18/09/2014 17:51 GMT+7

Lối thoát hiểm là cửa ra vào: khó thoát nếu cháy

ĐỨC THANH
ĐỨC THANH

TTO - Đa số nhà dân ở TP.HCM chỉ bố trí duy nhất một lối thoát hiểm cũng chính là cửa ra vào của căn nhà, nếu xảy ra cháy rất khó thoát ra ngoài.

Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM - Ảnh: Đức Thanh

Đó là ý kiến của Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

 

* Vậy người dân TP.HCM cần phải làm gì khi nhà của họ chỉ có một lối thoát duy nhất, thưa ông ?

- Đại tá Lê Tấn Bửu: Có thể do diện tích sử dụng để xây nhà ở TP.HCM còn chật hẹp, nhiều nhà dân thường xây xát vách, nối đuôi nên nhà ở TP thường không có cửa sau, cửa hông… để thoát hiểm.

Đã vậy nhiều hộ kinh doanh thường sử dụng mặt bằng căn nhà là phần diện tích nằm sát cửa chính, đồng thời là lối thoát hiểm duy nhất để chứa hàng hóa, để kinh doanh, buôn bán…

Vì vậy khi xảy ra cháy người trong nhà rất khó thoát hiểm nếu không tính toán trước một phương án thoát hiểm đề phòng khi xảy ra sự cố, có cháy…

Cách tốt nhất để thoát hiểm khi xảy ra cháy là chủ nhà cần phải có phương án thoát hiểm trước khi xảy ra cháy cho mọi người trong nhà.

Trong đó phương án tốt nhất là tạo ra một lối thoát hiểm phụ như cửa sau, cửa hông hoặc nếu là nhà cao tầng thì có thể tìm một lối thoát hiểm trên sân thượng như trèo qua ban công nhà lân cận...

Phương án thoát hiểm cho căn nhà chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất, là chủ nhà phải trang bị các dụng cụ phá tường, cắt rào sắt… như búa, vật nặng, kéo cắt lưới sắt, thang dây… để khi xảy ra cháy, có thể dùng các vật nặng phá tường tạo khoảng trống để thoát thân hoặc dùng thang dây thoát qua nhà kế bên.

* Để phòng ngừa hỏa hoạn thì người dân cần làm gì?

- Đại tá Lê Tấn Bửu: Cách phòng ngừa cháy hữu hiệu là chủ nhà nên không nên để các vật liệu, hóa chất, hàng hóa… dễ cháy trong nhà, đặc biệt không để ở những khu vực dự định sẽ sử dụng để thoát hiểm khi có cháy.

Khi xây nhà, chủ nhà nên bố trí thêm các lối thoát hiểm bên hông hoặc phía sau nhà. Không để những vật liệu dễ bắt lửa gần những nơi cố ổ điện, bếp gas…

Ngoài ra, chủ nhà phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình như ổ cắm, quạt, đèn bàn thờ…

* Khi xảy ra cháy, người dân cần làm gì để thoát hiểm?

- Đại tá Lê Tấn Bửu: Khi có cháy những người trong nhà cần giữ bình tĩnh để tìm cách thoát ra ngoài.

Đặc điểm khi cháy là khói sẽ lan tỏa lên cao, những người kẹt trong nhà cần cúi thấp người xuống gần sàn, làm như vậy người dân sẽ đỡ bị ngạt khói hoặc hít phải khí độc…

Đồng thời sử dụng khăn tay, chăn màn… có thấm nước quấn kín người tìm lối thoát hiểm để thoát ra ngoài.

Khi có cháy, tuyệt đối không sử dụng thang máy làm lối thoát hiểm, vì khi vừa xảy ra cháy thang vẫn còn điện để hoạt động, nhưng khi phát hiện có cháy, nhân viên điện lực có thể sẽ cắt điện của tòa nhà, cả khu vực… để phục vụ công tác chữa cháy nên bạn có thể bị kẹt lại trong thang máy.

Để thoát hiểm người trong nhà nên tìm các lối thoát hiểm là cầu thang bộ hoặc lối thoát hiểm có gắn đèn báo “Exit” (lối thoát hiểm – PV) gần nhất để thoát ra ngoài.

Nếu không tìm được lối thoát, người trong nhà nên trèo ra ban công, cửa sổ… tìm lối thoát hoặc tri hô để lực lượng cứu hộ phát hiện.

ĐỨC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên