Tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng
Hôm nay (13-10-2023), tròn 120 năm ngày sinh liệt sĩ Lương Khánh Thiện, nhà tiền bối cách mạng tiêu biểu của Đảng, dân tộc.
Chúng tôi tìm về khu nhà lưu niệm ông tại khu di tích lịch sử đền thờ liệt sĩ tỉnh Hà Nam (phường Lam Hạ, TP Phủ Lý), cũng chính là quê hương ông.
Tại đây, các nhân viên đang cùng nhau hoàn tất những phần việc chuẩn bị cho lễ dâng hương kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, liệt sĩ Lương Khánh Thiện.
Tại nhà lưu niệm, nhiều tư liệu, kỷ vật quý về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu Lương Khánh Thiện được sưu tầm, trưng bày giới thiệu cho các thế hệ hiện nay và sau này được biết.
Trong đó, có phiên bản dao cầu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia mà liệt sĩ Lương Khánh Thiện đã dùng cải trang làm lang thuốc che mắt địch trong thời gian hoạt động cách mạng ở liên tỉnh B (khu B) năm 1940. Hay phiên bản máy chữ được ông dùng khi hoạt động trong phong trào nghiệp đoàn ở quận 2 (Hải Phòng) những năm 1935 - 1936...
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Khánh Thiết (cháu nội liệt sĩ Lương Khánh Thiện) tin tưởng đến nay và chắc chắn mãi mãi về sau, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, các con, các cháu của nhà cách mạng Lương Khánh Thiện luôn sống gương mẫu, cống hiến hết mình cho đất nước.
"Các ông là quân xâm lược, cướp nước chúng tôi. Chúng tôi là những người yêu nước, chống quân cướp nước, bị các ông bắt được, muốn xử lý thế nào tùy các ông. Chúng tôi lấy làm vinh dự, không có gì phải ân hận. Sau này quân xâm lược phải cút khỏi, đất nước chúng tôi sẽ được giải phóng, độc lập"
Không ngừng rèn luyện ý chí cách mạng trong học tập, lao động, công tác để gìn giữ, phát huy, xây dựng, lan tỏa tinh thần cách mạng của cha ông, gìn giữ, phát huy, xây dựng và lan tỏa truyền thống gia đình cho các thế hệ mai sau.
"Các thế hệ con cháu của gia đình nhà cách mạng Lương Khánh Thiện đang từng ngày, từng giờ noi theo, gìn giữ, xây dựng và phát huy tinh thần cách mạng của ông.
Từ đó góp phần đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh", ông Thiết nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ dâng hương kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà lãnh đạo tiền bối Lương Khánh Thiện vào ngày 11-10, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh đây là dịp để tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo tiền bối Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Qua đó, tiếp tục bồi đắp niềm tự hào, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Năm 2018, vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của ông, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định cuộc đời, sự nghiệp của nhà lãnh đạo tiền bối Lương Khánh Thiện tuy ngắn nhưng có những cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng.
Ông là hình tượng cao cả, đẹp đẽ người cộng sản Việt Nam, anh hùng, kiên trung, bất khuất, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng và dân tộc.
Giữ trọn lòng kiên trung, sắt son với Đảng, dân tộc
Nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối Lương Khánh Thiện tên thật là Trần Xuân Thành, sinh ngày 13-10-1903. Quê ở thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, nay là tổ phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, Hà Nam.
Ông sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Năm 1923, ông rời quê hương ra thành phố Hải Phòng học Trường Kỹ nghệ thực hành và được giác ngộ cách mạng.
Năm 1925, ông tham gia vận động học sinh bãi khóa, viết đơn đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, ông về Nam Định làm thợ nguội nhà máy sợi.
Năm 1927, ông được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Nam Định. Đầu năm 1928, ông trở lại Hải Phòng làm việc ở nhà máy tơ, bắt mối liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng.
Tháng 4-1929, ông được kếp nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng. Tháng 8-1929, Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng thành lập, ông được phân công phụ trách xây dựng cơ sở, tổ chức Đảng ở Nhà máy Chai.
Tháng 5-1930, ông bị mật thám Pháp bắt, giam ở nhà tù Hải Phòng, sau đó bị kết án tù khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), tiếp đó đày ra nhà tù Côn Đảo.
Tháng 9-1936, ông được trả tự do và tiếp tục hoạt động tại Hà Nội. Tháng 3-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức thành lập lại, ông được cử làm bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9-1937) và bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938).
Ngày 29-12-1938, ông bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được thả vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 1-1939, ông đảm nhận nhiệm vụ bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9-1939.
Tháng 9-1939 ông được cử đi chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật của Xứ ủy ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 10-1940, ông được phân công làm bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An) và trực tiếp làm bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Ngày 18-1-1941, ông bị địch bắt tại Hải Phòng, sau đó bị đưa về giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội) và bị kết án tử hình khi mới 38 tuổi.
Ngày 1-9-1941, ông bị xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng.
Cho đến phút cuối của cuộc đời, ông vẫn giữ trọn lòng kiên trung, sắt son với Đảng, dân tộc, vững niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng.
Những hoạt động, cống hiến của nhà lãnh đạo tiền bối Lương Khánh Thiện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng.
Nhất là trong những thời điểm khó khăn, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ Đảng, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận