Hong Kong vốn được xem là trung tâm tài chính của châu Á - Ảnh: REUTERS
Luật quốc gia mới của Bắc Kinh đã giáng một đòn chí tử vào các quyền tự do, tự trị của Hong Kong - vốn là những điều đã khiến TP này khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden nói ngày 1-7, tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc nếu đắc cử.
Ngày 2-7, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với các quan chức đại lục có dính líu tới luật an ninh quốc gia Hong Kong với số phiếu tán thành tuyệt đối 100%.
Động thái từ Mỹ đã làm tăng thêm lo ngại về các rủi ro gia tăng mà các nhà đầu tư tại Hong Kong có thể đối mặt do luật an ninh mới. Dù vậy, thị trường ở đặc khu hành chính này vẫn tạm tăng trưởng.
Kỳ lạ thị trường
Trở lại sau kỳ nghỉ lễ, chứng khoán Hong Kong đã ngay lập tức tăng giá trong ngày 2-7, ngày giao dịch đầu tiên kể từ khi luật an ninh có hiệu lực. Chỉ số Hang Seng đã tăng khoảng 1,7% với các công ty bất động sản dẫn đầu. Giá đồng tiền của Hong Kong (HKD) cũng gần chạm ngưỡng cao nhất được phép giao dịch.
Lượng cổ phiếu giao dịch cao hơn khoảng 50% so với mức trung bình trong vòng 30 ngày thời gian gần đây - điều bất thường đối với phiên giao dịch đầu tiên của quý 3 hằng năm.
Phản ứng tích cực của thị trường lập tức khiến giới chuyên môn chia rẽ. Theo tạp chí Fortune, một số người cho rằng xu hướng tăng phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về việc luật mới sẽ kiềm chế được người biểu tình, từ đó mang lại sự ổn định cho toàn TP cũng như kích thích tiêu dùng trở lại.
"Dù hôm qua có biểu tình, số người xuống đường đã ít hơn nhiều và mức nghiêm trọng của các cuộc đụng độ cũng đã giảm nhiều so với tình trạng bạo lực hồi năm ngoái. Đó là điều trấn an doanh nghiệp" - ông Raymond Cheng, chuyên gia phân tích bất động sản tại CGS-CIMB Securities, nhận định.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại cho rằng Trung Quốc có can thiệp vào thị trường tại Hong Kong khi Bắc Kinh từng bị nghi ngờ thao túng thị trường trước, trong và sau các lễ kỷ niệm quan trọng và các sự kiện chính trị nhạy cảm.
Dù giới chuyên gia hiện nay đang phân thành hai luồng ý kiến, những diễn biến này vẫn nằm trong đoán định của nhiều người. Hãng tin Bloomberg từ ngày 1-7 đã nhận định "cổ phiếu sẽ có biến động trong ngắn hạn, đồng nhân dân tệ (NDT) và HKD sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ, chứng khoán Hong Kong sẽ tiếp tục nhận trợ lực từ nhà đầu tư Trung Quốc".
Tiến thoái lưỡng nan
Cũng như giới chuyên gia, các nhà đầu tư ở Hong Kong có phản ứng trái chiều về luật an ninh mới. "Tôi cho rằng đạo luật này sẽ khiến việc làm ăn tại Hong Kong hay từ Hong Kong sẽ trở nên khó khăn hơn" - bà Jun Bei Liu, nhà quản lý danh mục đầu tư của Tribeca Investment Partners, nói với Bloomberg.
Cũng theo bà Liu, về dài hạn, ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế tìm đến các thị trường châu Á khác thay vì ở lại Hong Kong. "Thế nhưng tôi nghĩ Hong Kong vẫn rất cần thiết vì đây là trung tâm để tiếp cận Trung Quốc - một thị trường khổng lồ" - bà Liu nói.
Theo Đài CNBC, Hong Kong đã không còn quá quan trọng đối với Trung Quốc như trước. Vào những năm 1990, Hong Kong chiếm tỉ trọng 27% trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng tới nay, đặc khu này chỉ chiếm chưa đến 3%.
Dù vậy, cơ chế đặc thù tại Hong Kong với nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" vẫn duy trì vị thế "cửa ngõ" của TP này đối với những nhà đầu tư ngoại muốn tìm đến thị trường Trung Quốc.
Số liệu lấy từ các cơ quan chức năng Trung Quốc và Hong Kong cho thấy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) thông qua Hong Kong vào Trung Quốc đạt 90 tỉ USD trong năm 2018, tương đương 65% đầu tư vào Trung Quốc. Trong khi đó, FDI từ Trung Quốc ra thị trường ngoại thông qua Hong Kong là 87 tỉ USD cùng năm, tương đương với 61% tổng FDI ra nước ngoài của Trung Quốc.
Ông Michael Hsia, chuyên gia về thị trường vốn của Vantage Capital, cho rằng đạo luật này đã giúp tình hình trở nên rõ ràng hơn đối với nhà đầu tư. Còn đối với doanh nghiệp, Hsia nhận định họ đã có thể yên tâm làm việc khi biết rằng cổ phiếu của họ sẽ đứng vững.
"Dù điều này nghe không mấy tích cực dưới góc độ người phương Tây hay người bên ngoài, nhưng luật an ninh ít nhất đã cho thấy cách Trung Quốc xử lý tình hình hiện nay và sự ổn định của TP là tối quan trọng" - ông Hsia bày tỏ.
Trong khi đó, nguồn tin của chuyên trang Economic Times (Ấn Độ) ngày 2-7 cho biết một số nhà đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (FPI) tại Hong Kong đang tìm cách chuyển tài sản của mình sang Tokyo (Nhật Bản).
Theo Economic Times, các FPI đầu tư vào Ấn Độ từ Hong Kong và người đại diện của họ đã tìm đến các chuyên gia thuế. Những nhà đầu tư này muốn hiểu thêm về khác biệt giữa hiệp ước thuế Ấn Độ - Nhật Bản và Ấn Độ - Hong Kong.
Cũng theo chuyên trang trên, nhiều FPI đầu tư vào Ấn Độ từ Hong Kong đã phát triển các kế hoạch dự phòng để rời khỏi Hong Kong sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới.
Anh, Úc muốn đón dân Hong Kong
Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 2-7 tuyên bố chính phủ của ông đang "tích cực" xem xét các đề xuất chào đón cư dân Hong Kong. Dù chưa có quyết định cuối cùng, ông Morrison cho biết nội các của ông vẫn đang cân nhắc các biện pháp cụ thể, ám chỉ Úc nhiều khả năng sẽ thông qua đề xuất này.
Trước đó một ngày, Chính phủ Anh cũng thông báo sẽ cho phép khoảng 3 triệu người Hong Kong sở hữu hoặc đủ điều kiện được cấp hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO) cùng những người phụ thuộc đến định cư tại đây và chờ nhập quốc tịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận