12/02/2022 09:30 GMT+7

Mạnh dạn bình thường mới sau Tết

X.MAI - C.NƯƠNG - P.TUẤN - T.LỰC - L.TRUNG - S.LÂM - M.TRƯỜNG - B.ĐẤU
X.MAI - C.NƯƠNG - P.TUẤN - T.LỰC - L.TRUNG - S.LÂM - M.TRƯỜNG - B.ĐẤU

TTO - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca nhiễm COVID-19 tại một số địa phương đã tăng nhẹ. Tuy nhiên tại nhiều địa phương, việc bình thường mới vẫn tiếp tục, sắp tới vẫn có thể mạnh dạn mở cửa nhiều hoạt động kinh tế, xã hội theo chủ trương linh hoạt,

Mạnh dạn bình thường mới sau Tết - Ảnh 1.

Các bạn trẻ chụp ảnh check-in tại một rạp chiếu phim ở Hà Nội sau hơn 9 tháng tạm ngưng hoạt động - Ảnh: NAM TRẦN

Trong đó, rất nhiều địa phương đang tìm mọi cách để phục hồi du lịch và đưa trẻ đến trường càng sớm càng tốt.

TP.HCM: đầy đủ kịch bản ứng phó

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho hay theo nhận định của ngành y tế, trong vài ngày tới số ca mắc mới tại TP.HCM sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên qua theo dõi, các ca bệnh nặng, thở máy và tử vong đều sẽ giảm do việc điều trị ngày càng được nâng cao.

Ngành y tế TP.HCM vẫn duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến đa tầng 13, 14 và 16, trong đó bệnh viện dã chiến số 14 và 16 có quy mô 600 giường bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy vẫn duy trì 200 giường bệnh hồi sức/bệnh viện. "Nếu ca bệnh tăng cao, cần thiết mở lại bệnh viện dã chiến thì những cơ sở có cơ cấu sẵn sẽ được kích hoạt hoạt động trở lại trong vòng 24 giờ. Đây là việc ngành y tế đã làm nhuần nhuyễn trong thời gian qua", bà Mai chia sẻ.

Song song đó, ngành y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo các kịch bản trong thế trận phòng chống biến thể Omicron, giám sát các khu vực có gia tăng ca mắc mới, truy vết, cách ly hạn chế nguồn lây, giám sát ngẫu nhiên biến thể Omicron.

Ghi nhận từ cấp quận huyện, ông Phạm Văn Tuấn - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh - cho hay huyện vẫn duy trì 15 trạm y tế lưu động từ trước Tết và đủ nguồn oxy, huyện sẽ mở rộng thêm trạm y tế lưu động mới trong thời gian tới để đáp ứng năng lực điều trị theo hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch mới của Bộ Y tế cũng như dự phòng số ca nhiễm tăng sau Tết. Với lượng người lớn quay trở lại huyện làm việc, học tập sau Tết, theo ông Tuấn đã "góp phần" tăng ca nhiễm trên địa bàn, tuy nhiên "nên duy trì mở cửa hoạt động nhưng không vì thế mà chủ quan".

Là địa phương có dân số đông và đa dạng thành phần, ngành nghề, chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho hay quận đã xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch theo những cách làm đã có từ trước Tết, duy trì một bệnh viện dã chiến để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời sẵn sàng mở lại khu cách ly cho bệnh nhân không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Mạnh dạn bình thường mới sau Tết - Ảnh 2.

Người dân và du khách xem chương trình nghệ thuật tại công viên APEC, Đà Nẵng dịp Tết Nhâm Dần - Ảnh: TẤN LỰC

Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam kỳ vọng vào du lịch

Tại Hà Nội, dù trung bình mỗi ngày vẫn có hơn 2.700 ca mắc mới nhưng trong bối cảnh độ phủ vắc xin COVID-19 cao, số ca phải nhập viện điều trị thấp, sau Tết Nguyên đán, Hà Nội đã quyết định mở cửa lại trường học, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, lễ hội... Trong ngày 10-2, UBND TP Hà Nội cũng ban hành kế hoạch về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022 - 2023.

Với việc vừa có quyết định sẽ tổ chức Hội chùa Hương, ông Nguyễn Bá Hiển - trưởng ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - cho biết đặc biệt quan tâm tới vấn đề an toàn y tế khi du khách tới tham quan chùa Hương và "thời điểm này được mở cửa lại chùa Hương, phải nói rằng chính quyền địa phương, nhân dân xã Hương Sơn và huyện Mỹ Đức rất phấn khởi".

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Anh - giám đốc Công ty du lịch Omega Tours - cho hay nhiều doanh nghiệp tâm tư khi năm nay là lần đầu tiên Đà Nẵng nằm trong nhóm cuối so với các điểm đến khác vào dịp Tết như Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa... Ngay trong kỳ nghỉ Tết, những khu vực vốn sôi động nhờ du lịch như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, các bãi tắm ven biển vắng lặng; khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm cửa đóng then cài.

Các công ty du lịch tại Đà Nẵng nhận định thời gian sắp tới, đặc biệt là dịp lễ 30-4, 1-5 và mùa cao điểm du lịch hè năm nay là cơ hội cuối cùng cho những nỗ lực chòi đạp để tồn tại sau hơn 2 năm bế tắc vì dịch. Ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay các doanh nghiệp hội viên và ngành hàng không đã bàn bạc xây dựng kế hoạch xúc tiến, kích cầu du lịch Đà Nẵng. Dự kiến gói kích cầu sẽ tung ra khoảng cuối tháng 2-2022. Kế hoạch của doanh nghiệp là sẽ đẩy mạnh thu hút khách nội địa từ tháng 3 và thu hút khách quốc tế từ tháng 4-2022. Để thu hút khách trở lại, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý với đề xuất của Sở Du lịch cho phép mở lại hoạt động một số dịch vụ phục vụ du khách như spa, massage, karaoke.

Tại Quảng Nam, ngoài việc từ tháng 11-2021 đã thí điểm đón khách quốc tế và trong đợt Tết vừa qua đã đón 60.000 khách nội địa, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2021. Ngoài ra Quảng Nam đang tập trung cho sự kiện khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022 vào 25-3 và hàng chục sự kiện trong suốt năm 2022.

Mạnh dạn bình thường mới sau Tết - Ảnh 3.

Một nhóm bạn trẻ quét mã QR khai báo y tế trước khi vào rạp chiếu phim tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Miền Tây tập trung cho học sinh tiểu học đến trường

Tại các tỉnh Tây Nam Bộ, chộn rộn nhất trong những ngày này là công tác chuẩn bị để đón học sinh tiểu học, mầm non đến trường trong thời gian tới. Như tại Long An, trong ngày 11-2 chỉ ghi nhận 31 ca nhiễm mới. Toàn tỉnh cũng chỉ còn 39 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. 216 trường mầm non, mẫu giáo và 222 trường tiểu học ở Long An đã thông tin đến phụ huynh và chuẩn bị mọi thứ để đón gần 14.000 học sinh tiểu học và hơn 43.500 trẻ mầm non quay trở lại trường.

Tương tự, tại Đồng Tháp, ông Huỳnh Thanh Hùng - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh - cho biết từ ngày 7-2, Đồng Tháp đã cho học trực tiếp đối với học sinh từ lớp 5 đến lớp 12, đạt tỉ lệ 91,49%, cao hơn nhiều so với kết quả khảo sát trước đó. "Ngày 14-2, Đồng Tháp cũng cho học sinh mầm non, mẫu giáo và lớp 1 đến lớp 4 trở lại học trực tiếp nữa là xem như tất cả đã trở lại trạng thái bình thường" - ông Hùng nói.

Tại An Giang, việc mở cửa các hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao cũng đã được thực hiện. Ông Nguyễn Khánh Hiệp - giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh - cho biết trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua các khu, điểm du lịch đã đón 740.000 lượt người, tăng 85% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Tuy nhiên, ông Lê Văn Phước - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết vẫn đang tính toán việc cấp tiểu học và mầm non quay trở lại trường chứ chưa có ngày cụ thể. Còn lễ hội vía Bà Chúa xứ thì phải chờ ý kiến của Chính phủ.

Còn tại Tiền Giang, ông Lê Quang Trí - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh - cho hay khác với tâm lý dè dặt trước đây, ngay trong ngày đầu cho học sinh khối 7 trở lên trở lại trường sau Tết đã có 98,4% học sinh đến trường. "Hiện sở đã có tờ trình để các em học sinh bậc tiểu học và mầm non trở lại trường trong tháng 2. Tuy nhiên, việc cho các em đi học lại vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh", ông Trí cho hay.

Tại tỉnh Bến Tre, các cơ sở giáo dục bậc tiểu học và mầm non sẽ mở cửa đón học sinh trở lại trường học trực tiếp từ ngày14-2. Trong đó, trẻ mầm non, mẫu giáo trên tinh thần tự nguyện gửi trẻ của phụ huynh. 

Ông Lê Hữu Nghĩa (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Cơ hội giúp thị trường "ấm" lên

Từ cuối năm ngoái đến nay, chúng ta nhìn thấy tín hiệu rất tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nhất là dịp Tết này. Ngay trong Tết, du lịch phát triển trở lại, các khu du lịch hầu như kín phòng, dịch vụ ăn uống đắt khách khiến cho tổng doanh thu ngành du lịch TP.HCM đạt khoảng 3.100 tỉ đồng (thống kê của Sở Du lịch TP.HCM) chỉ riêng mấy ngày Tết, đó là một điều rất đáng mừng.

Bây giờ tinh thần của các doanh nghiệp, người dân cũng tự tin hơn khi đã thích nghi với bình thường mới. Chúng ta vừa mở cửa nhưng cũng đảm bảo an toàn về mặt y tế. Đây là năm mà chúng ta đặt niềm tin, hy vọng lớn về sự phục hồi. Bản thân các doanh nghiệp cũng thấy các đơn hàng xuất khẩu khá ổn ngay trong đầu năm. Chính vì vậy, đây là cơ hội chúng ta mở rộng rãi hơn để giúp cho thị trường "ấm" lên, nhu cầu người dân tăng, tiêu thụ nội địa tăng lên giúp cho các nhà máy, các công ty hoạt động trở lại.

N.HIỂN ghi

Vẫn không được quên việc phòng dịch

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng (Đại học Y dược TP.HCM) - cho biết với nhiều biện pháp trước đó, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM sau Tết vẫn giữ mức ổn định và lạc quan. "Trước mắt, hoạt động hóa nền kinh tế trên nền tuân thủ quy tắc 5K. Nếu chỉ có tiêm chủng mà không có 5K thì vẫn không vượt qua được ngưỡng bảo vệ" - ông Dũng lưu ý.

Trước tín hiệu đáng mừng khi ca tử vong tại TP.HCM có ngày đã trở về 0, PGS.TS Lê Thị Anh Thư - chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam - vẫn nhắc nhở: "Con số này vẫn có thể tăng lên vì chưa có công bố nào nói hết dịch hoàn toàn". Bà Thư nói sau dịp Tết mọi hoạt động sẽ được tái khởi động nên vẫn cần tuân thủ nghiêm 5K vì không phải để phòng ngừa COVID-19 mà còn các loại bệnh khác.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 11-2, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng việc các tỉnh thành trên cả nước đang quyết tâm mở cửa thời điểm này là "rất phù hợp", là xu thế chung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo ông Trí, để việc mở cửa đảm bảo an toàn, người dân nên tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K, không được chủ quan, đặc biệt phải bình tĩnh, không quá hốt hoảng khi phát hiện ca COVID-19 mới.

Về việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh trở lại trường học, ông Trí cho rằng các gia đình có con em tới trường cần phải gương mẫu trong phòng chống dịch. Ngoài ra, cần củng cố  ngay hệ thống y tế học đường, nhân viên y tế hằng ngày phải kiểm tra, theo dõi sức khỏe của các học sinh.

Then chốt từ ý thức người dân

Những ngày qua, sau kỳ nghỉ Tết, Nghệ An nằm trong nhóm những tỉnh thành có số ca nhiễm mới và số ca nhiễm trong cộng đồng cao. Ông Dương Đình Chỉnh - giám đốc Sở Y tế Nghệ An - cho biết việc chính quyền địa phương có tự tin mở cửa các hoạt động hay trường học đón trẻ đến trường ngoài chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 cho người dân còn phụ thuộc từ ý thức người dân trong thực hiện các biện pháp 5K theo khuyến cáo của ngành y tế. "Rất nhiều người nghĩ đã tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19 và cho rằng số ca mắc tăng đột biến trên địa bàn tỉnh hầu hết ở thể nhẹ, không triệu chứng, nhanh khỏi... nên có tâm lý chủ quan", ông Chỉnh nói.

Tại Hà Tĩnh, trong và sau những ngày nghỉ Tết, số ca mắc COVID-19 tăng cao, rất nhiều ca cộng đồng chưa rõ nguồn lây nhưng chỉ cấm mở cửa dịch vụ karaoke, còn dịch vụ khác và các hoạt động sản xuất ở các nhà máy diễn ra bình thường, linh hoạt.

"Hiện nay điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác chấp hành các khuyến cáo phòng chống dịch của mỗi người dân" - ông Nguyễn Tuấn, quyền giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, nói.

D.HÒA - L.MINH

X.MAI - C.NƯƠNG - P.TUẤN

Ca mắc tăng, nhưng dấu hiệu lạc quan

Bốn ngày 8, 9, 10 và 11-2, toàn quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh nhất sau Tết Nguyên đán, ngày hôm sau lại tăng mạnh hơn ngày hôm trước, hàng loạt tỉnh thành có trên 1.000 ca mắc mới/ngày.


Mạnh dạn bình thường mới sau Tết - Ảnh 6.

TP.HCM vẫn duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến đa tầng với đầy đủ kịch bản ứng phó dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh: các bác sĩ trung tâm hồi sức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số mắc chung cả nước tăng cao nhưng số ca tử vong đang giảm dần mỗi ngày, trong đó ngày 10-2 là thấp nhất trong những ngày gần đây (74 ca tử vong), các ngày trước đó như 7-2 (100 ca), 8-2 là 97 ca, 9-2 là 93 ca cho thấy số tử vong giảm dần đều.

Khi thực hiện chiến lược mới (thích ứng an toàn với dịch COVID-19) từ tháng 10-2021, nguyên tắc mới để áp dụng là nghị quyết 128 của Chính phủ, hướng dẫn 4800 và mới đây là hướng dẫn 218 của Bộ Y tế, mục tiêu đặt ra là quản lý tốt ca mắc mới, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong. Những dấu hiệu về số mắc mới, số tử vong, số chuyển nặng gần đây cho thấy mục tiêu này đã đạt được.

Tính từ cuối tháng 12-2021 đến nay, TP.HCM đã phát hiện 125 ca mắc biến thể Omicron, trong đó 115 ca nhập cảnh, 10 ca cộng đồng. Tất cả đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có ca nặng và tử vong.

Trả lời Tuổi Trẻ trước Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc "nới lỏng" thời gian qua là dựa trên các cơ sở khoa học như độ phủ vắc xin đã đạt mức cao. "Đây là chìa khóa then chốt để đưa cuộc sống trở lại bình thường, bên cạnh các biện pháp y tế công cộng khác" - ông Long cho biết. Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị "đã đủ thuốc men, máu", đảm bảo khi người dân có nhu cầu đều được tiếp nhận và điều trị, số tử vong ngày càng giảm.

Tính đến 12h ngày 9-2, số tỉnh thành đạt yêu cầu "vùng xanh" - cấp độ 1, nguy cơ thấp với dịch COVID-19 đã tăng lên 48 tỉnh thành (tăng 7 tỉnh thành so với 4 ngày trước đó), 15 tỉnh thành còn lại là "vùng vàng" - cấp độ 2, nguy cơ trung bình. Hiện cả nước không còn tỉnh thành nào là "vùng cam" và "vùng đỏ".

Theo một lãnh đạo của Bộ Y tế, nguyên tắc hiện nay là quản lý ca mắc tại vùng đỏ, không làm lây lan và gia tăng mạnh số mắc mới tại vùng xanh. Với số xã phường còn ở mức vùng đỏ như kể trên, không có lý gì mà các hoạt động kinh tế, đời sống, văn hóa, thể thao... của người dân lại bị kiềm chế. Mở cửa nhanh hơn sẽ tốt hơn cho đời sống và những thực tế từ các tỉnh phía Nam cũng đã khẳng định điều đó.

L.ANH

Tiêm hàng trăm triệu mũi vắc xin để trở lại bình thường mà sao Tết về quê vẫn bắt cách ly? Tiêm hàng trăm triệu mũi vắc xin để trở lại bình thường mà sao Tết về quê vẫn bắt cách ly?

TTO - Năm rồi vì dịch trước Tết, nhà mình không về. Nhớ quê, nhớ mẹ. Vậy mà năm nay chưa về quê đã nghe thông tin về sẽ bị cách ly 7 ngày. Cuối năm tất tả về quê, nhưng cách ly 7 ngày thì cũng là hết Tết.

X.MAI - C.NƯƠNG - P.TUẤN - T.LỰC - L.TRUNG - S.LÂM - M.TRƯỜNG - B.ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên