Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cho rằng nhiều dự thảo luật được các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết nhưng vẫn còn có những điều luật chưa có ý kiến thống nhất.
Đại biểu Thúy phân tích đại biểu bấm nút thông qua là vì chỉ được hỏi có thông qua dự thảo luật chứ không hỏi thông qua từng điểm trong dự thảo luật. Nếu được hỏi từng điểm còn có ý kiến khác nhau thì có thể nhiều dự luật chưa thể thông qua nhanh như vậy. “Tôi đề nghị phải cho đại biểu biểu quyết từng điểm của dự thảo luật, như thế mới dân chủ” - bà Thúy kiến nghị.
Phóng to |
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy |
Đồng ý với bà Thúy, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng vì chúng ta chỉ sửa nguyên cả luật, bộ luật chứ không sửa từng điều hoặc chế định luật, cho nên luật khó đi vào thực tiễn cuộc sống nhanh. Ông Đương dẫn chứng những phát sinh về cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng (Hải Phòng), những vụ án giết người ghê rợn như của Lê Văn Luyện, vì không sửa được từng điều luật mà cứ phải chờ sửa trọn bộ, cho nên luật đã không thể điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh của xã hội, chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Anh (TP.HCM) cho rằng chất lượng làm luật chưa cao, chưa đạt được nguyện vọng của nhân dân, nhất là mối quan hệ giữa cơ quan thẩm tra luật và cơ quan soạn thảo. Cơ quan soạn thảo lúc nào cũng chậm, cơ quan thẩm định nhận được thì đã hết thời gian, bị động, thiếu rất nhiều thời gian, tính thẩm định không chất lượng. Không có thời gian để đại biểu và nhà khoa học đóng góp. Còn cơ quan thẩm định rất hời hợt, không phát hiện những điều lớn, nêu ra vài quan điểm đề Quốc hội lựa chọn nhưng không có phương pháp luận để đại biểu chọn cho đúng.
Phóng to |
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) - Ảnh: Việt Dũng |
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng Quốc hội đang quá thụ động khi làm luật. Lẽ ra Quốc hội phải tiếp nhận những sáng kiến luật, sau đó giao cho các ban, hội đồng dân tộc của Quốc hội tùy theo chức năng liên quan đến dự án luật thẩm định và ngồi lại thảo luận rồi cùng đưa sáng kiến đó cho Chính phủ. Chứ như hiện nay, tất cả dự án luật đều chờ vào Chính phủ đề xuất. Ông Lịch ví dụ Luật doanh nghiệp nhà nước đến cuối năm 2012 là hết hiệu lực. Một khối tài sản khổng lồ hàng chục ngàn tỉ đồng của Nhà nước sẽ không ai quản lý. Hết Vinashin đến Vinalines đỗ vỡ, vậy mà Quốc hội vẫn chưa làm luật mới để điều chỉnh.
Dè dặt với “bỏ phiếu tín nhiệm” Về việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng cần tính tới trường hợp một bộ trưởng ngay trong năm đầu tiên bỏ phiếu đã có tín nhiệm không quá 50%, thậm chí dưới 20%. Ông Nam cho rằng phải có quy định, chứ nếu không sẽ rất khó khăn trong việc “áp” tỉ lệ tín nhiệm này với các quyết định liên quan đến nhân sự. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy thì cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm với những trường hợp cá nhân mà lần đầu bỏ phiếu tính nhiệm có số phiếu chưa đạt thì ngay kỳ sau Quốc hội có thể tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm lần nữa chứ không để thời gian giữa hai lần bỏ phiếu tín nhiệm cách quá lâu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận