Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan trao đổi với báo chí chiều 17-5 - Ảnh: L.THANH
Chiều 17-5, Tổng cục Hải quan đã họp báo chuyên đề về công tác chống ma túy của ngành Hải quan.
Ông Nguyễn Phi Hùng - cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - cho biết chỉ tính từ tháng 7-2018 đến nay, lực lượng phòng chống ma túy ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 129 vụ với 91 đối tượng vi phạm.
Qua đó, cơ quan chức năng đã thu giữ 218kg heroin, 30kg thuốc phiện, 725kg ma túy đá, 127,6kg cocain, 502kg ketamin, 40,6kg cần sa và 179.833 viên ma túy tổng hợp các loại.
Ông Nguyễn Văn Thủy - trưởng phòng Phòng chống ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu - nhận định số lượng ma túy bắt được trong mấy tháng qua bằng cả 4-5 năm trước cộng lại. Điển hình là vụ 300kg ma túy đá được thu giữ ở TP.HCM ngày 20-3.
Đây là đường dây do các đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc câu kết với một số đối tượng người Lào và Việt Nam tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia từ khu Tam giác vàng về Thái Lan, Lào, sau đó đưa qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) rồi về TP.HCM, từ đó tìm cách đưa sang Đài Loan tiêu thụ.
Ông Thủy cho biết hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu.
Tội phạm ma tuý trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm với tính chất, phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động. Chúng trang bị nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, vận chuyển ma tuý bằng nhiều loại phương tiện khác nhau và sẵn sàng dùng nhiều loại vũ khí "nóng" để chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ.
Ông Nguyễn Văn Thủy
Nổi lên là các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Lào móc nối với các đối tượng ở trong nước để thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển qua biên giới thông qua các đường mòn, lối mở, qua hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để cất giấu các chất ma túy từ Lào, Campuchia và từ châu Mỹ, châu Phi để vào Việt Nam.
Như ở tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, heroin vẫn được bọn tội phạm mua bán, vận chuyển từ Lào vào Việt Nam, sau đó vận chuyển qua các đường mòn, lối mở, các cửa khẩu biên giới sang Trung Quốc. Các loại ma túy tổng hợp như metamphetamine, ketamine, thuốc lắc... được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi đi vào các tỉnh nội địa.
Đáng chú ý, cũng theo ông Thủy, nhiều nguồn tin cho biết hiện nay, tội phạm sản xuất ma tuý tổng hợp ở Trung Quốc đã chuyển địa bàn sang Myanmar và Lào để tổ chức sản xuất các loại ma túy tổng hợp, sau đó tìm cách đưa về Việt Nam qua biên giới các tỉnh giáp với Lào và Campuchia.
Riêng ở tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, lợi dụng việc qua lại giữa hai bên dễ dàng, tội phạm ma túy móc nối với Việt kiều làm ăn, buôn bán ở Campuchia, cư dân biên giới thăm thân nhân, lao động tự do thường xuyên qua lại biên giới để mua bán, vận chuyển trái phép heroin, ma tuý tổng hợp, cần sa từ Campuchia vào Việt Nam để tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam, thậm chí vận chuyển ra phía Bắc tiêu thụ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận