Từ trái qua: dịch giả Quế Sơn (cầm mic), nhà văn Nhật Chiêu, TS Đào Lê Na trò chuyện cùng bạn đọc về Lụa của Baricco - Ảnh: L.ĐIỀN
Đây cũng là lần đầu tiên sau 20 năm "sống cùng tác phẩm Lụa", dịch giả Quế Sơn giao lưu với bạn đọc về tác phẩm độc đáo này. So với bản dịch lần đầu do NXB Trẻ ấn hành, bản do Phanbook ấn hành lần này có bổ sung nhiều chỗ.
Khi ngôn ngữ là nhạc cụ
Có thể nói trong 20 năm qua, dịch giả Quế Sơn đã không thôi lưu ý về Lụa, "chỉ với một địa danh Teraya, tôi đã mất ngót 20 năm mới tìm ra âm Hán Việt của nó là "Tự Cốc" - dịch giả Quế Sơn chia sẻ.
Cuộc trò chuyện lần này không đào sâu về những độc đáo của Lụa, do lẽ đã có nhiều lời bình luận và phân tích dành cho tác phẩm có dung lượng chữ cực ít, nhưng ngay từ khi ra đời năm 1996 đã trở thành hiện tượng văn học của châu Âu, được chuyển thể thành phim và sau 17 năm đã được dịch sang 37 thứ tiếng (năm 2013).
Chủ đề "cuộc gặp gỡ Nhật Bản" tạo cảm hứng cho các diễn giả/dịch giả nói về những thông điệp trong giao lưu và cả va chạm của văn hóa Đông - Tây. Mối tình của anh chàng da trắng người Pháp Hervé Joncour với cô gái Nhật Bản, trong những chuyến bộ hành sang đất nước Phù Tang mua trứng tằm về để phát triển ngành nguyên liệu tơ lụa được miêu tả đầy chất thơ.
Đặc biệt, lời tâm sự của chính tác giả Baricco rằng nghệ thuật của Lụa là "âm nhạc trắng", gợi cho độc giả hình dung về Lụa như một bản opera. "Không kể chương 59 với hình thức giống như vở opera, ngay cả các câu thoại ngắn trong tác phẩm này cũng rất opera" - dịch giả Quế Sơn chia sẻ.
"Gặp gỡ Nhật Bản" thực ra là cuộc gặp gỡ Đông - Tây. Và khái niệm "âm nhạc trắng" mà Baricco bộc bạch ấy, theo tác giả, thì đây là "loại nhạc dị thường... khi nhạc được diễn hay, ta tưởng ta đang nghe niềm im lặng tấu lên".
Dịch giả Quế Sơn nhấn mạnh rằng nhà văn Baricco quan niệm "ngôn ngữ là một nhạc cụ và nhà văn khi viết phải làm sao để những âm thanh của ngôn ngữ đến với ta lúc viết còn lại trong đầu người đọc".
"Baricco từng trả lời phỏng vấn cho biết rằng ông khi viết thỉnh thoảng vẫn đọc to lên một đoạn văn để xem hiệu ứng ngôn ngữ có ổn không - ông Quế Sơn cho biết - nên khi dịch Lụa, có những đoạn tôi cũng đọc to lên và nhận ra nhạc tính của tiếng Việt còn nhiều hơn cả tiếng Ý hay tiếng Anh".
Nhà văn Nhật Chiêu (giữa) nhận định văn chương của Baricco có điểm tương đồng với Kawabata và Haiku Nhật Bản - Ảnh: L.ĐIỀN
Không chỉ là cuộc va chạm Đông - Tây về văn hóa
Nhà văn Nhật Chiêu đưa ra liên tưởng về cách bố trí các chương cực ngắn trong Lụa, tạo nhiều khoảng trống, tương đồng với khái niệm "dư bạch" trong nghệ thuật thủy mặc của Nhật Bản, Trung Quốc: "Một kiểu vô ngôn nhưng vẫn là thông điệp".
Cũng theo Nhật Chiêu, văn phong Baricco có những đoạn rất đậm tính Nhật Bản, như đoạn văn lúc Nguyên Mộc gặp Joncour trong phòng (chương 15), miêu tả bàn tay của cô gái là "cái đốm sáng nhạt", đưa ra cầm chén trà của Joncour xoay miệng chén uống đúng vào chỗ Joncour vừa đặt môi uống. Một chi tiết thần tình, mà theo Nhật Chiêu là có điểm tương đồng với văn chương Kawabata.
Ở một đoạn khác, Nhật Chiêu lại nhìn thấy văn của Baricco qua bản dịch của Quế Sơn có những đoạn y hệt như bài haiku Nhật Bản: Đời đổ mưa / đời anh / trước mắt anh.
Và khán phòng sôi động hơn khi có một bạn trẻ thẳng thắn bày tỏ rằng sau khi đọc xong rất nhanh quyển sách mỏng này, anh chẳng hiểu nó hay chỗ nào?
Điểm thú vị là vấn đề được các diễn giả giải quyết thật thuyết phục, ngay cả với những người đã đọc và công nhận Lụa là tác phẩm hay. Bởi ẩn đằng sau câu chuyện tình của người da trắng với cô gái Nhật Bản da màu kia, không chỉ là cuộc va chạm Đông - Tây về văn hóa, mà điều độc đáo của Baricco là muốn nhấn mạnh chuyện tình của chính Joncour với người vợ Pháp Hélène của mình.
"Chỗ này mới cho thấy Alessandro Baricco độc đáo vô cùng, và vì vậy, cuộc gặp không chỉ ở chỗ phương Tây và Nhật Bản, không chỉ ở tình yêu của giấc mơ hương xa mà còn tình yêu của người vợ bên mình", diễn giả Nhật Chiêu kết luận trong tiếng vỗ tay của cử tọa - những người đã dành tình yêu cho cái đẹp văn chương.
TS Đào Lê Na giới thiệu đĩa Opera Madame Butterfly của Giacomo Puccini với nội dung là câu chuyện tương tự như Lụa của Alessandro Baricco
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận