20/07/2012 07:14 GMT+7

"Lý sự cùn" về tác quyền

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Ðèn không hắt bóng - tiểu thuyết nổi tiếng do dịch giả nổi tiếng Cao Xuân Hạo chuyển ngữ - đã bị "vi phạm bản quyền xuất bản" và hiện vẫn "ung dung" lưu hành trên thị trường.

48on9B4X.jpgPhóng to

Trước đó, tháng 10-2011, khi phát hiện bản dịch này được Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn in và phát hành, Công ty Sách Phương Nam đã phát công văn thông báo hành vi trên là "vi phạm bản quyền xuất bản".

Suốt nửa năm sau đó, Công ty Sách Phương Nam cho biết "vẫn chưa hề nhận được một thông tin phản hồi nào". Ðến tháng 5-2012, Sách Phương Nam tiếp tục gửi công văn đến Cục An ninh thông tin truyền thông, NXB Văn Học và Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (đơn vị liên kết với NXB Văn Học xuất bản quyển sách Ðèn không hắt bóng).

Lần này, ngoài những phản hồi cho thấy thiện chí giải quyết vấn đề của Cục Xuất bản, NXB Văn Học, thì Công ty Sách Phương Nam còn nhận được công văn phản hồi của ông giám đốc Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn. Ðiều đáng nói là cách lập luận trong công văn, cụ thể là đoạn này: "Trong thời kỳ kháng chiến và thời kỳ bao cấp, một số dịch giả đã hưởng lương hoặc thù lao dịch thuật trọn gói ở Viện Văn học hoặc NXB Văn Học nên họ không có quyền tài sản đối với tác phẩm dịch, nhưng nay họ vẫn đứng ra đòi tiền bản dịch".

Mặc dù đoạn văn trên của Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn không nêu cụ thể tên ai, nhưng trường hợp họ đang vi phạm là bản sách dịch của Cao Xuân Hạo. Và trong thực tế, từ năm 2003 dịch giả Cao Xuân Hạo đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng các tác phẩm dịch của ông cho Công ty Văn hóa Phương Nam (quyền này hiện thuộc về Công ty Sách Phương Nam).

Hiện nay, dịch giả Cao Xuân Hạo đã mất và lời lẽ của ông giám đốc Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn với nội dung phủ nhận quyền tài sản của dịch giả khả kính Cao Xuân Hạo đã khiến nhiều người bất bình.

Tất nhiên, Luật tác quyền cũng như những nội dung pháp lý khác là lĩnh vực không thể tiếp cận và lập luận theo lối "ngang phè". Vấn đề đơn giản là: dịch giả Cao Xuân Hạo đã dịch tác phẩm Ðèn không hắt bóng với sự trả lương của một cơ quan nào, hay là ông làm thêm ngoài giờ sau khi ông đã hoàn thành công việc bắt buộc khi hưởng lương của cơ quan?

Theo GS.TS luật Nguyễn Vân Nam, nếu Cao Xuân Hạo dịch Ðèn không hắt bóng là công việc ngoài nghĩa vụ với cơ quan trả lương thì ông Hạo có toàn quyền về dịch phẩm đó. Ngoài ra, xét trong trường hợp ông Cao Xuân Hạo nhận lương của một cơ quan để dịch tác phẩm này, thì không phải toàn bộ quyền tài sản của tác phẩm dịch đều được chuyển cho chủ lao động của dịch giả. Bởi vì lúc đó (thời gian mà công văn của Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn đề cập) chúng ta chưa có Luật sở hữu trí tuệ, do vậy phải áp dụng nguyên tắc khác để xem xét việc ông Cao Xuân Hạo nhận lương và làm nhiệm vụ dịch sách Ðèn không hắt bóng.

Theo GS.TS Nguyễn Vân Nam, đây là quan hệ trao đổi: người dịch nhận lương và đổi lại là bản sách dịch. Trong trường hợp giữa dịch giả và cơ quan sử dụng lao động của dịch giả không có hợp đồng chi tiết về mục đích mối quan hệ trả lương - dịch sách này kéo dài đến lúc nào, và quyền sử dụng tác phẩm dịch được trao cho cơ quan sử dụng lao động đến lúc nào; thì quyền sử dụng tác phẩm chỉ được tính trong lúc dịch giả và cơ quan sử dụng lao động của dịch giả còn quan hệ trao đổi: trả lương để dịch sách.

Nhưng điều quan trọng hơn cả, theo GS.TS Nguyễn Vân Nam, là: tất cả những chuyện nhận lương dịch sách vân vân đó là chuyện của người ta, cụ thể với quyển Ðèn không hắt bóng là chuyện của Cao Xuân Hạo và các bên liên quan, bất kỳ ai khác muốn động đến dịch phẩm này (trong lúc đã có Luật sở hữu trí tuệ) thì phải xin phép.

Thế nhưng, trên thị trường vẫn tồn tại bản sách Ðèn không hắt bóng vi phạm tác quyền. Người trong giới xuất bản chỉ còn biết thương cho dịch giả Cao Xuân Hạo nhắm mắt vẫn chưa yên với những cách lập luận ngang phè để sinh nhai trên công sức của đoạn đời đau khổ đầy mồ hôi và nước mắt của ông.

"Hồi tố" 60 năm?

Cách lý sự như ông giám đốc Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn không những bộc lộ tư duy ấu trĩ về pháp lý (đem Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 hồi tố cho hoạt động từ nhiều thập kỷ trước), mà còn bộc lộ một tiền lệ nguy hiểm về cách lập luận vi phạm quyền lợi của hàng loạt nhà văn, tác giả Việt Nam. Bởi trong một thời gian dài, hầu hết mỗi nhà văn Việt Nam đều giữ nhiệm vụ và nhận lương tại một cơ quan. Mối quan hệ nhận - trả lương giữa nhà văn và cơ quan được xác định qua công việc, có thể là chính công việc viết văn, cũng có thể viết văn chỉ là nghề tay trái.

Nay nếu "lý sự cùn" như trên, vậy thì giai đoạn nhà văn Nguyễn Khải làm báo Văn Nghệ Quân Ðội (từ năm 1956) ông sáng tác rất nhiều, chẳng lẽ quyền tài sản các tác phẩm này đều thuộc báo Văn Nghệ Quân Ðội cả hay sao? Hay như Tô Hoài lúc làm báo Cứu Quốc (sau năm 1945) và làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn Nghệ (sau năm 1950) là lúc ông sáng tác rất sung sức. Những sáng tác này rồi cũng bị "hồi tố" để xem là không thuộc quyền tài sản của Tô Hoài hay sao?

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên