06/04/2016 09:06 GMT+7

Long An từ chối đắp đập ngăn mặn giúp Tiền Giang: chỉ là hiểu nhầm

V.TR.- SƠN LÂM
V.TR.- SƠN LÂM

TTO - Ngày 6-4, ông Nguyễn Văn Được - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - nói đã có sự hiểu nhầm trong quá trình trao đổi thông tin giữa Sở NN&PTNT tỉnh Long An và Tiền Giang về việc đắp đập ngăn mặn.

Điểm đầu rạch Hai Mang ở xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Điểm đầu rạch Hai Mang ở xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An -  Ảnh: V.Tr.

 

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An có ý kiến chậm đắp đập một vài ngày để theo dõi độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây sau khi có thông tin Trung Quốc xả đập đưa nước về Việt Nam. Nếu độ mặn giảm xuống thì khỏi đắp để tránh lãng phí, còn nếu độ mặn vẫn tăng thì mới đắp.

“Long An chậm đắp để theo dõi độ mặn chứ không phải không đắp” - ông Được khẳng định.

Ông Được cũng cho biết ngay đầu giờ sáng 6-4 ông đã chỉ đạo hoàn chỉnh tờ trình về việc đắp đặp ngăn mặn trên 5 con rạch ở huyện Thạnh Hóa theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang để trưa báo cáo xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Long An.

Theo đó UBND tỉnh sẽ đề nghị cho đắp đập ngay vì hiện nay độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây vẫn không giảm.

Ông Lê Tấn Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng khẳng định không hề có chuyện Long An từ chối đắp các con rạch để giúp Tiền Giang ngăn mặn từ phía sông Vàm Cỏ Tây.

“Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, lượng nước ngọt đang có xu hướng theo dòng Vàm Cỏ Tây tràn xuống lại, nên Long An vẫn đang cân nhắc xem thử việc đắp đập là có nên hay không”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, việc đắp đập trên nếu có cũng là vì cái chung của cả đồng bằng, tỉnh Long An cũng không hề có trả lời chính thức nào với Tiền Giang rằng sẽ không đắp đập cả. 

Ông Lê Văn Hưởng - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết tối 5-4 ông đã trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh về thông tin Long An không đắp đập mà Tiền Giang đề nghị từ ngày 21-3.

Sáng 6-4 một đoàn công tác của tỉnh đã có mặt tại hiện trường gần 5 con rạch ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An dẫn vào vùng dự án Bảo Định khảo sát, xác định địa điểm để tiến hành đắp đập trên địa bàn Tiền Giang.

Theo ông Hưởng, đây là việc hết sức cấp bách vì nếu chậm thì nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây tràn về sẽ gây thiệt hại 16.000ha khóm và nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến nguồn nước mà tỉnh Tiền Giang đang chắt chiu giữ gìn để cấp cho các nhà máy nước phục vụ hơn 1 triệu dân mỗi ngày.

V.TR.- SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên