Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Lý Hải thẳng thắn chia sẻ về một số vấn đề xoay quanh bộ phim và giới điện ảnh.
Đó là suy nghĩ của anh về tình trạng mà nhiều người cho là một số bộ phim bị "chèn ép suất chiếu"; chủ đề con cái chăm sóc cha mẹ về già và lý do phim Lật mặt 7 không có nhân vật phản diện.
Đặc biệt, Lý Hải cũng phản hồi về luồng ý kiến cho rằng Lật mặt 7: Một điều ước có tình tiết không hợp lý.
Tranh cãi nội dung phim
* Vừa qua, có một số bình luận thắc mắc liệu có hợp lý lắm khi người mẹ bị thương lại đi khắp một số tỉnh thành để con cái luân phiên chăm sóc như vậy. Quan điểm của anh ra sao?
- Trước đó, nếu mọi người xem kỹ thì tôi đã gài cắm rất nhiều. Sau khi bà Hai té, bà chỉ ở một mình, bà sống ở vùng sâu vùng xa.
Tại sao tôi không chọn nhà của bà là ở nông thôn, giữa xóm làng? Vì nếu vậy khi té sẽ có chòm xóm qua giúp đỡ bà rất nhiều.
Tôi chọn nhà bà Hai sống ở ven rừng vì khi bà bị tai nạn thì sẽ không có ai giúp đỡ, ngoài duy nhất một bà hàng xóm.
Một người già không bị tai nạn vốn đã gặp khó khăn trong sinh hoạt ở vùng sâu vùng xa, từ việc chợ búa - bà sống với con gái, nhưng nay con gái phải nuôi con ở bệnh viện. Huống chi giờ gãy một chân, bà không thể sống một mình được.
Tôi đã cho anh em trong đoàn phim kiểm tra thử, một bạn trẻ mới hơn 20 tuổi bó nẹp đến trên đầu gối mà cũng không thể đứng lên ngồi xuống, đi vệ sinh, nấu ăn giặt đồ... một mình được.
* Khi làm kịch bản, anh có nghe góp ý để phản biện kịch bản sao cho chặt chẽ nhất?
- Thường thường, khi tôi viết kịch bản đầu tiên sẽ kể cho bà xã nghe. Khi xong xuôi, tôi sẽ gửi email cho ê kíp đọc.
Đa phần tôi chọn những người hiểu nghề vì duyệt khâu quan trọng mà không hiểu nghề thì bộ phim sẽ trở thành lẩu thập cẩm, vì ai cũng có cái tôi hết.
Người thích hành động sẽ gài các mảng hành động vào. Người thích drama, ma mị hay thể loại nào đó khác sẽ góp ý vào, gây hoang mang.
Là một biên kịch, một đạo diễn đầu tiên bạn phải vững và có lập trường, vì đó là câu chuyện bạn muốn kể.
Những người con trong phim đâu có bất hiếu
* Một điểm nổi bật khác của phim là không có người xấu. Tại sao anh chọn cách kể này?
Trong Lật mặt 7: Một điều ước, tôi không làm điều gì to tát mà kể theo một góc nhìn: mọi người trong xã hội không phải ai cũng xấu. Góc nhìn này rất tích cực và không hề tiêu cực.
Tôi nghĩ: tại sao trong xã hội giờ toàn tin tiêu cực, trong khi có rất nhiều câu chuyện tích cực. Tôi quyết định sẽ kể một câu chuyện như vậy để mọi người thấy xã hội tươi đẹp chứ không hề u ám.
* Khi người ta nói về chuyện con cái không chăm sóc được bố mẹ già, rất dễ sa vào trách móc, đổ lỗi. Anh không chọn cách đó, vì sao?
- Tôi xác định ngay từ đầu là không có người xấu trong phim.
Nếu chúng ta ngồi lại tìm cách giải quyết với nhau thì mọi điều sẽ êm đẹp.
Những người con đâu có bất hiếu, vì hoàn cảnh mà họ không thể trực tiếp nuôi mẹ.
Như tôi chẳng hạn, tôi rất thương mẹ mình nhưng nói bỏ hết công việc chạy về chăm mẹ là cả một vấn đề.
Rất may là gia đình tôi đông anh em, các anh chị thay phiên chăm mẹ rất chu đáo.
Phim bị chèn ép hay quy luật kinh doanh?
* Gần đây, có một số phim Việt có lịch chiếu ít ỏi, doanh thu bị ảnh hưởng rất nhiều. Một số nhà làm phim cho rằng phim họ bị "chèn ép". Là một nhà làm phim lâu năm, từ khi Lật mặt chưa phải là một thương hiệu mạnh, anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Loạt phim Lật mặt ra từ cách đây 9 năm, năm nào cũng đụng độ những bom tấn lớn của nước ngoài, có năm là Avengers.
Phần 1, phần 2, phần 3 của Lật mặt đều gặp chuyện này: phim tôi đang chiếu, suất đang tốt, phim nước ngoài ra là phim tôi rớt suất thảm hại luôn. Nhưng mình phải bền bỉ leo.
Tôi còn nhớ phim Lật mặt 3: Ba chàng khuyết vừa ra đã được khán giả đón nhận, bùng nổ trong 2, 3 ngày đầu. Nhưng khi một phim Hollywood ra thì Lật mặt 3 bị rớt còn vài trăm suất một ngày. Lúc đó tôi không hiểu tại sao lại thế.
Lúc rớt suất chiếu, rớt doanh thu thì mình buồn chứ. Tôi đã từng trải qua những lúc mất ăn mất ngủ đó rồi.
Sau này, tôi mới hiểu rõ hơn là trong kinh doanh, các cụm rạp một năm phát hành rất nhiều phim, nhưng không phải phim nào cũng bán vé được.
Nếu tôi đặt mình là người đầu tư vào cụm rạp đó, thì phim nào bán vé được mình phải sắp suất chiếu để lấy phần doanh thu ăn chia với nhà đầu tư của phim (50/50 mà). Phim ra rạp chỉ ăn nhiều trong tuần lễ đầu nên họ phải tranh thủ kiếm lợi nhuận.
Lý Hải - "ông hoàng phòng vé" dịp 30-4
Những năm gần đây, Lý Hải đều thắng lớn ở phòng vé dịp 30-4, khiến các phim khác "không có cửa" cạnh tranh.
Tính đến hôm 30-4, Lật mặt 7 đạt doanh thu 150 tỉ đồng (bao gồm cả vé đặt trước) với số suất chiếu vượt trội.
Ngày 30-4 ghi nhận phim có 4.595 suất chiếu, trong khi các phim khác đều ở dưới 1.000 suất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận