16/01/2022 09:42 GMT+7

Mai Văn Phấn, Susan Blanshard và ánh sáng trong thơ

KIỀU BÍCH HẬU
KIỀU BÍCH HẬU

TTO - Nhà thơ Susan Blanshard (Anh), đại diện Nhà xuất bản Page Addie Press (Anh) tại châu Á, đã từng nhận xét: "Dịch thơ Mai Văn Phấn nhất định cần dịch chuyển được ánh sáng trong thơ, đó là một phần giá trị nhất và cũng là đặc điểm thơ của ông".

Mai Văn Phấn, Susan Blanshard và ánh sáng trong thơ - Ảnh 1.

Bìa tập thơ Mai Văn Phấn xuất bản tại Nga (trái) và trường ca Thời tái chế bản tiếng Hindi phát hành tại Ấn Độ

Có thể gọi là may mắn khi nhà thơ Mai Văn Phấn gặp được nhà thơ - nhà biên tập và đại diện xuất bản từ nước Anh - bà Susan Blanshard. Hai người bạn đã cùng tìm thấy ở nhau tình yêu văn chương, sự đồng điệu tâm hồn qua thơ.

Trong Những hạt giống của đêm và ngày, Mai Văn Phấn đã đào sâu vào sự thật. Ngôn từ của ông biểu lộ giá trị văn hóa, tinh thần, những truyền thống và tập tục của dân tộc Việt. Ở đây, nhà thơ cất tiếng nói về niềm vui và nỗi buồn mà dân tộc ông trải qua.

Bà SUSAN BLANSHARD

"Những bài thơ của Phấn không cho tôi ngủ"

Trong 27 cuốn thơ của Mai Văn Phấn được "xuất ngoại", có tới 6 cuốn thơ được dịch sang tiếng Anh và xuất bản thành công. Điều đáng chú ý là cả 6 cuốn thơ phiên bản tiếng Anh của Mai Văn Phấn đều do Susan Blanshard biên tập và đại diện xuất bản.

Chúng ta đều hiểu rằng muốn tác phẩm của một tác giả nào đó được thế giới biết đến, được thử nghiệm sòng phẳng trên thị trường văn học quốc tế thì tác phẩm đó cần phải chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Nhưng với trải nghiệm dịch thơ của Mai Văn Phấn, hầu hết các dịch giả trong nước chưa thật sự có được bản dịch tròn trịa cả ý tưởng, văn phong.

Đã có một số dịch giả dịch thơ Mai Văn Phấn nhưng không thành công hoặc không chuyển tải đầy đủ tinh thần thơ của ông, và có lẽ chỉ Lê Đình Nhất Lang là dịch chuyển được thành công thứ ánh sáng kỳ diệu trong thơ Mai Văn Phấn mà Susan Blanshard đề cập ở ngôn ngữ đích.

Bà Susan Blanshard cho rằng với một bản dịch, người hiệu đính dù có cố gắng hết cỡ cũng chỉ có thể làm nhuận sắc cho ngôn ngữ, câu chữ nhưng thứ ánh sáng thơ ấy, thứ thần thái của thơ thì chỉ có thể trông chờ vào tài năng và sự đồng điệu, thăng hoa của chính dịch giả với tác giả.

Quan trọng nhất đối với người dịch văn học là phải dịch chuyển được ánh sáng của văn bản. Bà từng đọc những bản dịch thơ Mai Văn Phấn của một số dịch giả nhưng chưa thực sự hài lòng, cho đến khi được đọc bản dịch của Lê Đình Nhất Lang thì đã thốt kêu: "Chân tay tôi run lên khi đọc!" và trong đêm ấy, bà đã thức trắng để biên tập tập thơ Những hạt giống của đêm và ngày, vì "Những bài thơ của Phấn không cho tôi ngủ".

Cùng với tập thơ Những hạt giống của đêm và ngày, tập thơ Ra vườn xem cắt cỏ bản Anh ngữ của tác giả Mai Văn Phấn đã vào top 10 những cuốn thơ châu Á bán chạy trên Amazon.

Bà Susan Blanshard cảm động đến nỗi đã thúc giục tác giả tiếp tục đưa đi chuyển ngữ tiếng Anh các tập thơ khác, trong số hơn 3.000 bài thơ của ông, và bà sẵn sàng làm đại diện, bán bản quyền thơ Mai Văn Phấn cho các nhà xuất bản Anh quốc.

Cứ như vậy, trong 10 năm qua họ đã hợp tác ăn ý và đồng cảm để 6 tập thơ Mai Văn Phấn được xuất bản bằng tiếng Anh bán trên toàn cầu, thu về cho tác giả số tiền bản quyền kha khá. Nhưng vui hơn cả, đó là thế giới đã biết đến tên tuổi của một nhà thơ Việt Nam và hiểu hơn tâm hồn, tâm thế Việt thời nay.

Kết nối đẹp của tình yêu văn chương

Vậy họ đã gặp nhau lần đầu thế nào để cùng nhau tạo nên sự kết nối văn chương tuyệt đẹp ấy? Nhà thơ Mai Văn Phấn kể sau khi ông xuất bản cuốn thơ song ngữ Bầu trời không mái che (NXB Hội Nhà Văn, 2010), thì lúc đó bà Susan Blanshard cũng đang ở Việt Nam.

Trong lúc lang thang phố Hà Nội, bà tình cờ mua được cuốn sách, lập tức đọc và đã bị cuốn hút. Bà tìm cách liên hệ với tác giả, đề nghị Mai Văn Phấn gửi email toàn bộ nội dung cuốn sách với lời hứa bà sẽ chịu trách nhiệm phần kinh doanh cuốn sách ở Anh.

Bà hào hứng chia sẻ rằng bà tin cuốn sách sẽ vào top 100 sách bán chạy tại Anh và đúng là vậy. Bà cũng từng tranh luận quyết liệt với dịch giả cuốn sách để có được bản hiệu đính ưng ý nhất.

Sau thành công trong phát hành những cuốn sách của Mai Văn Phấn tại Anh quốc, bà Susan Blanshard và tác giả đã trở nên vô cùng thân thiết với nhau, thường xuyên chia sẻ vui buồn, cảm xúc trong cuộc sống.

Bà đã nhiều lần trở lại Việt Nam thăm nhà thơ, thưởng thức hương vị Việt Nam thực tế qua lối sống, phong cảnh, ẩm thực của đất nước nhiệt đới giàu hương sắc. Để khi trở về nước Anh, có những đêm không ngủ, bà thao thức nhớ Việt Nam. Susan Blanshard chia sẻ rằng máu bà và ông Bruce, chồng bà, đã chảy cùng dòng sông Hồng ở Hà Nội lâu rồi.

Thực vậy, văn chương có nghĩa gì hơn sự đánh thức xúc cảm đồng điệu trong tâm hồn, trái tim con người từ những vùng đất khác nhau và rất xa xôi, để kết nối nhau trong yêu thương và chia sẻ.

mai van phan 3

Tính đến nay, Mai Văn Phấn là một nhà thơ Việt Nam đương đại có tác phẩm được quốc tế hóa nhiều bậc nhất. Thơ ông đã được dịch ra 40 ngôn ngữ, 27 cuốn thơ xuất bản ở nước ngoài.

Ngay trong năm 2021, Mai Văn Phấn cũng đã có 4 tập thơ "xuất ngoại", mà cuốn mới nhất ra tháng 12-2021 được xuất bản tại Thụy Điển: Những linh hồn thẫm đỏ (Ấn Độ), Ngày sinh của mặt trăng (Uzbekistan), Bay đi lúc bình minh (Nga), Thời tái chế (Thụy Điển).

Nhà thơ Mai Văn Phấn nhận giải thưởng Cikada Thụy Điển 2017 Nhà thơ Mai Văn Phấn nhận giải thưởng Cikada Thụy Điển 2017

TTO - Tối 1-12, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức trao giải thưởng Cikada 2017 cho nhà thơ Mai Văn Phấn.

KIỀU BÍCH HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên