Từ chiều 27 đến ngày 29-3, tại các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Phú Thọ... xuất hiện mưa to đến rất to, mưa dông, mưa đá dày đặc gây tốc mái, thiệt hại nhà cửa, hoa màu của nhân dân và nhiều trường học.
Đặc biệt, tại một số huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), huyện Mộc Châu (Sơn La) xảy ra mưa đá dày đặc, phủ trắng núi đồi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 29-3, ông Vũ Anh Tuấn - phó trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết hiện ở miền Bắc đang chịu tác động của khối không khí lạnh yếu, trong khi đó vùng áp thấp nóng phía tây phát triển mở rộng, đồng thời hội tụ gió trên cao di chuyển từ phía tây sang phía đông.
"Tất cả tổ hợp thời tiết này gây ra xáo trộn ở miền Bắc, nhất là ở các tỉnh miền núi, gây ra hiện tượng mưa dông, mưa đá tương đối nhiều và dày đặc trong những ngày qua", ông Tuấn nói.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong chiều tối và tối 29-3, ở các khu vực phía Đông Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15 - 30mm, có nơi trên 50mm.
Khả năng cao nhiều nơi ở Bắc Bộ tiếp tục xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Làm sao biết sắp có mưa đá?
Theo ông Tuấn, hiện đang là thời kỳ giao mùa từ mùa đông sang mùa hè, do vậy trong tháng 4, tháng 5 thậm chí tháng 6 sẽ thường xuyên xảy ra mưa dông, mưa đá, không chỉ ở Bắc Bộ mà có thể diễn ra trên toàn quốc.
Về dấu hiệu nhận biết, theo ông Tuấn, nơi người dân đang đứng mà có mây đen xì bao quanh, gió mạnh, nhiệt độ giảm đột ngột thì cần cảnh giác vì khả năng rất cao sẽ xảy ra mưa đá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận