11/02/2012 07:34 GMT+7

Lương chủ tịch EVN: hơn 600 triệu đồng/năm

C.V.KÌNH - ĐỨC BÌNH ghi
C.V.KÌNH - ĐỨC BÌNH ghi

TT - Ngày 10-2, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã họp báo công bố kết quả thanh tra lương của Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

EVN chưa bổ nhiệm tân chủ tịchÔng Đào Văn Hưng thôi chức chủ tịch EVNVì sao ông Đào Văn Hưng thôi chức chủ tịch EVN?Đầu tư thua lỗ, chủ tịch EVN mất chứcCông bố kết quả kiểm tra lương tại EVN

Bộ LĐ-TB&XH cho biết lương bình quân lao động EVN đã tăng liên tục, năm 2008 là 5,7 triệu đồng/người/tháng thì năm 2010 lên đến 7,45 triệu đồng/người/tháng. Nếu tính tổng thu nhập thì năm 2008 thu nhập bình quân của lao động EVN là 5,929 triệu đồng/người/tháng, năm 2009 tăng lên 7,308 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2010, tổng thu nhập bình quân của EVN tăng lên mức 7,628 triệu đồng/người/tháng.

Trả lời câu hỏi của báo chí, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và EVN đã lộ ra thêm nhiều vấn đề.

* Số liệu lương bình quân của EVN mà Bộ LĐ-TB&XH công bố chỉ bằng một nửa số liệu kiểm toán là trên 13 triệu đồng/tháng?

- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân: Chúng tôi không rõ số liệu các bạn có. Khi làm việc giữa các cơ quan, chúng tôi đối chiếu ba số liệu của các cơ quan cơ bản đều giống nhau, vấn đề là tính trung bình trên toàn thể EVN, trung bình của công ty mẹ hay trung bình của cơ quan tập đoàn. Chúng tôi khẳng định số liệu của Bộ LĐ-TB&XH là xác thực.

* Tại sao năm 2010 thua lỗ, lương EVN vẫn cao hơn những năm lãi?

- Ông Phạm Minh Huân: Văn phòng công ty mẹ EVN là bộ phận tinh túy nhất của tập đoàn, mỗi năm họ đầu tư khoảng 3 tỉ USD, rất quan trọng nên hệ số lương cao hơn. Còn tại sao lỗ lương vẫn tăng là do đơn giá tiền lương EVN tính theo điện thương phẩm họ sản xuất được. Năm 2010 họ tăng được điện thương phẩm 14,51%, đúng ra lương phải tăng tương ứng. Nhưng do lỗ nên Thủ tướng chỉ cho lương năm 2010 bằng 95% năm 2009 nên lương năm 2010 của EVN thực tế chỉ tăng khoảng 6,6%.

* Xin hỏi ông Đinh Quang Tri rằng lương, thu nhập của ông là bao nhiêu?

- Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri: Lương tôi khoảng 40 triệu đồng/tháng. Thu nhập thì có những khoản khác, như thù lao các đơn vị thành viên trả do đại diện phần vốn nhà nước ở đó. Theo nguyên tắc, nguồn này phải nộp về tập đoàn, EVN vẫn đang làm quy chế phân lại thế nào nên chưa biết sẽ được bao nhiêu.

* Tính ra được thu nhập trung bình thì chắc chắn phải biết người cao nhất bao nhiêu?

- Phó chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng: Người có lương cao nhất ở EVN là 51 triệu đồng/tháng (tức trên 600 triệu đồng/năm - PV). Đó là chủ tịch hội đồng thành viên. Thấp nhất là nhân viên thì dưới 3 triệu đồng cũng có.

Giảm biên chế mới có thể tăng lương

Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính tổ chức ngày 10-2.

Theo ông Vũ Như Thăng - viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, khi nguồn lực để đảm bảo chi cho lương không tăng, tinh giản biên chế là biện pháp mạnh nhất để tăng lương và nâng cao tính hiệu quả lao động của đội ngũ cán bộ thuộc diện ngân sách trả lương. Còn theo ông Đặng Như Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều năm nay việc chi tiền lương vẫn là vấn đề lãng phí lớn nhất của ngân sách nhà nước. Do đó, ông Lợi đề nghị cần tinh giản khoảng 40% tổng số cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ông Tô Mạnh Hào - hàm vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ), tuần sau Thường trực Chính phủ sẽ họp về đề án lương tối thiểu.

C.V.KÌNH - ĐỨC BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên