05/11/2010 09:30 GMT+7

Lũ Phú Yên: do thủy điện bậc thang dày đặc sông Ba?

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện cuối cùng trên bậc thang sông Ba, những ngày qua bị không ít dư luận phản ứng vì cho rằng xả lũ thiếu phối hợp với kế hoạch của địa phương và xả với lưu lượng tăng dần khiến hàng loạt địa phương vùng hạ du ngập nặng.

X28CFjMi.jpgPhóng to
Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ - Ảnh: NGỌC CHUNG

Nhưng nếu đổ hết tội hoặc quy tội chính gây ngập nặng hạ du cho thủy điện Sông Ba Hạ là chưa thỏa đáng, bởi lẽ thủy điện ở thấp nhất của sông Ba này chỉ là kẻ “giơ đầu chịu báng”. Theo tôi, lỗi lớn nhất trong việc để hạ du sông Ba phải sống trong sợ hãi vào mùa mưa lũ vài năm gần đây là những người, những tổ chức quy hoạch cho xây dựng các thủy điện trên con sông này.

Trên hệ thống sông Ba, từ năm 2006 (đến nay vẫn chưa có quy hoạch khác thay thế), Bộ Công nghiệp trước kia (nay là Bộ Công thương) đã quy hoạch xây dựng chín thủy điện có công suất 12-240MW/thủy điện.

Đến nay đã có bốn dự án thủy điện hoàn thành, đi vào hoạt động là thủy điện Sông Hinh (công suất 70MW), Sông Ba Hạ (240MW), An Khê - Kanak (173MW) và thủy điện Krông H’Năng (66MW).

Theo quy hoạch, các thủy điện còn lại gồm Sông Ba Thượng, Dakrông, Ayun Thượng, Hchan, Hmun sẽ lần lượt được đầu tư để bổ sung lượng điện cho điện lưới quốc gia.

Hệ thống thủy điện dày đặc như vậy khiến một vùng rất rộng lớn rừng núi bạt ngàn của Tây nguyên dọc theo sông Ba đã bị lấy để làm hồ chứa cho các thủy điện.

Như Tuổi Trẻ sáng 3-11 nêu, để có 1MW điện phải lấy của rừng ít nhất 10 - 16ha rừng. Từ ngàn đời nay lũ tự nhiên đã có, nhưng chưa bao giờ hung hãn và dữ dội, đe dọa cuộc sống hàng chục triệu người dân hạ du như vài năm gần đây khi các dự án thủy điện đi vào hoạt động.

Sông miền Trung thường ngắn và dốc, do vậy lưu tốc rất lớn. Trước kia, nhờ có rừng ngăn, tốc độ lũ chậm hơn dù kéo dài. Còn giờ đây dòng chảy được “khơi thông” để nước đưa về các hồ chứa thủy điện nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất.

Và khi hồ chứa tràn thì dù có quy chế liên hồ hay quy định gì chăng nữa, ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn cho đập, bởi nếu vỡ đập thì tai họa rất khủng khiếp. Muốn vậy phải xả lũ. Hồ trên chỉ có cách xả lũ xuống hồ dưới, hồ dưới phải xả xuống hồ dưới nữa và hồ dưới cùng dội lũ xuống hạ du, nơi mà hàng triệu người dân cùng tài sản đang ở đó.

Thật kinh khủng khi chỉ trong một giây hàng vạn khối nước ào xuống hạ du. Cộng với thời điểm triều cường, thường xảy ra vào ban đêm, lũ không lớn, không nguy hiểm mới là chuyện lạ!

Thật oái oăm, xây dựng nhiều thủy điện để đảm bảo cấp điện phục vụ người dân thì thực tế cho thấy điện vẫn cứ thiếu và lũ lụt ngày càng nhiều, càng dữ tợn...

Phải chăng thực trạng này có sự góp phần của thủy điện xả lũ? Hiện nay, hễ nghe thông báo thủy điện xả lũ là bà con hạ du nơm nớp lo sợ, chuẩn bị sẵn sàng để chạy lụt, để dời tài sản đến nơi khác.

Phải chăng các nhà quy hoạch xây dựng hệ thống thủy điện dày đặc trên bậc thang của một con sông, ở đây là sông Ba, chỉ nghĩ đến chuyện sản xuất điện, còn những nguy hại cho hạ du không được tính đến hoặc chỉ tính qua loa?

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên