Một thùng rác ngập đầy ly và ống hút nhựa trên đường Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3, TP.HCM - Ảnh: THANH YẾN
Song, để có những thay đổi mạnh mẽ, đã đến lúc phải có sự ràng buộc bằng những quy định của pháp luật, thay vì tự nguyện hành động như một phong trào.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến vấn đề rác thải nhựa đại dương ở Hội nghị thượng đỉnh G20 lẫn trong cuộc họp với 63 tỉnh thành ngày 4-7. Bởi lẽ Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, du lịch biển, nhưng lại là 1 trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương, tương đương 280.000 tấn/năm.
Đó là một con số khổng lồ, phản ánh sự "phóng khoáng" của người Việt trong sản xuất, tiêu dùng các loại đồ nhựa xài một lần như ly nhựa, ống hút, hộp xốp, bao bì nilông... Từ hàng quán vỉa hè, cửa hàng tiện lợi đến các chuỗi đồ uống, thức ăn, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại đều "thả ga" dùng đồ nhựa bởi sự tiện lợi và giá rẻ mạt.
Người tiêu dùng cũng chủ động chọn các sản phẩm này, bởi dùng một lần và vứt đi quá đơn giản. Chưa cần rác nhựa này ra tới đại dương, chỉ cần chui xuống lòng cống ở TP.HCM sẽ thấy mức độ khủng khiếp khi chúng ken đặc cả cống.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yếu tố môi trường trong "kiềng ba chân" phát triển bền vững của Việt Nam là kinh tế - xã hội - môi trường và đặt vấn đề với Bộ Tài nguyên - môi trường là đã đến lúc Việt Nam phải có thể chế với vấn nạn rác thải nhựa.
Không đơn thuần phát động phong trào, làm nửa vời, mà phải có chế tài rõ ràng, có chính sách thuế phù hợp với những công ty nhập khẩu, sản xuất nhựa không thể tái chế cũng như giải quyết công ăn việc làm cho nhân công ở những cơ sở sản xuất nhựa.
Một thương hiệu nhượng quyền trong ngành thức uống ở Việt Nam quyết định loại bỏ ống hút nhựa bằng ống hút sinh học, và hướng đến thay thế ly nhựa, do nơi khai sinh thương hiệu này (Đài Loan) đã ban hành luật, cấm tiệt cơ sở kinh doanh bán ống hút nhựa kể từ ngày 1-7.
Một thương hiệu cà phê Việt khác cũng đặt mua tiêu dùng 100% các sản phẩm có thể tái chế trong 2 năm tới.
Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đứng ngoài "cuộc chơi" khi không cam kết cũng chẳng hành động. Nếu chờ phản ứng từ khách hàng cũng không thể ngày một ngày hai.
Trong khu vực, Thái Lan đã đặt mục tiêu giảm và cấm một số loại sản phẩm nhựa kể từ năm 2022. Trên thế giới đã có 80 quốc gia cũng ra lệnh cấm tương tự. Như ở New Zealand, luật cấm túi nhựa dùng một lần có hiệu lực từ ngày 1-7 được người dân ủng hộ, chấp hành dù phần đông dân số ở đây đã rất ý thức bảo vệ môi trường khi chưa có luật.
Thay vì kêu gọi, chỉ có "luật hóa" kèm chế tài đủ sức răn đe mới là giải pháp hiệu quả nhất để chống rác thải nhựa không thể tái chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận