03/07/2021 18:17 GMT+7

Lượng hàng về chợ tăng dần, giá thực phẩm hạ nhiệt

N.BÌNH - NGUYỄN TRÍ
N.BÌNH - NGUYỄN TRÍ

TTO - Trong ngày 3-7, lượng nông sản, thực phẩm tươi sống nhập về các chợ đầu mối của TP.HCM là Thủ Đức, Bình Điền tăng nhẹ so với hai ngày trước. Trong ngày cuối tuần, người dân đi mua sắm nhiều hơn để dự trữ thực phẩm cho các ngày tới.

Lượng hàng về chợ tăng dần, giá thực phẩm hạ nhiệt - Ảnh 1.

Nhân viên giao hàng của siêu thị tất bật để kịp giao hàng tận nhà cho khách trong mùa dịch chiều 3-7 ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tổng lượng nông sản, thực phẩm tươi sống nhập về 2 chợ đầu mối Thủ Đức và Bình Điền trong ngày 3-7 đạt 4.988,2 tấn, tăng 5,4% so với ngày 2-7 và tăng khá so với ngày 1-7Riêng tại chợ nông sản Thủ Đức, lượng rau củ quả các nơi đưa về tiêu thụ tăng đến 13,6%, đạt 1.954 tấn. 

Giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm vẫn ổn định so với các ngày trước đó như thịt heo mảnh ở mức 50.000 - 75.000 đồng/kg tùy loại, thịt heo pha lóc từ 92.000 - 158.000 đồng/kg tùy bộ phận... 

Trong khi đó, giá mặt hàng rau củ quả dù có biến động trái chiều nhưng xu hướng chung là số mặt hàng có giá giảm nhiều hơn tăng. Tại chợ đầu mối Thủ Đức ngày 3-7, nhiều loại rau củ quả giảm giá nhẹ, như bí đao giảm 2.000 đồng/kg, còn 12.000 đồng/kg, bầu giảm 2.000 đồng/kg, còn 10.000 đồng/kg, trong khi dưa leo, khổ qua tăng 1.000 - 4.000 đồng/kg. Giá xà lách Đà Lạt và chanh tại chợ Bình Điền cùng giảm 5.000 đồng/kg, lần lượt còn 10.000 đồng và 20.000 đồng/kg... 

Tại các chợ lẻ, dù là ngày cuối tuần nhưng tiểu thương lẫn khách đều mua nhanh, bán nhanh, kết thúc họp chợ sớm, nhiều chợ đến tầm trưa đã vắng vẻ. Theo nhiều bà nội trợ, nhiều mối mua hàng quen của họ ở chợ đã thông báo chuyển sang bán online, đặt hàng qua điện thoại giao tận nhà. Giá cả đã bớt tăng so với những ngày trước, đặc biệt là mặt hàng rau củ quả. 

Sở Công thương TP.HCM cho biết trong ba ngày đầu tiên của tháng 7-2021, sức mua tại các chợ truyền thống được ghi nhận tăng nhẹ nhưng vẫn giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch. Trong khi sức mua ở các siêu thị lại tăng bình quân 20% nhờ tăng trưởng của kênh bán hàng online. 

Các doanh nghiệp được lưu ý tiếp tục theo dõi sức mua, tình hình kinh doanh tại các hệ thống phân phối để có phương án điều tiết hàng hóa kịp thời, đảm bảo đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân. 

Thêm kênh bán hàng "bù đắp" chợ đóng cửa

Khi tình hình tiêu thụ ở kênh truyền thống gặp khó, các doanh nghiệp kinh doanh hàng thiết yếu đã linh hoạt chuyển sang giao hàng cho các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Từ các điểm tập kết này, hàng hóa sẽ được phân chia cho người dân theo khu vực.

Theo ông Lê Xuân Huy - phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, ngoài tăng lượng thịt heo bán ra tại hơn 1.130 cửa hàng trên toàn quốc, đơn vị còn tăng giao hàng cho khách trong mùa dịch COVID-19.

"Ở những khu vực như TP.HCM khi khách muốn đặt mua thịt heo, gà thì liên hệ trực tiếp đến công ty, hàng sẽ được công ty giao tận nơi trong ngày. Ít nhiều gì cũng giao, thậm chí có thể giao trực tiếp tại lò mổ nếu khách cần", ông Huy thông tin.

Trong khi đó, Vissan cho biết ngoài tăng giao hàng cho khách là các cá nhân, đơn vị tăng lượng xe tải giao hàng tận nơi cho khách hàng sỉ, khách hàng là công ty, doanh nghiệp.

Ông Phạm Thanh Hùng - phó giám đốc Công ty Ba Huân (TP.HCM) - cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị có 2 - 5 đơn hàng trứng gà tươi, lạp xưởng, thịt gà được "ship" tận nơi cho các khách hàng là xí nghiệp ở khu chế xuất - công nghiệp, các khu phố, liên đoàn lao động quận, huyện.

Cũng theo ông Hùng, hiện khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Ba Huân để đăng ký mua hàng, hoặc đặt hàng thông qua liên đoàn lao động ở các quận, huyện.

N.BÌNH - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên