Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev (trái) và Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras gặp nhau trong buổi ký hiệp định hòa bình, đổi tên nước của Cộng hòa Macedonia tại hồ Prespa ngày 17-6 - Ảnh: AFP
Hai nhà lãnh đạo được giới quan sát cho là xứng đáng nhận giải Nobel hòa bình năm nay rốt cuộc đã không gặp nhau ở Singapore.
Họ chọn gặp nhau bên hồ Prespa xinh xắn, nước trong vắt nằm ngay khu vực biên giới giữa ba nước Hi Lạp, Macedonia và Albania, để cùng ký một thỏa thuận nêu rõ việc Cộng hòa Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, tránh trùng tên gọi với một tỉnh ở phía bắc của Hi Lạp.
Thỏa thuận lịch sử
"Đây là cuộc hẹn với lịch sử của riêng chúng tôi... Chúng tôi có mặt ở đây để hàn gắn những vết thương thời gian" - Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras nói.
Ông Tsipras khẳng định đây là sự kiện lịch sử của vùng Balkan nói riêng và của cả Liên minh châu Âu (EU) nói chung, đồng thời cho biết thêm người dân Balkan đã phải chịu đựng quá lâu rồi "sự tai hại của chủ nghĩa sô-vanh và những chia rẽ hận thù của chủ nghĩa dân tộc cực đoan".
Trong số những đại biểu tham dự lắng nghe ông Tsipras, người ta thấy có một người đàn ông lớn tuổi gật đầu, mỉm cười.
Đó là ông Matthew Nimetz, người giữ vai trò trung gian điều phối của Liên Hiệp Quốc đã lao tâm khổ tứ suốt 1/4 thế kỷ qua để nỗ lực tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận cho Hi Lạp lẫn Macedonia trong mâu thuẫn này.
Ông Matthew Nimetz ca ngợi các vị thủ tướng và ngoại trưởng của hai nước là "4 nhà lãnh đạo xuất sắc", những người có "lòng dũng cảm chính trị, tầm nhìn và kỹ năng ngoại giao".
Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev cũng bày tỏ niềm hân hoan trước sự kiện lịch sử: "Người dân chúng ta muốn hòa bình..., chúng ta sẽ là đối tác và đồng minh. Chúng ta tự hào về thỏa thuận hôm nay... Có lẽ chúng ta sẽ mãi mãi đoàn kết như những gì đang có bây giờ".
Trước đó vài ngày, ông Zaev cũng đã kêu gọi những người phản đối "hãy bước ra khỏi quá khứ và hướng tới tương lai".
Tham dự sự kiện lịch sử của hai quốc gia còn có hai quan chức cấp cao EU khác là bà Federica Mogherini - ủy viên phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU, và ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU - ông Johannes Hahn.
Hai vị quan chức EU đã hết lời ngợi ca sự kiện lịch sử, nói đó là một khoảnh khắc thành công hiếm hoi với châu Âu.
Hiệp định vừa ký kết mở đường cho Macedonia có cơ hội gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và bắt đầu tiến hành đàm phán gia nhập EU. Đây là những nguyện vọng của Macedonia từng bị Athens, lấy tư cách thành viên EU, ngăn cản.
Đường chông gai trước mặt
Hành trình đi tới việc ký kết thỏa thuận ngày 17-6 của Macedonia và Hi Lạp vốn dĩ đã không đơn giản.
Từ thời khắc quốc gia láng giềng Macedonia tuyên bố độc lập với tên gọi Cộng hòa Macedonia sau khi liên bang Nam Tư tan rã năm 1991, Hi Lạp đã luôn tin rằng việc Macedonia chọn tên gọi trùng với tên một tỉnh phía bắc của họ là có ý đồ thôn tính lãnh thổ của Hi Lạp.
Năm 1994, khi mâu thuẫn giữa hai bên tiếp tục khoét sâu, Athens thậm chí đã áp lệnh cấm vận kinh tế với nước láng giềng, cáo buộc các chính sách của Macedonia là "nguy cơ thực sự và hiện tại với Hi Lạp".
Song ngay cả khi đã được ký kết, lộ trình trước mắt để hiện thực hóa nó cũng hết sức gian nan. Thỏa thuận này cũng đồng nghĩa với việc Macedonia sẽ phải thay đổi hơn 150 điều trong hiến pháp nước này. Đây rõ ràng là một nhiệm vụ đầy thách thức với ông Zaev.
Ngay trong ngày 17-6, khi hai vị thủ tướng gặp nhau ký thỏa thuận, hàng trăm người Macedonia đã tuần hành phản đối. Chưa kể, chính tổng thống Macedonia, ông Gjorge Ivanov, cũng từ chối ủng hộ thỏa thuận.
Tuy nhiên, kể cả khi Tổng thống Ivanov phủ quyết thỏa thuận, nếu Quốc hội Macedonia phê chuẩn ở vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Zaev cũng sẽ giành chiến thắng.
Về phía Hi Lạp, thách thức với ông Tsipras xem ra cũng không ít hơn người đồng cấp Macedonia. Trên thực tế, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước đều cáo buộc thủ tướng của họ là "kẻ phản bội".
Nhà lãnh đạo chính phủ cánh tả Hi Lạp cũng vừa "sống sót" sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ bảy tuần qua (16-6) liên quan tới thỏa thuận này, chắc chắn ông sẽ không tránh khỏi sức ép phản đối từ phe bảo thủ.
Thêm nữa, việc gom cho đủ phiếu tại quốc hội để phê chuẩn thỏa thuận vừa ký với ông Tsipras cũng đầy gian nan.
Lộ trình thông qua thỏa thuận
Để thỏa thuận đi vào thực tế, nó sẽ phải được thông qua tại quốc hội hai nước và được người dân chấp nhận trong một cuộc trưng cầu ý dân tại Macedonia.
Với Macedonia, trước tiên quốc hội nước này phải bỏ phiếu phê chuẩn lần đầu. Sau đó, nếu được phê chuẩn, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
Nếu cử tri ủng hộ, Chính phủ Macedonia sẽ phải thay đổi hiến pháp, đây là yêu cầu cốt lõi của phía Hi Lạp.
Trong trường hợp nếu tổng thống Macedonia phủ quyết thỏa thuận, nó sẽ được đưa trở lại quốc hội để bỏ phiếu lần 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận