22/05/2022 12:21 GMT+7

Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 5: Đặc nhiệm đi xâm nhập còn viết nhật ký

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Nhà báo Jeroen Visser (42 tuổi) là đặc phái viên báo De Volkskrant của Hà Lan tại khu vực Bắc Âu, làm việc tại Stockholm (Thụy Điển). Trước đó từ năm 2016-2020, anh là đặc phái viên của tờ báo này tại Hàn Quốc.

Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 5: Đặc nhiệm đi xâm nhập còn viết nhật ký - Ảnh 1.

Hải quân Hàn Quốc trục vớt tàu ngầm Bắc Triều Tiên vào tháng 9-1996 - Ảnh: AFP

Nhật ký tiết lộ các chiến thuật, cách thức hoạt động và những người mà họ đã giết.

JEROEN VISSER

Đặc nhiệm Bắc Triều Tiên viết gì?

Năm 2018, Visser đã từng đến Pyeongchang thuộc tỉnh Gangwon đưa tin về Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc. Trên bờ biển băng giá ở vùng đông nam cách thủ đô Seoul hơn 120km, anh nhìn thấy một vật trưng bày lạ lùng mà đối với anh còn hấp dẫn hơn các môn thể thao mùa đông.

Đó là một chiếc tàu ngầm nhỏ của CHDCND Triều Tiên được trưng bày trong công viên bên ngoài thị trấn nghỉ mát ven biển Gangneung cạnh một boongke quân sự kiên cố bao quát vùng biển phía trước.

Chiếc tàu ngầm thôi thúc anh tiến hành điều tra, từ đó đã viết xong một cuốn sách với tựa đề "Bắc Triều Tiên không bao giờ nói lời xin lỗi" (Noord-Korea zegt nooit sorry, NXB Das Mag) xuất bản ở Hà Lan và Bỉ đầu năm 2022.

Cuốn sách kể lại một câu chuyện không hề hư cấu với "nội dung tương tự một câu chuyện phiêu lưu ly kỳ khó có thể xảy ra" như các nhà phê bình sách nhận xét.

Tháng 9-1996, Tổng cục Trinh sát Triều Tiên (RGB - cơ quan tình báo chủ chốt của CHDCND Triều Tiên) đã điều động một tàu ngầm loại nhỏ lớp Sang-O cùng 26 đặc nhiệm thực thi nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo ở Hàn Quốc.

Mục tiêu của tàu ngầm là căn cứ không quân gần thị trấn Gangneung. Ba đặc nhiệm Bắc Triều Tiên có kinh nghiệm xâm nhập giới tuyến đã hoàn thành nhiệm vụ chụp ảnh căn cứ không quân. Đêm 17-9, khi họ tìm cách rút ra và quay về thì mọi thứ đã trở nên tồi tệ.

Visser kể với báo Asia Times: "Có bão và sóng lớn nên tàu ngầm bị mắc cạn cách bờ chừng 20m. Họ định cho nổ phá hủy tàu ngầm nhưng không thành công, vì vậy 26 người trên tàu chia thành nhiều nhóm rời đi".

Một tài xế taxi chạy xe khuya phát hiện nhóm người khả nghi nên trình báo với cảnh sát. Rạng sáng hôm sau, tàu ngầm mắc cạn trên đá bị phát hiện. Hàn Quốc đã tổ chức chiến dịch săn người quy mô với 40.000 binh sĩ tham gia.

Ngay từ đầu, 11 đặc nhiệm trên tàu ngầm Bắc Triều Tiên dường như bị chính các đồng đội giết chết, không rõ vì họ không đưa được tàu ngầm ra khỏi bãi đá hay họ chấp nhận cái chết bởi hiểu rằng không thể đào thoát trên chặng đường gần 100km vượt qua địa hình đồi núi đến khu giới tuyến quay trở lại miền Bắc.

Visser muốn tái hiện vụ xâm nhập của tàu ngầm Bắc Triều Tiên vì theo anh, câu chuyện vẫn còn nhiều tình tiết hết sức vô lý. Vụ xâm nhập đã được công bố rộng rãi, vậy Visser mang đến thông tin gì mới?

Một trong những phần gây tò mò nhất trong vụ xâm nhập là hai đặc nhiệm Bắc Triều Tiên đã viết nhật ký kể lại hoạt động hằng ngày của họ, một điều cấm kỵ mà lực lượng đặc nhiệm nước nào cũng phải nằm lòng.

Sau khi họ bị bắn chết trong vụ chạm súng, các binh sĩ Hàn Quốc đã khám xét và tìm thấy nhật ký trên người họ. Mặc dù nhật ký không được công bố rộng rãi cho công chúng nhưng Visser và người phiên dịch đã tìm thấy nó trong Thư viện Quốc hội ở Seoul.

Anh kể: "Tôi đã nắm trong tay nội dung toàn bộ cuốn nhật ký. Tôi không biết còn trường hợp nào các biệt kích của Tổng cục Trinh sát Bắc Hàn ghi chép lại nhiệm vụ của họ hay không".

Anh nhận xét nội dung trong cuốn nhật ký vừa thú vị lại vừa kinh khủng: "Nhật ký tiết lộ các chiến thuật, cách thức hoạt động và những người mà họ đã giết. Họ chế giễu lính Hàn Quốc kém cỏi thế nào và họ đã trốn thoát dễ dàng ra sao. Tuy nhiên phía sau đó vẫn che giấu thái độ căng thẳng không biết khi nào bị bắt".

Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 5: Đặc nhiệm đi xâm nhập còn viết nhật ký - Ảnh 3.

Hình ảnh vụ xâm nhập được Hàn Quốc công bố năm 1996 - Ảnh: reddit.com

Một đặc nhiệm sống sót quay về miền Bắc?

Visser kể tiếp: "Họ đã gặp ba người Hàn Quốc lớn tuổi - một phụ nữ và hai người đàn ông, có lẽ đi hái nấm trên núi. Cuộc gặp tình cờ thôi". Ít nhất đã có hai nhiệm vụ gần đây của lực lượng đặc biệt không quân Anh (SAS) ở Iraq và đơn vị SEAL của Mỹ ở Afghanistan dẫn đến hậu quả chết người sau khi các đặc nhiệm bị người dân địa phương phát hiện. Trong cả hai trường hợp, SAS hoặc SEAL không "giết người diệt khẩu"...

Visser kể: "Họ đã giết thường dân. Hai người bị bắn, một người bị bóp cổ và bị đánh bằng thứ gì đó". Các binh sĩ Hàn Quốc nghe tiếng súng đã khoanh vùng truy lùng và 24 tiếng sau phát hiện dấu vết nhưng hai đặc nhiệm Bắc Triều Tiên chạy thoát được.

Cuối cùng họ bị phát hiện lần nữa cách khu phi quân sự khoảng 16km. Trong cuộc đọ súng sau đó, cả hai đã giết chết ba người và làm bị thương 14 người bên phía Hàn Quốc trước khi bị lính đặc nhiệm Hàn Quốc hạ gục.

Chiến dịch săn lùng kéo dài 49 ngày kết thúc hôm 5-11-1996 nhưng câu chuyện vẫn tiếp tục. Lee Kwang-soo - thủy thủ điều khiển tàu ngầm Bắc Triều Tiên - là đặc nhiệm duy nhất ra đầu thú. Sau đó, Lee đã trở thành sĩ quan hướng dẫn cho hải quân Hàn Quốc về tổ chức và chiến thuật của RGB.

Thế nhưng vẫn còn một đặc nhiệm mất tích. Chính Lee đã xác nhận người này là một trong các thủy thủ trẻ tuổi nhất và không mang quân hàm sĩ quan trên tàu ngầm. Điều kỳ lạ là không ai tìm thấy bất kỳ dấu vết gì về người này.

Visser kể: "Tôi đã tìm thấy một bộ phim tài liệu của Bắc Triều Tiên nói về sự kiện Gangneung 20 năm sau. Họ có danh sách 25 thủy thủ thiệt mạng, trong đó có người này. Vậy Bắc Triều Tiên tin rằng anh ta đã chết. Phim có ghi hình mộ phần của anh ta với danh tính ghi trên bia lưu niệm".

Visser đã trò chuyện với nhiều nguồn tin trong các cơ quan tình báo Hàn Quốc và họ vẫn luôn nghĩ người này đã quay lại miền Bắc. Song anh tin chắc người này không thể nào trở lại miền Bắc vì không hề có bằng chứng chứng minh điều đó. Nghi vấn phải chăng đây là đặc nhiệm duy nhất sống sót quay trở lại Bắc Triều Tiên vẫn chưa có lời giải đáp.

CHDCND Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt nhiệm vụ gián điệp và biệt kích chống Hàn Quốc trong những năm 1960, 1970 và 1980. Sau đó, hoạt động xâm nhập giảm dần. Bắc Triều Tiên vẫn duy trì lực lượng đặc nhiệm,

trong đó RGB tiếp tục giữ vai trò chủ công về đặc nhiệm trên mạng. Hiện nay, ưu tiên quân sự và nguồn đầu tư lớn nhất của Bắc Triều Tiên là vũ khí hủy diệt hàng loạt chứ không phải lực lượng đặc nhiệm như ngày trước.

Trường hợp của đặc nhiệm Bắc Triều Tiên đầu thú Lee Kwang-soo không bao giờ được đơn vị cũ thừa nhận.

Nhà báo Visser giải thích: "Họ đã xóa sạch Lee khỏi lịch sử. Các nguồn tin cho biết vợ và gia đình Lee bị tống giam. Anh ta còn một con trai ba tuổi, anh chị em và cha mẹ. Họ không bao giờ quên hành động phản bội của anh ấy".

Visser cho biết Bắc Triều Tiên đã từng cử hai đặc vụ tìm cách tiếp cận với Lee tại nơi trú ẩn an toàn ở Hàn Quốc. Trong đó có một đặc vụ mang bí danh Black Venus (tên thật là Park Chae-seo) lại là điệp viên hai mang nổi tiếng của Hàn Quốc.

Câu chuyện của điệp viên này đã được dựng thành bộ phim The Spy Gone North (tựa tiếng Việt là "Kế hoạch Bắc Hàn") đã được chiếu giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes năm 2018.

----------------------------

Lực lượng đặc biệt của Mỹ và Israel thuộc hạng giỏi nhất thế giới, thế nhưng họ đã từng gặp thất bại thảm hại ở Niger (Mỹ) và dải Gaza (Israel). Nhiều đặc nhiệm đã trả giá bằng chính mạng sống của họ.

Kỳ tới: Diều hâu tiếp tục gãy cánh


Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 4: Giải mật đặc nhiệm Spetsnaz Lực lượng đặc nhiệm và cuộc chiến trong bóng tối - Kỳ 4: Giải mật đặc nhiệm Spetsnaz

TTO - Trong phần nêu thành tích, Bộ trưởng Shoigu tuyên bố các đơn vị của lữ đoàn 810 đã 'thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập Syria'.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên