20/12/2013 07:15 GMT+7

"Lời tạ lỗi trước anh linh liệt sĩ"

LÊ KIÊN - HÀ ĐỒNG
LÊ KIÊN - HÀ ĐỒNG

TT - “Các con ra Hà Nội mà gặp được bác đại tướng Phùng Quang Thanh thì nói bà cảm ơn nhiều lắm. Cả hai ông đại biểu Quốc hội đã về đây họp dân, tìm nhân chứng, bà cũng cảm ơn nhiều lắm.

Các ông ấy đã đòi lại danh dự liệt sĩ cho em bà, bà không phải đi kêu hết cửa nọ cửa kia như mười năm nay nữa. Bà 90 tuổi rồi, bây giờ có chết cũng mãn nguyện...”.

Lung linh nến tri ân anh hùng liệt sĩ Đại lễ kỳ siêu anh linh Liệt sĩ tại Trường Sa

PZRCl9LL.jpgPhóng to
Cụ Bích chỉ cho phóng viên Tuổi Trẻ dòng tên em trai mình trên bia liệt sĩ của xã - Ảnh: Lê Kiên

Bà là Lê Thị Bích, người mà từ năm 1995 đến nay không quản tuổi già đã nhiều lần đi gõ khắp các cửa từ xã, huyện, tỉnh, trung ương để đòi trả lại danh hiệu liệt sĩ cho người em trai của mình...

Bỗng dưng hết liệt sĩ

Đưa chúng tôi ra thăm tượng đài liệt sĩ xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), bàn tay cụ Bích run run lần trên bảng danh sách, rồi nghẹn ngào: “Đây, tên em trai của bà đây này. Trên nghĩa trang liệt sĩ của huyện cũng khắc tên nó.

Nó là Lê Đức Chế, đi bộ đội khi mới qua tuổi 16, hi sinh năm 1965, đến tháng 10-1972 thì nhận được báo tử. Bữa đó xã mời bà ra đình làng thôn Toán Thắng thông báo thằng Chế hi sinh, bà ngất xỉu nên các chị em phải khiêng về, lúc đó bà đang bụng mang dạ chửa...

Tội lắm, mẹ chết khi em chưa đầy 1 tuổi, mấy tháng sau bố chết, chị nuôi em lớn lên đi bộ đội thì hi sinh”. Năm 1995, Nhà nước nói là có chế độ (theo quy định của pháp lệnh người có công), bà làm đơn đề nghị thì người ta trả lời em bà không có tên trong hồ sơ lưu. Rồi chế độ thăm hỏi cũng bị cắt... Từ đó em trai bà bỗng dưng không còn là liệt sĩ nữa...

Ông Lê Công Hải - chủ tịch UBND xã Thiệu Toán - kể từ năm 1972, khi có giấy báo tử, gia đình cụ Bích đã được xã, huyện chăm sóc, được hưởng mọi chế độ bình đẳng như các trường hợp thân nhân liệt sĩ khác (ưu tiên nhận ruộng đất gần nhà, quà bánh các dịp lễ tết, 27-7...).

Đến năm 1995, khi Nhà nước ban hành chế độ thờ cúng liệt sĩ, với điều kiện là phải có bằng Tổ quốc ghi công hoặc giấy báo tử, thì cụ Bích đã không còn hai loại giấy tờ này. Cụ Bích làm đơn lên huyện, tỉnh thì được trả lời là không có tên liệt sĩ Lê Đức Chế được lưu trong hồ sơ gốc.

Đến năm 2009, Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện yêu cầu cắt chế độ quà. “Biết là người thật việc thật nhưng cơ quan chức năng trả lời như vậy rồi, xã cũng chỉ biết ký giấy chứng nhận, ký mấy chục lần rồi, để cụ Bích đi khiếu nại chứ cũng không biết làm gì hơn...” - ông Hải giải thích.

Tại Ban chỉ huy quân sự huyện Thiệu Hóa, thượng tá Nguyễn Minh Ánh - chính trị viên - phân trần: “Chúng tôi không hề vô cảm. Riêng trường hợp nhà cụ Bích chúng tôi đã họp lên họp xuống mấy chục cuộc rồi. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao tên liệt sĩ Lê Đức Chế lại không được lưu trong bất cứ hồ sơ gốc nào trong tỉnh”.

Cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt

Ngày 24-7-2013, ngay tại xã Thiệu Toán, các ông Lê Nam (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa), Bùi Sỹ Lợi (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội), đã chủ trì một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt.

Khi ông Lợi kết luận rằng với những tài liệu, nhân chứng hiện có đã hoàn toàn đầy đủ cơ sở để khẳng định ông Lê Đức Chế là liệt sĩ, thì tất cả những người có mặt trong cuộc tiếp xúc cử tri ấy đã đứng dậy vỗ tay vang dội, như trút đi nỗi bức xúc.

Để có cuộc tiếp xúc cử tri này, trong quãng đường dài mỏi mệt đi khiếu nại, cụ Bích đã gặp được ông Lê Nam đúng hôm ông ngồi ở trụ sở tiếp dân.

Ông Nam kể: bữa đó là lịch trực của tôi và đại biểu Đào Xuân Yên (cựu bí thư tỉnh đoàn, nay là bí thư huyện ủy), thì thấy có một bà cụ không vào phòng tiếp dân mà cứ đứng ngoài sân la lối: “Ối Đảng, Nhà nước, Quốc hội ơi, hãy trả lại tên cho em trai tôi là liệt sĩ, đừng để tôi chết đi rồi mà em trai tôi còn oan ức...”.

Tôi và ông Yên ra đỡ bà cụ vào phòng, bảo bà có gì cứ trình bày, đừng kêu khóc nữa. Và khi nghe bà cụ trình bày sự việc xong, tôi có niềm tin rằng việc khiếu nại của bà là chính đáng. Không thể để cho một người bằng tuổi mẹ mình phải vất vả trên đường thưa kiện nữa, vì các cơ quan cũng đá qua đá lại cho nhau, tôi đã nhấc máy lên gọi cho ông Bùi Sỹ Lợi, bởi ông Lợi từng là giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Thanh Hóa.

Nghị trường, ông Lợi và tướng Thanh

Ngày 31-7, ông Lê Nam ký công văn gửi đến bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề nghị khẩn trương xem xét để cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Lê Đức Chế.

Chờ mãi không nhận được hồi đáp, ngày 25-10 ông Lê Nam tiếp tục ký công văn và trực tiếp gửi tận tay đại tướng Phùng Quang Thanh tại hội trường Bộ Quốc phòng - nơi Quốc hội đang họp kỳ thứ sáu. Lần này, người trả lời là cục trưởng Cục Chính sách nhưng công văn trả lời lại gửi cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa.

“Tôi và ông Lê Nam đều cảm thấy rất buồn. Trường hợp mất hồ sơ của liệt sĩ Lê Đức Chế là lỗi của cơ quan nhà nước. Việc để cụ Bích phải đi thưa kiện suốt thời gian dài là do sự quan liêu, tắc trách đến vô cảm của những người có trách nhiệm...” - ông Lợi nói.

Ngày 19-11-2013, khi Quốc hội đang thảo luận về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, ông Lợi quyết định bấm nút đăng ký phát biểu.

“Chúng tôi xin chuyển đến đồng chí bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị phải giải quyết ngay, làm thủ tục để báo cáo nếu mất hồ sơ thì không phải gia đình liệt sĩ đánh mất hồ sơ mà do chúng ta quan liêu, chúng ta làm sai, chúng ta phải trả lại danh tính cho liệt sĩ. Tôi đề nghị Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng nếu mất hồ sơ thì xin đề nghị Thủ tướng cấp lại bằng Tổ quốc ghi công để chúng ta giải quyết lại chế độ cho gia đình cụ Bích”.

Hôm đó, Đài truyền hình VN tường thuật trực tiếp, đã quay cận cảnh đại tướng Phùng Quang Thanh đang chăm chú ghi chép. Chỉ bốn ngày sau (23-11), đích thân đại tướng Phùng Quang Thanh ký văn bản số 9442/BQP-VP trả lời, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, trong đó kết luận: “Lập thủ tục hồ sơ đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - thương binh và xã hội trình Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công và suy tôn liệt sĩ đối với đồng chí Lê Đức Chế”.

Thì ra, sau khi ông Lợi chất vấn, đại tướng đã yêu cầu các cơ quan Bộ Quốc phòng kiểm tra, Tổng cục Chính trị thấy trong hồ sơ lưu trữ của mình có tên quân nhân Lê Đức Chẽ, thông tin về nhân thân hoàn toàn trùng hợp với nhân thân liệt sĩ Lê Đức Chế. Có lẽ lỗi là do người đánh máy đã gõ nhầm ký tự khi nhập dữ liệu chăng?

Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà nền đất cũ kỹ của cụ Bích trong một ngày mùa đông lạnh lẽo ở xứ Thanh, lòng vui buồn lẫn lộn. Bấm máy điện thoại gọi cho ông Bùi Sỹ Lợi để cụ Bích nói lời cảm ơn thì ông nói rằng: “Xin cụ Bích đừng cảm ơn, bởi tất cả những việc làm vừa qua của chúng con đều là lời tạ lỗi trước anh linh liệt sĩ”.

Đã từng có bằng Tổ quốc ghi công

- Trước đây cụ có được nhận giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Đức Chế không? - chúng tôi hỏi cụ Bích.

- Có chứ, bằng Tổ quốc ghi công treo lên vách nhà phía trên bàn thờ, cái nhà tranh cũ ấy, hồi mưa bão bị đổ nên mục nát cả tấm bằng... - bà đáp.

- Thế cụ lấy đâu ra tiền để đi lại làm đơn khiếu nại trong mấy năm qua?

- À, có thằng cháu họ nó chở đi, đi mãi, ra tận Hà Nội. Từ hôm gặp được hai bác đại biểu Quốc hội ở trên tỉnh đến nay bà mới không phải đi nữa. Hai bác ấy còn về đây họp dân, còn biếu bà 2 triệu đồng, bà đưa 1 triệu cho thằng cháu cảm ơn nó bỏ công bỏ việc bỏ tiền mua xăng xe chở bà đi kêu...

- Cụ ơi, hai bác đại biểu ấy tên gì?

- Bà không nhớ được tên. Không phải lỗi của các bác ấy đâu, các bác ấy giúp bà đấy...

hsbfb2b4.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề về liệt sĩ Lê Đức Chế tại nghị trường ngày 19-11 - Ảnh: việt dũng

Trong sổ tay của mình, ông Lợi viết: “Những lớp bụi thời gian từng che mờ góc nhìn của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương lần lượt được lau sạch qua lời kể sinh động của từng nhân chứng. Ông Nguyễn Trường Thành, nguyên xã đội trưởng, là người trực tiếp thực thi báo tử hai liệt sĩ Tống Trường Thọ và Lê Đức Chế, vào tối 7-10-1972.

Ông Lê Khắc Lâm, lúc đó mới 17 tuổi đến dự lễ báo tử, vì cảm động trước tấm gương hi sinh của các liệt sĩ nên đã xung phong đi bộ đội, sau này làm việc tại Sở Lao động - thương binh và xã hội và là người kiểm tra hồ sơ các liệt sĩ tại xã còn nhớ rõ: liệt sĩ Lê Đức Chế thuộc quân số sư đoàn 324, người ký giấy báo tử là trung tá Bùi Ngọc Bàn - tỉnh đội trưởng.

Ông Tống Xuân Dụng, cựu chiến binh, từng chụp ảnh chung năm 1961 với quân nhân Lê Đức Chế, rưng rưng xúc động đưa tấm ảnh ra cho mọi người cùng xem... Việc thất lạc, không còn hồ sơ lưu trữ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, không thể là lỗi của gia đình liệt sĩ”.

LÊ KIÊN - HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên