23/11/2016 09:19 GMT+7

Lớp học 'nhà bà Mười' cho trẻ em xóm nhà lá

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Khoảng sân phía trước nhà bà Mười (P.An Phú, Q.2, TP.HCM) gần một năm qua trở thành lớp học của những đứa trẻ “xóm nhà lá”.

Bạn Trần Thị Nhung hướng dẫn các em trong lớp học tình thương P.An Phú, Q.2, TP.HCM - Ảnh: K.ANH
Bạn Trần Thị Nhung hướng dẫn các em trong lớp học tình thương P.An Phú, Q.2, TP.HCM - Ảnh: K.ANH

Là con của các gia đình từ miền Tây, đa số quê tại Cà Mau lên đây ở trọ trong các dãy nhà làm bằng lá dừa, kiếm sống bằng nghề phụ hồ, công nhân, buôn bán, ước mơ đến trường là điều gì đó rất xa vời với lũ trẻ.

“Cha nói không có hộ khẩu nên mình không được đi học. Mình rất thích đến trường, đông bạn bè, vui lắm. Ở quê mình đã học hết lớp 4 nhưng lên đây ba năm rồi mà chưa được đi học. Cũng may có thầy cô mở lớp tại xóm trọ, tụi mình mới được học tiếp. Mình ước mơ sẽ đi làm ở nhà máy, không phải đi phụ hồ như cha mẹ và anh trai” - bạn Lê Gia Kiệt, 14 tuổi nhưng mới học lớp 5, chia sẻ.

Đường dẫn vào xóm trọ là cây cầu bắc qua con rạch chênh vênh. Sống trong những căn phòng trọ bằng lá dừa xập xệ, cuộc sống của trẻ em nơi đây quanh quẩn vui chơi nơi con rạch đen ngòm. Rồi khi lớp học được mở ra, niềm vui sướng khó tả trên những gương mặt học trò.

Đoàn phường An Phú (Q.2) vận động có bàn học, đồng phục và sách vở, còn người đứng lớp là các bạn sinh viên nhiều trường đại học ở TP.HCM trong nhóm Nét bút yêu thương. Lớp học mỗi người một trình độ khác nhau, do vậy thầy cô “một kèm một”.

Trong lớp có bé Oanh thường xuyên la hét, ban đầu khiến các thầy cô lúng túng, dần dà các bạn tìm hiểu về tâm lý trẻ rồi tự chia sẻ nhau cách tiếp cận bé một cách nhẹ nhàng, khuyến khích bé học.

Các bạn sinh viên đứng lớp cũng có những hoàn cảnh chật vật. Như Trần Thị Nhung, sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế (quê Quảng Trị), cha mất sớm, mẹ phải bươn chải làm các loại bánh gạo để nuôi ba chị em.

Thuê nhà tận Q.6 để rẻ hơn khu trung tâm, mỗi ngày Nhung đạp xe đến trường. Khó khăn là thế nhưng cô bạn vẫn luôn có mặt tại lớp tình thương dù đường đi khá xa, phải di chuyển bằng xe buýt.

“Môi trường các em đang ở phức tạp lắm vì xung quanh là cảnh thanh niên tụ tập đánh bài, nhậu nhẹt. Sợ các em bị ảnh hưởng nên tụi mình thường xuyên tổ chức hoạt động để các em vui chơi, tránh xa những điều xấu” - Nhung bộc bạch.

Ban đầu lớp có gần 20 học sinh, giờ đây chỉ còn 5 vì cha mẹ chuyển đi nơi khác, con chữ long đong theo con đường mưu sinh của cha mẹ.

Anh Trần Khánh Tây, bí thư Đoàn phường An Phú, Q.2 (TP.HCM), cho biết: “Thấy các em nhỏ không được đến lớp, Đoàn phường cùng các sinh viên tình nguyện lập ra lớp học tình thương này.

Sắp tới chúng tôi sẽ tìm cách cho các em được thi chương trình phổ thông thường xuyên để được xét học bạ, nếu sau này các em có đi nơi khác mưu sinh cùng cha mẹ vẫn có thể tiếp tục học ở các cơ sở giáo dục khác”.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên