24/05/2012 11:24 GMT+7

Lương không đủ sống sẽ phát sinh tiêu cực

NGỌC LONG
NGỌC LONG

TTO - Lương không đủ sống, người lao động phải làm thêm giờ. Nơi nào có môi trường dễ phát sinh tiêu cực sẽ nảy sinh tiêu cực để kiếm tiền... Phần lớn ý kiến của bạn đọc đồng tình với ý kiến của ĐBQH Đặng Ngọc Tùng.

Quy định lương tối thiểu chưa đúng luậtLương không đủ sống mới phải làm thêm

TTO xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này sau khi đọc bài "Quy định lương tối thiểu chưa đúng luật" đăng trên Tuổi Trẻ sáng nay 24-5.

nntfyUtw.jpgPhóng to
Lương tối thiểu theo quy định của nhà nước không thể đảm bảo cho cuộc sống của công nhân và nên họ phải chấp nhận làm thêm giờ - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Sống không bằng lương thì bằng gì?

Lương không đủ sống, người ta không thể sống chỉ bằng lương, từ đó nhiều người nảy sinh các tình trạng: có chức quyền thì dễ tiêu cực, không có chức quyền thì phải đi làm thêm để nuôi sống bản thân và gia đình.

Khi nào lương đủ cho người ta sống, tự khắc người ta sẽ không còn suy nghĩ đến chuyện bon chen, bòn rút, tham nhũng.

Hoan nghênh

Đã lâu lắm mới có một đại biểu Quốc hội phát biểu về tiền lương tối thiểu rất chuẩn mực như ông Đặng Ngọc Tùng. Lâu nay để không thực hiện tiền lương tối thiểu theo chuẩn mực của pháp luật, người ta thường lấy lý do ngân sách hạn hẹp, chưa cân đối được.

Nhưng công bằng mà nói lãng phí, tham nhũng trong thu, chi ngân sách hằng năm trên thực tế còn cao hơn tổng quỹ tiền lương theo chuẩn mực pháp luật quy định. Cố nhiên, để thực hiện điều này đúng là một cuộc cách mạng trong tư duy và hành động về phát triển bền vững và chính sách xã hội.

Công đoàn ở ta quá hiền, dường như lâu nay chức năng bẩm sinh của nó chưa được thực hiện nghiêm túc. Phát biểu của đại biểu Đặng Ngọc Tùng có thể là bước đầu tiên nói lên ý chí của giai cấp lao động trong điều kiện mới trên cơ sở thực hiện chức năng bẩm sinh của Công đoàn.

Ở các nước khác, các công đoàn thường có tổ chức theo dõi, tính toán rất khoa học chỉ số CPI để có cơ sở đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Chỉnh lương tối thiểu phù hợp mức sống tối thiểu thì chưa đủ

Việc đại biểu Phạm Ngọc Tùng kiến nghị mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu là điều mong mỏi từ lâu của tất cả người lao động, tuy nhiên như vậy tổng quỹ lương khi đó sẽ tăng đột biến rất lớn.

Vì thế, song song với việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, nhất thiết cần phải kiện toàn bộ máy lao động cho thật tinh gọn, mạnh dạn cắt giảm số lao động kém chất lượng, trì trệ, mất năng suất ... thì may ra tổng quỹ lương sẽ không tăng đột biến quá lớn mà chất lượng lao động lại được nâng lên rõ rệt.

Hoan hô những quan điểm của bác Tùng

Tôi thấy những ý kiến của bác Tùng rất hay, rất đúng, rất sát với tình hình hiện nay và đứng về phía người lao động. Đúng là mức lương tối thiểu hiện nay là rất thấp không thể đủ cho mức sống có thể nói là tối thiểu.

Tôi lấy ví dụ lương cơ bản của tôi là 2,8 triệu cộng với khoản phụ cấp vài trăm ngàn nữa là xấp xỉ 3 triệu, phải tiết kiệm lắm thì mới đủ cho những chi tiêu hằng tháng. Như vậy nếu người lao động chỉ làm 8 tiếng 1 ngày mãi thì chỉ đủ sống, không có dư ra để tích lũy, vậy thì bắt buộc phải tăng ca.

Còn việc tăng ca thì các chủ lao động áp dụng tràn lan và vô tội vạ, nhà nước quy định 1 năm không được quá 300 giờ nhưng trên thực tế con số đó lớn hơn rất nhiều.

Tôi hi vọng Luật lao động sửa đổi lần này sẽ có nhiều quyền lợi cho người lao động hơn để làm sao người lao động sống "dễ thở" với đồng lương của mình.

Nên có sự đột phá

Tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Đặng Ngoc Tùng, nếu mức lương tối thiểu đảm bảo sống được thì phần lớn người lao động đều không muốn làm thêm giờ, nhất là đối với ngành nghề cần số lượng công nhân đông và có tay nghề thấp.

Tiếp xúc nhiều với công nhân lao động nên theo tôi biết hiện nay mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước không thể đảm bảo cho cuộc sống của họ và thêm nhiều lý do khác nữa nên họ phải chấp nhận làm thêm giờ, thậm chí có những công ty vì lý do nào đó không làm thêm giờ thì công nhân sẽ bỏ đi làm nơi khác!

Để đối phó nhiều công ty hiện nay cho công nhân ký giấy tự nguyện làm thêm giờ nhưng thực chất nếu họ không làm thêm thì họ sẽ không sống được và công ty cũng có lý do để biện minh vì họ cũng không làm điều gì sai với quy định của Nhà nước. Theo tôi cũng nên xem xét lại sự chênh lệch giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp bên ngoài.

Mong lắm nếu khóa họp kỳ này, Quốc hội có bước đột phá về tiền lương thỏa mãn sự mong đợi của người lao động trên cả nước.

Không nên phân biệt

Ý kiến của đại biểu Đặng Ngọc Tùng rất chính xác, thể hiện nguyện vọng của đa số người lao động sống bằng lương. Tôi xin bổ sung: Nên bỏ việc phân chia 2 loại lương tối thiểu: lương tối thiểu áp dụng cho doanh nghiệp và lương tối thiểu áp dụng cho khu vực hành chính sự nghiệp. Sống trong cùng một môi trường sao lại phân biệt như vậy. Không lẽ Nhà nước khuyến khích người lao động khối hành chính sự nghiệp phải biết kiếm thêm những khoản ngoài lương?

Ủng hộ

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Tùng, không nên tăng thời gian làm thêm giờ. Thực tế hiện nay có tình trạng ở một số cơ quan hành chính, các doanh nghiệp nhà nước một số cán bộ chuyên viên ngày thường thì làm việc thảnh thơi, không chịu làm việc để dành công việc đăng ký làm thêm giờ để được chấm công thanh toán lương theo chế độ làm thêm giờ. Điều này tạo thói quen cực kỳ xấu làm ảnh hưởng đến công việc của nhiều người. Ý kiến tăng thời gian làm thêm giờ tôi nghĩ nằm ở nhóm người này, chứ thật sự những người lao động trực tiếp làm việc ở các doanh nghiệp dệt may, các xưởng cơ khí... chẳng ai muốn làm thêm giờ cả. Mà đây là nhóm cần được bảo vệ nhất.

Bạn suy nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn với chúng tôi qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc phía dưới. Xin cảm ơn.

NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên