08/09/2022 10:07 GMT+7

Lớn lên từ hơi ấm của ngoại

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Nhà nghèo đến nỗi hễ bữa ăn nào mâm cơm có thêm thịt bò hay con tôm, con cua, Dương Ngọc Châu lại nghĩ chắc ngoại... trúng số nên mới được ăn ngon vậy!

Lớn lên từ hơi ấm của ngoại - Ảnh 1.

Tranh thủ chưa lên TP.HCM nhập học, Ngọc Châu cùng ngoại đan giỏ lục bình để kiếm tiền đóng học phí - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cô bé nghèo cả tình thương của cha, thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ ấy chưa bao giờ để vuột mất danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm đến trường. Đặc biệt, cô học trò xứ dừa Bến Tre còn độc chiếm luôn vị trí nhất lớp từ năm lớp 6 đến ngày tốt nghiệp THPT.

Ngoại cũng là mẹ

Những ngày cuối tháng 8, trong một con hẻm sâu lọt giữa những vạt dừa ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), bà Bùi Thị Nuôi (54 tuổi) rầu rĩ hết đứng lại ngồi. Thỉnh thoảng, bà ngước mặt lên để cố ngăn giọt nước mắt chực trào. Bà đang đứng giữa hai lựa chọn: bán những thứ quý giá còn lại trong nhà có thể bán để đứa cháu ngoại lên thành phố nhập học hoặc con bé phải nghỉ học. 

"Con bé học giỏi quá, nghỉ thì tiếc mà giờ thiệt bụng là không biết xoay đâu ra tiền cho nó đóng nhập học", bà Nuôi nghèn nghẹn.

Là bà ngoại nhưng bà Nuôi cũng chẳng khác gì mẹ của Dương Ngọc Châu. Từ lúc Châu lọt lòng, cha bỏ đi nơi khác sống, mẹ cũng lo đi làm ăn xa nên cô bé sống với ngoại đến tận bây giờ. 

Mà không chỉ có Châu, một nách ngoại còn cắp thêm ba đứa cháu khác đều là em ruột của Châu đang chụm đầu chơi ngoài kia. Một đứa cùng cha, hai đứa còn lại khác cha với Châu. 

Bà Nuôi nói thương chúng đều nhau nhưng Châu lớn nhất, cũng là đứa chịu thiệt thòi nhất.

Hồi bé Châu 5 tuổi, cha mẹ có quay lại với nhau và dọn về bên nội sống nhưng Châu đòi ở lại với bà ngoại vì bà cháu đã quen hơi, không nỡ rời xa. Ba công vườn trong nhà, bà Nuôi chia năm xẻ bảy sau mỗi lần dựng vợ gả chồng cho các con. Giờ mảnh vườn phần bà cũng chỉ đủ cất căn nhà che mưa nắng, trồng vài chục gốc dừa để có tiền chợ qua ngày.

Nhưng dừa rớt giá, rồi bị nước mặn xâm nhập khiến dừa treo đọt, thu nhập càng bấp bênh. Bà nhận giỏ lục bình về đan kiếm tiền mua gạo. Mỗi khi cần chi tiền học cho Châu, bà ngoại lại chạy đôn chạy đáo vay đầu này, đắp đầu kia. Bù lại, mỗi lần nghe cô giáo thông báo kết quả học tập của cháu, bà lại có thêm động lực để cố thêm chút nữa.

Bà kể hôm cô giáo báo cháu ngoại đạt loại giỏi, vui quá bà ghé chợ mua vài lạng thịt bò về tẩm bổ cho cháu. Đến giờ ăn, Châu đi theo gạ hỏi tới lui có phải ngoại mới trúng số không chứ tiền đâu mua thịt bò ăn. 

"Nào giờ có mua số đâu mà trúng. Tui cười cho qua chuyện nhưng thương cháu rớt nước mắt, nhỏ lớn không mấy khi được bữa ăn ngon nên hễ mua thứ gì ngon về tẩm bổ nó lại nghĩ tui trúng số", bà Nuôi gạt nước mắt.

Đan giỏ lục bình để đi học

Tranh thủ những ngày còn ở quê, Châu không lúc nào ngơi nghỉ. Phụ dọn dẹp công việc nhà xong lại ngồi cạnh ngoại đan giỏ lục bình. Đó cũng là công việc mang lại thu nhập chính của hai bà cháu, để có đồng ra đồng vào và lo chuyện học hành. Tiền công đan mỗi giỏ lục bình khoảng 5.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có hàng để làm. 

"Mỗi lần có hàng, hai bà cháu tranh thủ đan nhanh nhất có thể, làm vậy khi có hàng mới họ còn cho lãnh làm tiếp", Châu khoe.

Trên lớp, Châu chú ý nghe giảng kỹ, cố gắng làm hết các bài tập. Khi về nhà bạn chỉ cần ôn lại và tìm hiểu thêm tư liệu bên ngoài. Môn nào hơi khó sẽ đăng ký học thêm để nắm vững kiến thức. Ấy cũng là cách Châu duy trì kết quả 12 năm học sinh giỏi của mình. Châu được ưu tiên đi học thêm vì lớn nhất và cũng để về kèm lại cho các em.

Hôm nhận kết quả đậu vào Trường đại học Tài chính - Marketing, tâm trạng cô bé rối bời. Châu biết chắc ngoại hết khả năng lo cho mình. Ba mẹ cũng mỗi người một nơi, lo cho mấy đứa em còn chưa đủ, lấy gì đến phần Châu! Vừa nói chuyện, đôi tay Châu vừa thoăn thoắt đan giỏ, cố làm nhanh hơn, kiếm thêm chút nào hay chút đó với hy vọng đủ tiền đóng khi nhập trường.

"Ngoại lấy đâu ra số tiền lớn ngay đầu năm học nên em sẽ cố gắng làm, gom góp để đủ tiền nhập học trước đã. Khi vào học rồi, em sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải cho những năm tiếp theo", Châu bộc bạch.

"Cô lớp trưởng hét ra lửa"

Cô Nguyễn Thị Búp - giáo viên chủ nhiệm của Châu - nói nhìn dáng người nhỏ nhắn vậy thôi chứ ở trường con bé "hét ra lửa" đó! Nhắc đến Châu, hầu hết thầy cô trong trường đều biết vì thành tích học tập của em rất nổi trội. Năm nào cũng đạt học sinh giỏi, lớp 12 bạn đạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh môn văn.

"Ngọc Châu hiền lành nhưng rất nghiêm khắc. Bạn bè cũng kiêng nể cô lớp trưởng này nên mỗi khi phổ biến điều gì, các bạn đều răm rắp nghe theo", cô Búp nói.

Tuổi Trẻ đang tiếp nhận đăng ký học bổng

Mùa học bổng Tiếp sức đến trường thứ 20, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn cả nước tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng.

Chương trình đang tiếp nhận đăng ký của tân sinh viên và người giới thiệu. Vui lòng truy cập địa chỉ: https://tiepsuc.tuoitre.vn, làm theo hướng dẫn để đăng ký.

Năm 2022 còn có năm suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập và 1.500 ba lô tặng sinh viên (230 triệu đồng)...

Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Q.L.

Lớn lên từ hơi ấm của ngoại - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Lớn lên từ hơi ấm của ngoại - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cô học sinh nghèo đạt 28,75 điểm vẫn tiếc nuối vì... sơ suất Cô học sinh nghèo đạt 28,75 điểm vẫn tiếc nuối vì... sơ suất

TTO - Thúy tâm sự, em luôn cố gắng để học tập tốt, mai này có cơ hội giúp bố mẹ thoát nghèo. Quá trình học phải "liệu cơm gắp mắm", chủ yếu tự bản thân học, ôn, ít đi học thêm ngoài.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên