Bị cáo trạc 48 tuổi, bị TAND tỉnh Hậu Giang đưa ra xử về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo ngồi cúi đầu suốt phiên xử, mặt tái xanh.
Các bị hại ngồi kín phòng xử. Đa số họ là nông dân, có người đến tòa với bộ quần áo cũ kỹ nhăn nhúm, bạc màu, khuôn mặt ủ dột. Ai cũng lo âu bởi số phận đồng tiền chắt chiu đưa cho bị cáo vay có thể tan thành mây khói.
"Cô giáo không lẽ nói dối"
Trước tòa, bị cáo bào chữa rằng thời điểm đó chồng đang thất nghiệp, một mình bị cáo xoay xở không nổi nên mới vay tiền, định cho qua cơn thắt ngặt rồi sẽ trả tiền gốc, không vay thêm nữa. Nhưng để có tiền đóng lãi thì bị cáo phải tiếp tục vay thêm nhiều người khác.
Cứ vậy, lấy cái mới trả cái cũ khiến tiền nợ ngày càng chồng chất đến mức hết khả năng chi trả. Bị cáo còn nói trong thâm tâm mình không muốn giật của ai hết.
Tuy nhiên, khi hội đồng xét xử yêu cầu đưa chứng từ, giấy tờ chứng minh bị cáo dùng tiền chiếm đoạt của các bị hại để chi vào việc trả nợ, đóng lãi xoay vòng thì bị cáo không chứng minh được.
Hội đồng xét xử: "Nếu ai gặp khó khăn đều tìm cách vay rồi chiếm đoạt của người khác như bị cáo, xã hội sẽ ra sao?". Im lặng.
Các bị hại rất bức xúc, họ ngồi nhấp nhỏm, hết người này đến người khác giơ tay phát biểu ý kiến.
Một bị hại trình bày: "Bị cáo có ý chiếm đoạt tiền ngay từ đầu, chứ không phải chỉ có ý định vượt qua cơn khó khăn rồi trả lại. Lúc vay tiền, bị cáo nói là vay giùm cho các thầy cô trong trường đáo hạn ngân hàng. Ai cũng tưởng thiệt bởi nghĩ bị cáo là cô giáo, không lẽ nói dối.
Tin bị cáo, chúng tôi mới cho vay để kiếm thêm tiền lãi. Chứ nếu biết bị cáo vay rất nhiều người và vay để tiêu xài cá nhân, tôi không đời nào cho vay".
Một bị hại khác: "Ai cũng khó khăn cả, nhưng bị cáo có đồng lương căn bản, còn chúng tôi thu nhập bấp bênh theo mùa vụ. Vậy mà đành đoạn gạt lấy tiền chúng tôi. Mong tòa yêu cầu bị cáo trả lại tiền, đồng thời xử mức án thật nặng".
Khi nói lời bào chữa cho mình, bị cáo run giọng: "Xin tòa giảm án cho bị cáo để bị cáo đi làm trả nợ cho mọi người. Giờ bị cáo rất hối hận".
Lời bào chữa ấy càng khiến nhiều bị hại bức xúc, có người đứng lên: "Thật ra bị cáo chiếm đoạt không chỉ trên 2,3 tỉ đồng, mà đến khoảng 5 tỉ đồng lận. Nhưng do một số người khi cho bị cáo vay không làm giấy tờ, hoặc có người ngại phiền phức không muốn ra tòa nên không tố cáo.
Có nhiều người cho vay đêm trước, sáng hôm sau bị cáo tuyên bố vỡ nợ. Không lý nào chỉ một đêm mà xài hết số tiền lớn như vậy. Rõ ràng bị cáo chấp nhận ở tù để lấy tiền của tụi tôi.
Lúc bị cáo tuyên bố vỡ nợ, tụi tôi yêu cầu trả lại tiền, trả phần nào cũng được nhưng bị cáo nói là để ra tòa sẽ trả nợ. Giờ bị cáo xin giảm nhẹ để sớm ra làm trả nợ. Trả nợ bằng cách nào đây?".
Trên vành móng ngựa, bị cáo cúi đầu sâu hơn.
Bia miệng
Giờ nghị án, một số bị hại hướng về bị cáo buông lời nặng nhẹ: "Đồng tiền mồ hôi nước mắt của người ta mà giật đành đoạn". "Giật tiền người ta kiếp này không trả, kiếp sau cũng phải trả".
Có bị hại quá bức xúc sấn lại đòi bị cáo phải trả tiền, khiến cảnh sát bảo vệ phải can thiệp.
Bị cáo phải ngồi xoay lưng về phía bị hại để tránh những ánh mắt như có lửa đang bắn về phía mình. Suốt phiên tòa, bị cáo phải gồng mình khổ sở để chống chọi, hứng chịu những tiếng bình phẩm của mọi người.
Thỉnh thoảng có những tiếng: "Ồ, giáo viên mà lại đi lừa đảo", những lời bình phẩm của người xem: "Trời, lừa không tha ai cả, kể cả đứa trẻ giăng câu...". Lúc đó, bị cáo mệt nhọc đứng dựa vào vành móng ngựa, tìm cách lấy lại nhịp thở khiến mồ hôi túa ra như tắm.
Tòa tuyên 15 năm tù, bị cáo lảo đảo, té xuống rồi ôm mặt khóc rưng rức. Nhìn cảnh ấy, có người nói: "Tại sao khi làm không nghĩ tới hậu quả". "Ở tù còn đỡ chứ ở ngoài thiên hạ đánh chết".
Sức nặng của bia miệng cộng thêm mức án tù làm bị cáo bước đi không nổi, cảnh sát bảo vệ phải dìu xuống từng bậc tam cấp. Cánh cửa xe tù đóng lại, xe nổ máy.
Vừa lúc đó, người thân và con trai 12 tuổi của bị cáo chạy đến, đứa bé quýnh quáng, hốt hoảng, nhìn vô khe cửa, thảng thốt gọi mẹ nhưng xe tù lao đi, đứa trẻ vừa khóc vừa thất thểu đi về.
Nhìn cảnh ấy nhiều người thở dài, tiếc cho bị cáo hơn 20 năm đứng trên bục giảng, nhận kỷ niệm chương của ngành giáo dục và nhiều danh hiệu khác, nhưng khi tuổi sắp đến hưu, tâm bất chính, lòng tham cầu nổi dậy đốt sạch cả danh dự, đẩy mình vào chốn lao lung.
Chiếm đoạt tiền, vàng của 34 bị hại
Theo cáo trạng, Võ Thị Tuyết Lệ là giáo viên một trường tiểu học. Năm 2013, bà Lệ bắt đầu vay tiền của nhiều người để chi tiêu cho sinh hoạt gia đình và tiêu xài cá nhân.
Đến năm 2014, không còn khả năng đóng lãi cho các chủ nợ nên bị cáo nói dối với nhiều người là "vay tiền để cho người khác vay lại nhằm hưởng lãi suất chênh lệch", hoặc "cho người khác vay để đáo hạn ngân hàng và sẽ hoàn trả cả tiền lãi và gốc trong thời gian từ 10 ngày đến 1 tháng".
Bằng thủ đoạn này, từ năm 2014-2015 bị cáo chiếm đoạt của 34 bị hại trên 2,3 tỉ đồng và 12,1 lượng vàng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận