Từ trái qua: nhà thơ Chinh Ba, các nghệ sĩ Phan Thái Bình, Sùng A Lùng và Phan Tiểu Ly trong vở múa Ru đêm - Ảnh: Gia Tiến |
Tối 17-6, vở múa đương đại Ru đêm do bộ đôi biên đạo Phúc Hải - Phúc Hùng kết hợp cùng biên đạo trẻ Sùng A Lùng đã chính thức ra mắt khán giả tại Nhà hát TP.HCM.
Một vở múa có quá nhiều thách thức và chờ đợi, bởi đây có lẽ là lần đầu tiên tự sự của một người đồng tính được diễn đạt tuyệt vời thông qua ngôn ngữ đa chiều của nghệ thuật múa.
Khán giả đã quen, đôi khi đã nhàm với sự xuất hiện của những nghệ sĩ giới tính thứ 3 trên sân khấu kịch, trong phim ảnh, nhiếp ảnh, hội họa…
Nhưng câu chuyện có thật của Sùng A Lùng - một nghệ sĩ múa trẻ thuộc giới tính thứ ba đã được kể lại, khắc họa một cách sinh động về những dằn vặt, khao khát, nỗi buồn, sự cô đơn của một chàng trai trẻ.
Sùng A Lùng xuất hiện ngay ở phần mở đầu, cất cao giọng hát lảnh lót, cậu hát bằng tiếng Mông - tiếng mẹ đẻ của mình - thật say mê.
Trong buổi tập trước khi vở diễn ra mắt, hỏi Lùng bài hát ấy có nghĩa là gì, cậu trai trẻ đáp: “Đây vốn là một bài dân ca của người Mông, em được bố dạy cho từ ngày nhỏ.
Lời bài hát là câu chuyện của một người con trai vùng cao, khi anh bước ra khỏi nhà, người bố hỏi: anh có trở lại không? Anh đáp là không, một khi anh đã chọn con đường này, anh không muốn quay lại nữa…”.
Đó có thể cũng là lựa chọn của Sùng A Lùng để tồn tại trong nghệ thuật múa đương đại vốn đầy khó khăn.
Lùng nảy ra ý tưởng kịch bản cho Ru đêm vào những đêm muộn khi trở về nhà sau những suất múa.
Đối diện một mình với căn phòng, mình thấy buồn lắm. Lúc đấy bản năng đàn bà trong lòng trỗi dậy, đôi khi là tự hỏi cảm giác mang nặng đẻ đau nó như thế nào, cảm giác mặc một bộ váy đẹp nó ra sao… Tất cả sự cô độc đó, tôi mang vào trong Ru đêm bằng ngôn ngữ đương đại của múa... |
Sùng A Lùng lặng lẽ kể |
Ru đêm là vở múa có tạo hình nghệ thuật duy mỹ, các nghệ sĩ Thái Bình, Tiểu Ly, Sùng A Lùng đã đưa người xem đi từ sự hứng khởi đến hụt hẫng, thậm chí đau đớn tột cùng khi mỗi người trong số họ phải đấu tranh với những cá thể khác nhau tồn tại trong chính mình.
Đặc biệt sự xuất hiện của nhà thơ trẻ Chinh Ba khiến người xem khá bất ngờ bởi không chỉ làm tăng phần kịch tính của tiết tấu vở bằng những đoạn đọc thơ đi kèm mà anh còn trở thành một phần, một nhân vật của vở múa lần này.
Sự lắng đọng mà Ru đêm có được, ngoài lửa nhiệt huyết của những nghệ sĩ trẻ rất cần phải kể đến bàn tày nhào nặn phía sau của bộ đôi biên đạo Phúc Hải - Phúc Hùng.
Hai anh em biên đạo múa tài năng đã được nhiều khán giả biết tới qua các tác phẩm múa đương đại thành công như Những mảnh ghép của giấc mơ, Chạm tay vào quá khứ, Đánh mất và tìm lại, Vọng phu biển, Đi qua tình yêu… bằng sự trải nghiệm sâu sắc của mình đã biến Ru đêm từ tâm sự cá nhân của Sùng A Lùng trở thành câu chuyện của sự sẻ chia.
Ở đó, ai cũng có thể soi bóng để thấy chính mình. Và ở đó, sự cô đơn không còn đáng sợ bởi người ta được là chính mình.
Cùng xem một số hình ảnh trong vở múa Ru đêm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận