Cận kề ngày lên đường đi thi nhưng Đinh Thị Quý vẫn tranh thủ vừa cuốc rẫy vừa ôn thi - Ảnh: T.B.DUũng |
Những học trò vùng núi đi thi ngoài việc tìm con đường học hành cho chính cuộc đời mình còn mang một trọng trách lớn: niềm hi vọng của buôn làng.
Gần 11g trưa đầu tháng 7, chúng tôi theo chân thầy Trương Văn Phong - giáo viên chủ nhiệm lớp học Ba Na của Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) - để thăm học trò chuẩn bị lên đường thi đại học. Ở thành phố giờ ấy có lẽ nhiều sĩ tử đang được cả gia đình chăm chút “tận răng” để tập trung thi cử, nhưng học trò thầy Phong vẫn miệt mài trên nương rẫy.
Ngày đi cuốc rẫy, tối về ôn thi
Thầy Trương Văn Phong: Công trình lớn Ở các trường chủ yếu học sinh người Kinh thì việc các em đỗ đạt là điều đáng mừng nhưng không phải quá đặc biệt. Ở vùng khó này thì hoàn toàn khác. Điều kiện đến trường của học sinh có quá nhiều cản trở khiến việc một em đậu được đại học hay cao đẳng là cả một “công trình” lớn của cả bản thân học sinh lẫn gia đình, thầy cô giáo và bà con buôn làng. |
Trong tổng số 37 học sinh Ba Na Trường THPT Anh Hùng Núp thì cô học trò Ba Na Đinh Thị Quý (ở làng Bờ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng) là người có kết quả học tập tốt nhất. Ba năm học sinh tiên tiến, kết quả thi tốt nghiệp cao, Quý là niềm tự hào của thầy giáo chủ nhiệm. Tuy nhiên, cũng như tất cả bạn bè cùng ở buôn làng, nhà Quý rất nghèo. Ngôi nhà Quý trống trơn, giữa trưa phả hơi nóng hầm hập. Ông Đinh Khén - bố Quý - ái ngại liền mời thầy giáo ra gốc nhãn ngoài vườn để tránh nắng rồi trò chuyện.
Ông Khén nói do ruộng nương ít nên để có tiền trong quãng thời gian đi học, ngoài giờ lên lớp Quý cùng bố mẹ đi nhổ mì thuê, cuốc cỏ mía kiếm tiền trang trải. “Ở đây con gái con trai dù còn đi học nhưng cũng là lao động chính cả rồi, phải đi làm cho cha mẹ chứ không được ôn thi như học sinh người miền xuôi đâu” - ông Khén thật thà. Ông kể mấy ngày trước có nghe con gái nói rằng sẽ đi thi đại học, mùa vụ đã thu hoạch xong từ lâu nên không có gì bán để có tiền mặt, vợ chồng ông và Quý phải tranh thủ đi cuốc cỏ mía mỗi ngày kiếm 130.000 đồng chuẩn bị đưa con đi thi. Quý cho biết kỳ thi năm nay em đăng ký vào ngành giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Quy Nhơn. Điều kiện học hành hạn hẹp nên để có tài liệu ôn thi, Quý phải mượn thầy cô, bạn bè về tranh thủ ôn bài.
Ở những ngôi làng khác, bạn bè của Quý những ngày này cũng phải cố gắng gấp hai ba lần để vừa tranh thủ đi làm thuê kiếm tiền, vừa ôn lại bài vở chuẩn bị tinh thần lên đường chinh phục giấc mơ học hành. Đinh Thị Niu - cô học trò Ba Na ở làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng - cho biết mỗi ngày làm công em được trả 130.000 - 150.000 đồng, số tiền này được em tích lũy từ ngày thi tốt nghiệp xong đến nay làm lộ phí mấy ngày đi thi đại học.
“Thấy trên tivi và ở các nơi cán bộ kiểm sát có gì đó rất đĩnh đạc, đó là giấc mơ của em từ ngày bước vào lớp 10 cho đến nay nên em dự thi vào Học viện Kiểm sát” - Niu chia sẻ. Còn cô học trò Đinh Thị Quenh - làng Đầm, xã Tơ Tung - khoe với thầy giáo vừa nhận được 2,8 triệu đồng tiền hỗ trợ chi phí học tập. Số tiền ấy Quenh dành một ít ra thị trấn mua sắm quần áo, giày dép, số còn lại làm lộ phí cho hai bố con trong những ngày về Phú Yên dự thi vào ngành giáo viên mầm non.
Quyết tâm cao
Trường THPT Anh Hùng Núp là ngôi trường khá nổi tiếng ở huyện nghèo Kbang (Gia Lai). Đây là ngôi trường nằm ở vùng xa, lượng học sinh Ba Na chiếm hơn 1/2 nhưng tỉ lệ vào đại học, cao đẳng luôn cao chót vót ở Gia Lai.
Thầy Trương Văn Phong cho biết lớp học Ba Na do thầy chủ nhiệm năm nay có 37 em, là lứa học trò có kết quả học tập tốt và được nhà trường kỳ vọng. Các em cũng chính là những niềm hi vọng của bà con buôn làng. 37 học sinh này luôn được sự quan tâm đặc biệt của các thầy cô giáo. Đặc biệt thầy giáo chủ nhiệm Trương Văn Phong nắm hết tất cả số điện thoại của các em, hoàn cảnh từng em rồi mỗi ngày đều tranh thủ nhắn tin, gọi điện động viên các em ôn thi. Ngày cận kề đi thi, thầy tới nhà các em để chia tay học trò.
Những học trò Ba Na mà chúng tôi gặp đều chia sẻ rằng dù điều kiện còn nhiều khó khăn, thua thiệt so với bạn bè những nơi khác nhưng quyết tâm mà các em đặt ra cho bản thân rất cao. “Năm nào trường em cũng tổ chức tuyên dương học sinh dân tộc đậu đại học, cao đẳng cả. Đây là động lực rất lớn để em cố gắng. Chỉ có học hành chúng em mới hi vọng thoát khỏi cảnh nghèo khổ ở buôn làng như bây giờ” - Đinh Thị Quenh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận