Phóng to |
Lý Sơn những ngày cuối tháng 7 trời nắng nóng, biển lặng nên mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách từ khắp nơi tới tham quan hòn đảo từng gắn bó với uy danh Hải đội Hoàng Sa. Tuy nhiên, điều đáng buồn, khi tàu mới cập cảng thôn Tây, xã An Vĩnh, đã thấy nào là rác thải, mùi xú uế bao quanh cầu cảng. Đi dọc các tuyến đê chắn sóng thuộc xã An Vĩnh và An Hải vào mỗi buổi chiều còn dễ bắt gặp cảnh người dân vô tư đổ rác chất thành đống trên bờ kè hay bãi cạn khi nước triều rút.
Nhiều du khách không khỏi ngán ngẩm khi rác thải bao vây cầu cảng và dọc bờ biển. Anh Bùi Văn Quang, đến từ TP Tam Kỳ, Quảng Nam, tham quan đảo Lý Sơn, than thở: “Mấy năm trước đảo Lý Sơn còn sạch đẹp, hoang sơ lắm. Vậy mà nay vừa đặt chân xuống cầu cảng đã thấy rác thải nổi lềnh bềnh ven biển, bốc mùi hôi thối khó chịu”.
Năm 2010, huyện đảo Lý Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục “Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020” theo quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010. Chính vì vậy, việc giữ môi trường xanh - sạch - đẹp là nhiệm vụ cấp thiết đối với huyện đảo này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Nguyên - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết: “Huyện xác định việc chôn lấp rác thải chỉ là giải pháp tạm thời và không phù hợp vì dân trên đảo đông, diện tích đất không nhiều, nếu lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt lẫn nước biển ven đảo. Chính vì vậy, huyện đang trình đề án xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên đảo với kinh phí khoảng 140 tỉ đồng”.
Ông Nguyên cũng cho biết hiện huyện Lý Sơn đã xúc tiến mời thầu và chờ góp ý, phê duyệt từ lãnh đạo sở, ban ngành trong tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn của địa phương còn hạn hẹp nên phải chờ ý kiến bố trí nguồn vốn từ trung ương. “Do đó, giải pháp trước mắt của huyện đảo Lý Sơn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tạm thời xử lý chất thải tại chỗ, đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường và đoàn viên thanh niên tham gia thu gom rác thải ven biển” - ông Nguyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận