02/11/2014 09:40 GMT+7

​Luật bất cập, dân lãnh đủ

MAI HOA - HÀ CHÂU ghi
MAI HOA - HÀ CHÂU ghi

TT - Người mua nhà đã sinh sống ổn định bảy năm bỗng nhiên “ngã ngửa” khi bị ngăn chặn giao dịch ngôi nhà bởi phải thi hành bản án của một người không quen biết.

 Đó là chuyện của gia đình ông Hà Văn Mùi (ngụ P.7, Q.6, TP.HCM).

Ông Hà Văn Mùi trình bày lại vụ việc - Ảnh: Quang Định
Ông Hà Văn Mùi trình bày lại vụ việc - Ảnh: Quang Định

Tôi không biết ông Trương Anh Tài là ai. Nhưng một ngày tôi nhận được quyết định ngăn chặn giao dịch với căn nhà tôi đang ở suốt nhiều năm nay để thi hành một bản án của ông Tài. Ông Hà Văn Mùi nói.

Năm 2007, tôi mua căn nhà 435 Phạm Văn Chí (P.7, Q.6) từ ông Ngô Cúc Minh và bà Nguyễn Thị Huệ. Sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục, giấy tờ nhà đất cũng đã sang tên cho tôi, gia đình tôi sinh sống liên tục từ đó tới nay.

Nhưng bỗng nhiên ngày 20-8-2014, tôi nhận được thư mời của Chi cục Thi hành án dân sự Q.6 mời lên thông báo quyết định số 495 về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với căn nhà 435 Phạm Văn Chí, cho rằng đây là tài sản của ông Trương Anh Tài, là con của ông Lưu Khâm Hớn và bà Trương Kim Huê - chủ cũ của căn nhà này. Quyết định do chấp hành viên Bạch Đằng Quang ký.

Khi tôi gặp Chi cục Thi hành án dân sự Q.6 thì được biết tôi phải chấp hành bản án hình sự từ năm 1999. Ông Tài đã hoàn thành án phạt tù, nhưng còn số tiền phạt là 17.370.500 đồng thì cơ quan thi hành án không tìm được ông này nên đã ra quyết định 495 để ngăn chặn giao dịch căn nhà của tôi, tránh việc tẩu tán, hủy hoại tài sản.

Tôi là người mua nhà ngay tình, qua nhiều lượt giao dịch chứ không phải là người mua trực tiếp. Hơn nữa tôi không liên quan gì đến ông Tài, bởi vậy việc Chi cục thi hành án dân sự Q.6 quyết định ngăn chặn giao dịch căn nhà của tôi là hoàn toàn sai trái, vì việc mua bán căn nhà diễn ra trước quyết định thi hành án (quyết định ngày 23-5-2003) và khi đó tài sản này không còn liên quan gì tới ông Tài nữa. Cụ thể, cha ông Tài mất từ năm 1973.

Năm 2001, mẹ ông Tài đã bán căn nhà này cho ông Đặng Hoàng Vũ. Ngày 16-12-2003, ông Vũ bán lại cho ông Ngô Cúc Minh và bà Nguyễn Thị Huệ. Ngày 31-8-2007, ông Minh và bà Huệ đã chuyển nhượng lại căn nhà này cho vợ chồng tôi.

Như vậy, tôi là người chủ hợp pháp của căn nhà, tại sao lại ngăn chặn không cho tôi giao dịch? Cho dù vì bất cứ lý do gì, việc làm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của tôi, ảnh hưởng đến niềm tin của tôi vào công lý vì tôi đã mua bán đúng theo quy định của pháp luật mà cuối cùng lại không được pháp luật bảo vệ, trái lại quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của tôi còn bị xâm hại.

“Đã kiến nghị những bất cập của thông tư 14”

Ông Nguyễn Văn Lực, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cho biết như thế khi đề cập đến trường hợp của ông Hà Văn Mùi.

Theo đó, ông Lực cho biết khoản 1 điều 6 thông tư 14 quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng... người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án”.

Quy định này nhằm tránh tình trạng đương sự phải thi hành án có hành vi tẩu tán tài sản sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

“Thông tư 14 ra đời với mục đích bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án nhưng đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người mua bán ngay tình” - ông Lực nói. Đây là điểm rất bất cập mà Cục Thi hành án dân sự TP.HCM từng kiến nghị đến các cơ quan liên quan để sửa đổi nhằm bảo vệ những người mua bán ngay tình và phù hợp pháp luật.

Cơ quan thi hành án lúng túng

Năm 2003, Chi cục Thi hành án dân sự Q.6 nhận được quyết định ủy thác thi hành án ngày 23-5-2003 của Cục Thi hành án TP. Chấp hành viên Bạch Đằng Quang, người ra quyết định 495, cho biết: “Qua xác minh, biết rằng ông Mùi không có liên quan gì đến toàn bộ sự việc, nhưng căn cứ vào quy định tại thông tư 12 (đã được thay thế bằng thông tư 14) thì việc mua bán này phát sinh sau khi có bản án nên việc ra quyết định trên là đúng theo quy định của pháp luật”.

Ông Bạch Đằng Quang trình bày: theo phiếu điều tra khả năng kinh tế của Công an P.7, Q.6 vào ngày 28-8-2003 thì ông Tài đang thi hành án phạt tù, không có mặt ở địa phương. Theo biên bản xác minh ngày 21-11-2012 thì bản thân ông Tài đang thất nghiệp, không có thu nhập nên không có khả năng thi hành án. Nhà 435 Phạm Văn Chí là của cha mẹ ông Tài nhưng đã bán cho người khác.

Tuy nhiên do ông Hớn (cha ông Tài) đã chết nên có phát sinh thừa kế. Xét thấy gia đình ông Tài đã bán nhà sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, việc mua bán trước khi có quyết định thi hành án nhưng sau khi có thông tư 12-2001, do đó căn cứ điều 6 thông tư 14 thay thế thông tư 12 thì chấp hành viên đã ra quyết định trên.

Ông Quang cũng xác nhận: “Đúng là ông Mùi mua nhà hợp pháp, tình ngay, lý cũng không gian mà tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu là thiệt thòi. Nhưng đó là quy định của pháp luật”.

MAI HOA - HÀ CHÂU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên