01/05/2019 13:51 GMT+7

Lớp học đặc biệt của công nhân

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Lớp học nằm trong trụ sở Liên đoàn Lao động TP.HCM, với những sinh viên đặc biệt là người lao động đang làm việc tại những nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố.

Lớp học đặc biệt của công nhân - Ảnh 1.

Tiến sĩ Đoàn Thanh Hải - giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM - đang hướng dẫn cho các sinh viên tại lớp học đặc biệt - Ảnh: VŨ THỦY

Tôi luôn suy nghĩ chỉ tiếp tục học thì mới có thêm cơ hội trong công việc. Bởi với tấm bằng cấp III sẽ rất khó lên được những vị trí của team lead - trưởng nhóm hay quản lý.

Anh Nguyễn Thanh Phúc

25 sinh viên của lớp cũng là lứa sinh viên đầu tiên của mô hình ĐH hệ vừa làm vừa học dành cho công nhân đang sản xuất trực tiếp, do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM liên kết với Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức.

Học để tìm cơ hội mới trong công việc

Từ cuối năm 2017 đến nay, sau giờ làm việc, cánh cổng trụ sở Liên đoàn Lao động TP ở địa chỉ 14 Cách Mạng Tháng Tám (Q.1, TP.HCM) vẫn mở để đón các anh chị công nhân từ các quận huyện Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn... đến học tập. 

Ban ngày, họ là những người lao động làm việc tại nhiều đơn vị khác nhau; buổi tối, trong màu áo công nhân, họ trở thành những sinh viên chăm chỉ thuộc ngành quản trị kinh doanh - hệ vừa làm vừa học của ĐH Kinh tế TP.HCM.

Môn học hôm nay của lớp là môn phân tích định lượng trong kinh doanh do tiến sĩ Đoàn Thanh Hải - giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - đứng lớp. Trên bục giảng, thầy hướng dẫn cặn kẽ qua màn hình máy chiếu cách xây dựng một hàm mục tiêu phục vụ nghiên cứu thị trường. Dưới lớp, hơn 20 anh chị sinh viên đủ mọi lứa tuổi, chia thành các nhóm dùng chung laptop làm theo hướng dẫn của thầy.

Ngồi đầu bàn, anh Nguyễn Thanh Phúc (26 tuổi) - công nhân kỹ thuật Công ty Jabil, Khu công nghệ cao TP.HCM, và anh Nguyễn Chánh Tuấn (26 tuổi) - Công ty Sonion cũng ở Khu công nghệ cao, đã nhanh chóng hoàn thành bài tập. 

Tuần ba buổi, sau giờ làm ở nhà máy, Phúc và Tuấn chạy từ Q.9 lên Q.1 để kịp vào học lúc 18h. "Lúc trước, vì hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ học xong cấp III rồi vừa đi làm công nhân vừa học trung cấp, nhưng sau đó cũng bỏ dở vì nhiều cái khó. 

Tôi luôn suy nghĩ chỉ có tiếp tục học mới có thêm cơ hội trong công việc. Bởi với tấm bằng cấp III sẽ rất khó lên được những vị trí của team lead - trưởng nhóm hay quản lý..." - anh Phúc chia sẻ. 

Anh không ngần ngại nộp hồ sơ xét tuyển khi biết ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh hệ vừa làm vừa học dành riêng cho công nhân và rồi sau bảy năm rời giảng đường, Phúc quay lại con đường học hành.

Công việc tuy vất vả, anh cũng có nhiều thuận lợi hơn so với nhiều bạn công nhân khác trong lớp, vì công ty cho chọn lựa tăng ca hoặc không. 

Trong khi đó, Chánh Tuấn hiện làm ở đội sản xuất nên bắt buộc phải theo ca và thường xuyên phải tăng ca. Bình thường anh làm ca 8 tiếng từ 6h đến 14h, nhưng nếu tăng ca sẽ phải làm tiếp tới 18h tối. Như vậy, anh không thể đến lớp. 

"Do tính chất công việc, nếu công ty yêu cầu tăng ca đột xuất, tôi gọi điện báo lớp trưởng và đành nhờ ghi âm giúp để về nghe lại. Nhiều khi mệt nhoài nhưng phải cố gắng thôi. 

Tôi muốn học để sau này có bằng cấp chuyên môn, có thể lên được quản lý sản xuất. Còn nếu công việc như thế này mãi, không biết đủ sức làm đến bao lâu, nhất là khi đã lập gia đình, có con cái" - anh chia sẻ.

Sinh viên tuổi 50

Trong lớp học đặc biệt này, ngoài những công nhân trẻ, có cả sinh viên đã ở tuổi U60. Với họ, đây là cơ hội để thực hiện mơ ước mà ở tuổi thanh xuân vì cuộc sống khốn khó nên đành dang dở chuyện học hành. 

"Năm nay tôi 48 tuổi, học xong thì khoảng 50 tuổi, vẫn còn 10 năm làm việc nữa mới đến tuổi hưu. Những gì học được vẫn áp dụng cho công việc được" - anh Lê Minh Hồ, quản trị trang thiết bị tại Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, nói về lý do anh đang cố gắng theo hết 3,5 năm của hệ đào tạo.

Sĩ số ban đầu của lớp khi mới nhập học là 60 nhưng nay chỉ còn 25 người vẫn kiên trì đeo bám khi bước sang năm thứ hai, trong đó có anh Hồ. Suốt một năm rưỡi qua, tuần ba buổi anh chạy xe máy khoảng tiếng rưỡi từ công ty tới lớp. 

"Tôi học cao đẳng xong cách đây gần 30 năm, kiến thức bỏ đã lâu. Chương trình ĐH lại nặng nề nên phải cố gắng hết sức. Các thầy cô đều hiểu, họ cũng đi chậm và kỹ hơn để mình theo" - anh Hồ chia sẻ.

Anh kể rằng các con anh, đứa đang học năm 2 ĐH, đứa đang học lớp 11, thấy ba đi học cũng rất bất ngờ. "Đứa lớn nói với mẹ nó rằng ba lớn tuổi vậy mà theo học ĐH được thì cũng siêu thật. Thiệt lòng, tôi muốn mình là tấm gương để con cái luôn học tập không ngừng" - anh Hồ bộc bạch.

Ngoài các con, động lực để anh đeo bám lớp còn do một người bạn học đang ở tuổi 52 - anh Nguyễn Anh Vũ, phân xưởng đóng gói thành phẩm Xí nghiệp in Tài chính (TP.HCM). 

"Tôi xác định học là để biết trước đã. Hồi trẻ, con đường học vấn không suôn sẻ, giờ có cơ hội thì phải đeo tới cùng. Mình học không thể nào bằng mấy em trẻ, không biết có hoàn thành đúng thời gian không nhưng sẽ cố gắng. Chẳng hạn như nếu các em học 3 năm rưỡi thì mình học 4 năm, 4 năm rưỡi" - anh Vũ nói đầy quyết tâm.

Mang đại học đến gần công nhân

Ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho biết chương trình đào tạo ĐH hệ vừa làm vừa học do Liên đoàn Lao động TP.HCM phối hợp với ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh khóa đầu tiên vào tháng 8-2017. Đến nay chương trình đã tuyển sinh khóa thứ hai vào tháng 8-2018.

Người lao động sẽ nộp học bạ để xét tuyển, đồng thời hưởng các ưu đãi về học phí từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và được hỗ trợ vay đóng học phí từ quỹ CEP - tổ chức tài chính vi mô cho người lao động nghèo tự tạo việc làm.

Theo ông Trung, do số lượng còn hạn chế nên trường mới chỉ tổ chức tuyển sinh hai ngành kế toán và quản trị kinh doanh, cơ sở học tại trụ sở Liên đoàn Lao động TP. Tuy nhiên, nếu số lượng tuyển sinh ở các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều hơn, có thể bố trí

địa điểm học gần kề với nơi làm việc để chương trình thực hiện đúng tầm nhìn "mang đại học đến gần công nhân".

"Với công nhân, vừa làm vừa học là một hành trình rất gian nan, vì thế họ vẫn còn e dè. Chúng tôi đang chờ kết quả của khóa đầu tiên, làm tiền đề quảng bá mô hình học tập này đến đông đảo công nhân lao động, tạo điều kiện cho họ nâng cao trình độ, có cơ hội việc làm tốt hơn, nhất là trong tình hình mới với sự phát triển của cách mạng công nghệ" - ông Trung nói.

Sắm tết ở Sắm tết ở 'siêu thị' công nhân

TTO - Những ngày cận tết, khu chợ đêm nằm cạnh những khu chế xuất lớn với vô vàn mặt hàng thời trang theo mức giá 'tìm được chỗ bán rẻ hơn trả lại tiền' nườm nượp công nhân mua sắm.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên