28/11/2022 08:20 GMT+7

Lời cảnh tỉnh cho bà Thái Anh Văn

LỤC MINH TUẤN
LỤC MINH TUẤN

TTO - Tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) cầm quyền của bà Thái Anh Văn vừa qua không phải một động thái bất ngờ, song sự thất bại của DPP đã tạo ra một bước tiến quan trọng cho Quốc Dân Đảng đối lập.

Lời cảnh tỉnh cho bà Thái Anh Văn - Ảnh 1.

Bà Thái Anh Văn trao đổi với truyền thông trong cuộc bầu cử địa phương ngày 26-11 - Ảnh: REUTERS

Thất bại của Đảng DPP ở cuộc bầu cử địa phương vào ngày 26-11 vừa qua đã khiến Quốc Dân Đảng đối lập (KMT) giành lại được quyền kiểm soát ở tất cả các thành trì truyền thống của họ là các thành phố Đài Bắc, Đào Viên và Cơ Long.

Ba định hướng sai lầm

Với chiến thắng ở 13 địa phương trọng điểm chiếm đến 70% quy mô dân số của Đài Loan, Đảng KMT được cho là đã tạo ra một bước tiến quan trọng có khả năng tạo biến chuyển trên chính trường trước cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan vào năm 2024.

Mặc dù vậy, việc để mất ảnh hưởng ở toàn bộ các địa phương tại phía bắc và phía đông Đài Loan về tay các đảng đối lập như KMT chỉ đang cho thấy hệ quả của ba định hướng sai lầm của bà Thái Anh Văn, chứ chưa đủ lượng để định hình một sự thay đổi cuộc chơi trên chính trường Đài Loan, nhất là khi DPP vẫn đang chiếm hơn 2/3 ghế trong Lập pháp Viện.

Thứ nhất, định hướng sai lầm từ thông điệp vận động tranh cử. Dù không thể phủ nhận áp lực từ đại lục đến tình hình chính trị - xã hội ở các địa phương tại Đài Loan, nhưng chủ trương nhấn mạnh quá mức các giá trị bản sắc nhằm "đảm bảo Đài Loan thuộc về người Đài Loan" trong những cuộc vận động cho các ứng viên địa phương Đảng DPP của bà Thái Anh Văn bị dư luận đánh giá là không phù hợp.

Nhu cầu xã hội lúc này quan tâm nhiều về các chính sách phúc lợi, đảm bảo an sinh, phục hồi kinh tế, cơ sở hạ tầng... đã mang lại lợi thế lớn cho Đảng KMT vốn có chính sách lựa chọn ứng viên địa phương chuyên trách các lĩnh vực này.

Thứ hai, định hướng phòng chống dịch COVID-19 không tốt. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến Đảng DPP bị mất phiếu ở các địa phương trọng điểm như Đào Viên, nơi có sân bay quốc tế trọng yếu và cũng là khu vực xuất hiện ổ dịch COVID-19 khiến bùng phát dịch bệnh toàn Đài Loan từ tháng 4-2021.

Các chính sách chống dịch của chính quyền bà Thái đã tỏ ra chậm trễ khi số ca nhiễm liên tục tăng cho đến tận đỉnh dịch vào đợt bùng phát tiếp theo vào tháng 4-2022.

Thứ ba, định hướng chính sách kinh tế kém hiệu quả. Tình hình dịch bệnh phức tạp và cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến giá nhiên liệu thế giới tăng cao làm cho chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Đài Loan giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm. 

Trong bối cảnh đó, chính quyền bà Thái lại tiếp tục leo thang căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc khi tiếp đón Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào đầu tháng 8-2022, thúc đẩy Trung Quốc tiến hành các hoạt động tập trận phong tỏa cảng Cao Hùng - cảng xuất khẩu chiến lược của Đài Loan, đồng thời mở rộng các lệnh phong tỏa thương mại song phương với Đài Loan khiến tình hình kinh tế càng thêm bi quan.

Do xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm đến 42% tổng kim ngạch của Đài Loan, nên các chính sách "bài Trung" của bà Thái có tác động bất lợi cho Đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương lần này.

Chỉ là một lời cảnh báo sớm

Mặc dù vậy, Đảng DPP vẫn có thể tự tin duy trì được ảnh hưởng chính trị sâu rộng ở các cuộc bầu cử Lập pháp Viện và bầu cử lãnh đạo cấp cao vào năm 2024 vì hai lý do.

Thứ nhất, người dân Đài Loan có xu hướng phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa cuộc bầu cử lãnh đạo địa phương và bầu cử lãnh đạo Đài Loan. Trong đó, các vấn đề được dư luận quan tâm trong cương lĩnh tranh cử của ứng viên sẽ có mức độ ưu tiên khác nhau.

Do đó, cho dù các đảng đối lập như Đảng KMT có kiểm soát được quyền điều hành ở nhiều địa phương trọng điểm thì người dân vẫn giữ xu hướng ngả theo Đảng DPP trong các vấn đề đối ngoại liên quan đến Trung Quốc, từ đó giữ sự ủng hộ ở các cuộc bầu cử lãnh đạo cấp cao hơn.

Thứ hai, Đảng KMT hiện tại mặc dù đã xuất hiện một hy vọng chính trị sáng giá vừa thắng cử thị trưởng Đài Bắc và có thể ứng cử lãnh đạo Đài Loan vào năm 2024 là ông Tưởng Vạn An. Tuy nhiên, nhân vật này chỉ mới 43 tuổi, được cho là vẫn trẻ với vị trí lãnh đạo hòn đảo này và chỉ vừa mới tham gia chính trường từ năm 2016.

Đứng trước tình hình khu vực và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, dư luận Đài Loan sẽ có xu hướng cần những nhân vật kỳ cựu hơn và duy trì tốt hơn lập trường quyết đoán trước đối thủ truyền thống của họ ở đại lục. 

Xu hướng này sẽ rõ nét hơn, trong bối cảnh ngày càng có nhiều cáo buộc cho thấy phía Trung Quốc đang thâu tóm hiệu quả từng phần các cảng biển lớn cũng như các công ty công nghệ chủ chốt của Đài Loan theo chiến thuật "rút củi đáy nồi".

Do đó, thất bại trong cuộc bầu cử địa phương lần này chính là một lời cảnh báo sớm cho sự lãnh đạo của chính quyền bà Thái Anh Văn nói riêng và Đảng DPP nói chung.

Nếu như chính quyền bà Thái không kịp đưa ra các quyết sách điều chỉnh phù hợp về kinh tế và công tác phòng chống đại dịch, khả năng duy trì quyền kiểm soát chính phủ của Đảng DPP sau năm 2024 sẽ ngày càng bị thách thức.

Bà Thái Anh Văn đã có ba lần từ chức lãnh đạo Đảng DPP. Lần đầu tiên là vào năm 2012, khi bà thất bại trong tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan với ông Mã Anh Cửu. Bà tiếp tục từ chức lần thứ hai khi Đảng DPP chỉ giành được 7 trong tổng số 22 cơ quan lãnh đạo ở cuộc bầu cử địa phương năm 2018. Lần thứ ba là vào ngày 26-11 vừa qua.

Đài Loan: Bà Thái Anh Văn từ chức chủ tịch Đảng Dân chủ tiến bộ Đài Loan: Bà Thái Anh Văn từ chức chủ tịch Đảng Dân chủ tiến bộ

TTO - Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhận trách nhiệm về sự thể hiện kém cỏi của Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) trong cuộc bầu cử địa phương và tuyên bố từ chức chủ tịch đảng này.

LỤC MINH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên