Học sinh Tắk Pổ tới lớp sau giờ ăn tối để xem tivi - Ảnh: B.D.
Trong hai ngày 16 và 17-9, đoàn công tác Hội cựu sinh viên Học viện Công nghệ AIT do ông Lê Thanh Hảo dẫn đầu cùng đại diện báo Tuổi Trẻ đã tới điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam để khảo sát, chuẩn bị xây dựng ngôi trường mới.
Điểm trường Tắk Pổ cũng đã mang một bộ mặt tươi vui hơn trước lễ khai giảng nhờ được các nhà hảo tâm giúp đỡ. Lớp học giờ đã có một chiếc tivi màn hình lớn, dàn pin năng lượng mặt trời đã được thay mới...
Nếu có đường thì không chỉ trường sẽ được đầu tư, xây mới mà người dân, thầy cô giáo sẽ không còn cảnh khổ cực, ở lại làng hàng tháng trời mới được xuống núi như bây giờ. Trên cơ sở ý tưởng về một điểm trường được xây dựng mới, địa phương rất ủng hộ, mong muốn được triển khai. Chính quyền sẽ hỗ trợ tối đa để ý tưởng sớm thành hiện thực.
Ông Hồ Quang Bửu
Trung thu đầu tiên đủ đầy
Cách trở lớn nhất là đường đến điểm trường quá khó khăn, không có đường cho xe máy vào, mà phải đi bộ theo dốc đứng khoảng 2 giờ. Cô Trà Thị Thu và cô Riah Uối cho biết từ đầu năm học tới nay hai cô vẫn chưa một lần được xuống núi bởi đường đi lại quá khó khăn, việc ổn định lớp, sĩ số cần có mặt của hai cô ngay cả thứ bảy, chủ nhật.
Từ thời điểm những hình ảnh khai giảng đầy giản dị tại Tắk Pổ được chuyển tải đến nay, hầu như ngày nào cũng có đoàn lên thăm hai cô trò. Trung thu vừa qua cũng là cái Tết thiếu nhi đầu tiên mà trẻ nhỏ ở nóc Tắk Pổ có đủ đầy kẹo bánh, quà và quần áo.
"Đoàn nào lên cũng cõng bánh kẹo, cá khô, quần áo... Các cháu ở đây chưa bao giờ được nhiều quà vậy" - cô Thu nói.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết ông rất xúc động trước những khó khăn mà hai cô Riah Uối và Trà Thị Thu đang phải trải qua để bám trường bám lớp.
Tắk Pổ chỉ là một trong nhiều điểm trường tách biệt của Trường bán trú tiểu học xã Trà Tập. Với nỗ lực của ngành giáo dục và chính quyền, các điểm trường tới nay không còn cảnh nền đất, lợp lá nữa mà được lát gạch, mái lợp tôn, có nhà ăn ở tại chỗ cho các giáo viên lên cắm nóc.
Học sinh Tắk Pổ tới lớp sau giờ ăn tối để xem tivi - Ảnh: B.D.
Một Tắk Pổ đã rất khác
Cô Trà Thị Thu cho biết một thầy giáo ở Trường ĐH Sư phạm Huế đã trực tiếp cõng lên tặng một tivi cùng bộ phát tín hiệu. Ban đêm, học sinh lại chạy tới điểm trường để cô giáo mở tivi xem các chương trình trước lúc vào giờ ôn bài.
Dàn pin năng lượng mặt trời cũng được một thầy giáo ở huyện Nam Trà My bỏ tiền ra thay mới, cõng lên lắp thay thế cho hệ thống cũ đã bị sét đánh hỏng.
Một chi tiết được cô Thu và cô Uối kể làm nhiều người rất xúc động, đó là bà con trong nóc Tắk Pổ đã bàn bạc nhau để tự nguyện góp gạo, trồng rau, kiếm củi nuôi hai cô giáo.
"Nóc Tắk Pổ có 35 hộ dân thì mỗi hộ 5 lon gạo một học kỳ, bà con bàn nhau rồi lần lượt bỏ bao mang xuống nói rằng cho hai cô để nấu cơm ăn, ở lại dạy chữ cho con cái của họ. Vì hai cô phải quản lũ trẻ con từ sáng tới tối nên bà con trong nóc cũng đi hái rau, kiếm củi về cho hai cô nấu nướng" - cô Thu nói.
Cô Trà Thị Thu cho biết một món quà rất bất ngờ mà cô và cô Riah Uối được nhận là sự quan tâm, chia sẻ và động viên rất lớn từ Sở GD-ĐT, các nhà giáo trên cả nước.
Ngày 15-9, PGS.TS Lưu Trang - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng - đã gửi thư khen, dành những lời động viên và chúc mừng tới hai cô giáo. Trong thư, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng nói những hình ảnh, sự cố gắng đó đã tô đẹp thêm cho hình ảnh nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là tại một điểm trường còn nhiều khó khăn, hoang sơ như Tắk Pổ.
Ông Trang cũng cho biết trước câu chuyện đẹp tại Tắk Pổ, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng sẽ dành tặng hai cô giáo hai suất học bổng học lên ĐH, mọi chi phí sẽ do trường đài thọ. "Đây như một món quà nhỏ của lòng mến mộ giữa đồng nghiệp là nhà giáo với nhau" - ông Trang nói.
"Cô Thu vừa học xong chương trình nâng cấp lên ĐH nhưng tôi thì mới trình độ trung cấp. Lâu nay một phần vì công việc ở trên núi, phần khác vì tiền lương đi dạy hợp đồng chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng nên tôi chưa có điều kiện học ĐH. Tôi rất vui khi được tặng suất học bổng này" - cô Uối nói và cho biết sẽ xin phép nhà trường để thu xếp làm thủ tục dự thi, đăng ký theo học.
Điểm trường giữa rừng cây mây trắng
Ngày 17-9, sau chuyến khảo sát tại Tắk Pổ, ông Lê Thanh Hảo và KTS Hồ Khuê - thành viên Hội cựu sinh viên Học viện Công nghệ AIT - cho biết đã bước đầu có những ý tưởng về một công trình tương lai cho Tắk Pổ.
"Bây giờ vẫn chưa thể nói được điều gì nhưng trên cơ sở thảo luận với trường, với lãnh đạo UBND huyện, anh em chúng tôi sẽ đưa ra những ý tưởng về một điểm nhấn công trình kiến trúc nằm hòa mình vào rừng cây và mây trắng tại Tắk Pổ.
Không bêtông hóa, không làm thay đổi hiện trạng đang rất lãng mạn ở điểm trường này. Nếu xây một điểm trường thì có thể làm được nhưng chúng tôi muốn làm nhiều hơn thế" - ông Lê Thanh Hảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận