01/10/2022 15:00 GMT+7

Luật cấm ép buộc khách hàng mua bảo hiểm

VŨ KHÁNH
VŨ KHÁNH

Việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, các ngân hàng không được ‘ép’ khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Luật cấm ép buộc khách hàng mua bảo hiểm - Ảnh 1.

Các ngân hàng đã gửi nhân viên đi đào tạo về bảo hiểm và nhận chứng chỉ đại lý bảo hiểm để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng

Hoàn thiện khung pháp lý kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng

Bà Phạm Thu Phương, phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang được cục thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống báo cáo, quản lý giám sát và hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm đối với các nhân viên ngân hàng, có các biện pháp nâng cao tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm khai thác qua kênh ngân hàng, đảm bảo hiệu quả, an toàn tài chính của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý cũng đã tích cực sửa đổi và bổ sung những quy định về hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng để tạo hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ lợi ích cho khách hàng lẫn doanh nghiệp, đảm bảo ngành bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững.

Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 cũng bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức (bao gồm các tổ chức tín dụng). Đồng thời, luật cũng giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về trách nhiệm của đại lý tổ chức trong việc tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Dự kiến trong các văn bản hướng dẫn sắp tới, Bộ Tài chính sẽ bổ sung nhóm quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho bên mua bảo hiểm, quản lý chất lượng của nhân viên tư vấn trong đại lý tổ chức; bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ đại lý bảo hiểm, đặc biệt là đối với kênh ngân hàng.

Quyền được tư vấn và lựa chọn sản phẩm của khách hàng

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, quy định pháp luật hiện hành yêu cầu tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin khi tham gia bảo hiểm để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu bảo hiểm và khả năng tài chính của mình.

Đặc biệt đối với kênh ngân hàng, do đặc thù riêng của kênh phân phối này, thông tư liên tịch số 86 do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2014 đã có quy định tổ chức tín dụng có nghĩa vụ: "Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và không mang tính bắt buộc".

Luật cấm ép buộc khách hàng mua bảo hiểm - Ảnh 2.

Khách hàng cần làm rõ các thắc mắc, kiểm tra kỹ các thông tin khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, tránh nhầm lẫn giữa sản phẩm ngân hàng và sản phẩm bảo hiểm

"Hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng đã được ban hành. Do đó, nhân viên ngân hàng cần nắm rõ quy định pháp luật để không "làm khó" khách hàng. 

Ở chiều ngược lại, khách hàng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng nhu cầu bảo vệ, khả năng tài chính và lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp trên cơ sở hiểu đúng rằng việc mua bảo hiểm để cho mục đích bảo vệ tài chính - sức khỏe của bản thân và gia đình, không phải là "khoản phí" để giải ngân khoản vay" - luật sư Nghiêm phân tích.

Một lưu ý khác là khách hàng hãy tự kê khai thông tin thay vì để nhân viên tư vấn kê khai giúp vì điều này có thể dẫn đến những mơ hồ và nhầm lẫn giữa sản phẩm ngân hàng và sản phẩm bảo hiểm, khiến người mua lo lắng và mất thời gian đi khiếu kiện về những giấy tờ mà chính mình đã trực tiếp ký vào.

Trong bất cứ tình huống nào, khách hàng luôn có 21 ngày để đọc và cân nhắc các điều khoản có trong hợp đồng nhằm đưa ra quyết định đúng đắn. Khi có vấn đề xảy ra, khách hàng hoàn toàn có thể liên hệ đường dây nóng được ghi rõ trong hợp đồng để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng từ hãng bảo hiểm.

"Suy cho cùng, quyền quyết định tham gia bảo hiểm hay không vẫn nằm ở khách hàng", luật sư Nghiêm nhấn mạnh.

Doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực đồng hành cùng khách hàng

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm khai thác qua ngân hàng như: đa dạng hóa các kênh thu phí trên nền tảng trực tuyến và tại ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng nộp phí bảo hiểm, giới thiệu các chương trình chăm sóc khách hàng, áp dụng đa dạng các công cụ nhắc phí như SMS, gọi điện, email…, gắn tỉ lệ duy trì hợp đồng với chính sách thi đua, khen thưởng dành cho nhân viên ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có tỉ lệ cuộc gọi chào mừng khách hàng (welcome call) đạt 100% nhằm đánh giá chất lượng hoạt động tư vấn bảo hiểm của nhân viên ngân hàng sau khi hợp đồng bảo hiểm được phát hành. Trong quá trình thực hiện cuộc gọi nếu phát hiện có dấu hiệu ép buộc mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện hủy bỏ HĐBH hoặc tiếp tục duy trì hiệu lực HĐBH theo yêu cầu của khách hàng.

Bên cạnh việc gọi điện cho khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tích cực áp dụng "mystery shopping" - một hình thức mua hàng ẩn danh để kiểm tra và đánh giá lại chất lượng tư vấn của các nhân viên bán hàng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thỏa thuận với cả ngân hàng về các chế tài nghiêm khắc nhất để xử lý nhân viên ngân hàng vi phạm.

VŨ KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên