ.
Giới chức Ấn Độ ước tính có hơn 6.200 lao động Ấn từng làm việc cho Saudi Oger bị mắc kẹt trong các khu trại sau khi bị sa thải và nợ tiền lương.
Lao động châu Á làm việc tại một công trình ở Riyadh - Ảnh: Reuters |
“Về là mất trắng”
Theo Reuters, một số lao động nói rằng họ sẽ không nhận khoản hỗ trợ vé máy bay về nước cho đến khi nhận được tiền lương của mình. Những người này lo sợ nếu về, họ sẽ không nhận được 1 đồng lương nào cả.
“Chúng tôi sẽ chờ ở đây, dù là một năm, hai năm. Chúng tôi sẽ chờ tiền của chúng tôi, sau đó sẽ về”, Sardar Naseer, 35 tuổi, người Pakistan nói.
Sardar Naseer đang trú tại Trại Lao động Qadisiya của Saudi Oger với khoảng 2.000 công nhân khác. Ông cho biết mình không được trả lương đã 8 tháng và số tiền công ty nợ là 5.900 USD.
Mohammed Niaz, 42 tuổi, cho biết hai cô con gái của mình ở Pakistan đã phải nghỉ học vì ông không có tiền để gửi về nhà. "Tôi đang lãng phí thời gian của mình. Tôi muốn về Pakistan", ông nói.
Tuy vậy, ông đã từ chối rời khỏi Saudi Arabia mà không có số tiền 13.000 riyal (gần 3.500 USD) Oger nợ ông. "Gia đình tôi không có tiền. Đứa con gái còn đi học. Làm thế nào tôi có về được?".
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động và phát triển xã hội Saudi Arabia Mufrej Al-Haqbani kêu gọi người lao động Philippines và những người lao động khác tiếp tục làm việc ở Saudi Arabia, nói rằng vấn đề mà các công ty như Saudi Oger gặp phải chỉ là “trường hợp cá biệt”.
“Vương quốc Saudi Arabia vẫn là một nơi tốt cho người nước ngoài đến làm việc”, ông nói.
"Đây là một phân khúc nhỏ của thị trường lao động. Chúng tôi có hơn 10 triệu người nước ngoài làm việc vui vẻ ở đây. Dù Saudi Oger không tuân thủ các quy tắc, điều này cũng sẽ không bao giờ phá hủy hình ảnh tốt đẹp của thị trường lao động chúng tôi".
Số người lao động ở Philippines ra nước ngoài làm việc đã đem về hàng tỉ USD cho đất nước, dù chủ yếu là các công việc lao động tay chân, giúp việc nhà... Tuy vậy chính quyền đã luôn sát cánh bảo vệ họ. Trong trường hợp người lao động bị nợ lương, đói khát ở Saudi Arabia, chính quyền Manila đã liên tục cử người sang tận nơi để giải quyết rốt ráo vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận