Tuyến tàu điện mới nhất của Kuala Lumpur SBK chặng từ ga trung tâm KL Sentral đến Pasar Seni vào giờ cao điểm nhưng khá vắng khách - Ảnh: L.NAM
Trong bối cảnh tình trạng kẹt xe ở Kuala Lumpur ngày càng căng thẳng, chính phủ của Thủ tướng Najib Razak lại muốn tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ thống tàu điện như một trong những lá bài cho kỳ vận động tranh cử sắp tới.
Không đi tàu điện vì bất tiện
Ngay bên dưới tòa nhà văn phòng làm việc của Kar Jin Ong - nam cư dân 25 tuổi, ở TP Kuala Lumpur - là ga Bangsar của tuyến LRT (một hình thức tàu điện nhanh) màu đỏ. Chỉ mất chưa đầy năm phút đi bộ từ tầng 26 tòa nhà là có thể đến nhà ga này để di chuyển về nhà nhưng Kar Jin Ong và khá nhiều đồng nghiệp lại chọn phương án lái xe đi làm mỗi ngày.
Hết giờ làm việc, Kar Jin Ong dẫn chúng tôi đi thử tàu điện để thấy phương tiện công cộng này ở Kuala Lumpur không được nhiều người ưa thích.
Vừa đi anh mở bản đồ trên điện thoại cho thấy nếu lái xe về nhà ngay lúc này chỉ mất 27 phút, còn đi phương tiện công cộng mất 67 phút. "Nếu là anh thì chọn phương án nào?" - Kar Jin Ong cười và hỏi.
Chúng tôi đi từ ga Bangsar đến ga trung tâm của TP Kuala Lumpur (ga KL Sentral) rồi lại đổi sang dùng tàu điện nhanh Sungai Buloh-Kajang (SBK), thế hệ tàu mới được đầu tư hơn 5,8 tỉ USD và đưa vào sử dụng tháng 12-2016, để đến ga Pasar Seni.
Giờ cao điểm trong tuần đi làm mà các toa xe ghế ngồi chặng SBK vẫn còn trống nhiều chỗ, cả toa này nhìn xuyên suốt được các toa trên.
Kar Jin Ong giải thích mọi người chọn sự tiện lợi cho riêng mình nên không chọn tàu điện. Như anh chẳng hạn, để từ nhà đến văn phòng nếu dùng phương tiện công cộng anh phải gọi taxi đến trạm xe buýt gần nhất, sau đó đi thêm hai trạm xe buýt rồi mới tới ga tàu điện đến Bangsar. Chi phí để di chuyển như thế gần bằng tiền đỗ xe cả ngày.
Nữ phiên dịch tòa án Mary Yackfar Mehmood cũng ở Kuala Lumpur nhiều năm nay cho biết nhà hai vợ chồng mỗi người một xe nên gần như chẳng bao giờ dùng phương tiện công cộng vì bất tiện. Chị giải thích chỗ muốn đến thường không gần ga tàu điện, xe buýt thì không thể vì nhà có con nhỏ nên mọi di chuyển cứ chất lên ôtô rồi đi.
Nhà nhà đi xe hơi
Chính phủ Malaysia cho biết tỉ lệ người dân sở hữu xe hơi ở nước này là 415 xe/1.000 dân, trong khi Thái Lan, trung tâm sản xuất ôtô lớn nhất Đông Nam Á, chỉ là 166 xe/1.000 dân. Năm 2014, Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng đánh giá việc kẹt xe ở khu vực xung quanh Kuala Lumpur đã làm giảm từ 1,1-1,2% GDP của Malaysia.
Một nghịch lý là hệ thống tàu điện mới nhất SBK được đầu tư gần 6 tỉ USD, có thể vận chuyển 400.000-500.000 khách/ngày, lại hoạt động không như kỳ vọng.
Thống kê hồi tháng 1-2018 cho thấy mỗi ngày hệ thống này chỉ chuyên chở hơn 130.000 lượt hành khách. Chủ đầu tư hệ thống đã phải cắt bớt toa nhằm giảm chi phí hồi tháng 9 năm ngoái.
Số người sử dụng tàu điện rất thấp trong nhiều năm qua nhưng chính phủ của Thủ tướng Najib Razak vẫn muốn đầu tư, mở rộng thêm hệ thống tàu điện ở trung tâm Kuala Lumpur và kết nối với nhiều nơi khác.
Không có khách đồng nghĩa với việc Tập đoàn nhà nước MRT, chủ đầu tư hệ thống SBK, sẽ gặp khó khăn với kế hoạch đầy tham vọng và tốn nhiều tiền bạc này.
Nhiều dự án tàu điện
Một trong những dự án tàu điện ưu tiên của Malaysia là dự án thế kỷ nối Kuala Lumpur với Singapore có thể số vốn lên đến khoảng 14 tỉ USD. Nước này còn chuẩn bị triển khai dự án giá 2,3 tỉ USD nối Kuala Lumpur và hệ thống tàu điện Klang LRT.
Ngoài ra, Kuala Lumpur còn lên kế hoạch để chuẩn bị bỏ thầu đầu tư hệ thống tàu điện vành đai thủ đô. Đó là chưa kể đến việc xây dựng hệ thống tàu điện công cộng ở George Town và Johor Bahru, những thành phố hiện có tỉ lệ phương tiện công cộng thấp nhất Malaysia...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận