70 năm sau, trên sóng VTV nhà báo Lại Văn Sâm cùng chương trình Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại (cũng là tên một bài hát Nga nổi tiếng) đã đưa khán giả cùng ông đi một hành trình nhìn lại lịch sử qua những bức ảnh, những thước phim tư liệu ghi lại một chương lớn trong lịch sử nhân loại, một chương không thể quên!
Có rất nhiều nhân chứng mà chương trình Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại cho khán giả màn ảnh nhỏ được gặp để không chỉ nhìn lại lịch sử, mà mỗi người trong chúng ta đều có thể tìm được cách lý giải vì sao một con người sinh ra bình thường như hàng triệu người khác trên thế giới, con người từng có ước mơ trở thành một họa sĩ lại khai sinh ra một chủ nghĩa tàn ác như chủ nghĩa phát xít, tạo ra một chương đen tối cho nhân loại: Adolf Hitler.
Ông Bernard Letemps - chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn những di tích lịch sử - đã kể cho khán giả nghe câu chuyện một toa tàu, nơi Hitler tin rằng mình đã rửa được nhục cho nước Đức, để rồi đẩy người Đức đến với chủ nghĩa ái quốc cực đoan.
Thứ chủ nghĩa tin rằng chỉ người Đức mới là dân tộc thượng đẳng xứng đáng thống trị thế giới, phát xít Đức đã dựng lên hàng trăm trại tập trung, khoảng 6 triệu người Do Thái đã bị giết chết. Cách xâu chuỗi và kể chuyện lịch sử khéo léo đã đem đến cho khán giả nhiều thông tin có thể còn là bất ngờ, ví như hóa ra hãng xe con bọ Volkswagen (có nghĩa là xe của dân) lừng danh lại được vẽ kiểu đầu tiên và đặt tên bởi chính ông trùm phát xít Đức.
Và những thước phim màu có, đen trắng có đã cho chúng ta thấy những hình ảnh khó tưởng tượng ra rằng châu Âu văn minh đẹp như những viện bảo tàng hôm nay từng hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của phát xít Đức, từ Áo, Tiệp Khắc đến Pháp, Đan Mạch...
Chưa kể đến những trại tập trung thấm đẫm máu xương của người Do Thái mà bây giờ một số nơi ở châu Âu vẫn giữ lại phế tích để cho khách tham quan lịch sử. Là làng Khatyn của đất nước Belarus xinh đẹp đã bị Đức quốc xã thiêu hủy hoàn toàn, bây giờ Khatyn trở thành một nghĩa trang với 186 ngôi mộ, mỗi ngôi mộ là tên một làng quê đã bị Đức quốc xã thiêu hủy.
Những người yêu điện ảnh Nga cũng không xa lạ với pháo đài Brest, bởi lẽ nơi đây cũng chính là bối cảnh của một bộ phim Nga nổi tiếng - Tôi người lính Nga. Và pháo đài Brest - nơi đầu tiên người Đức nổ súng chính thức tuyên chiến với nước Nga, nơi bây giờ hằng năm vào dịp kỷ niệm, những người dân từ khắp nơi vẫn tới đây đón bình minh, đến để đọc những dòng chữ mà những người lính Hồng quân Liên Xô bảo vệ pháo đài đã viết lại, như dòng chữ: “Tôi chết nhưng tôi không đầu hàng, vĩnh biệt Tổ quốc. Ngày 22-6-1941”.
Và chắc không ai quên được một lễ duyệt binh lịch sử ngày 7-11-1941 kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, lễ duyệt binh mà các đơn vị chỉ được biết trước một ngày, một lễ duyệt binh ngắn nhất trong lịch sử, chỉ kéo dài 25 phút khi mà quân Đức chỉ cách Matxcơva 25km. Và Hitler cùng quân đội của ông ta đã thất bại chính ở nơi này, không bao giờ có thể đặt chân lên Matxcơva.
Quân Đức cũng phải lui bước trước thành Saint Petersburg (Leningrad) thần thánh sau 900 ngày đêm phong tỏa, bởi những người chiến sĩ như viên thiếu tá với bức thư gửi con gái Mila của mình thề sẽ chiến đấu để quân Đức không bao giờ có thể chà đạp lên những người như con gái ông, hôm nay và ngày mai.
Là ngọn đồi Mamaev - nơi có hai bức tượng bà mẹ nổi tiếng của thành Saint Petersburg, bức tượng vung kiếm như kêu gọi những đứa con tiến lên bảo vệ Tổ quốc và bức tượng bà mẹ ôm trong lòng đứa con vừa ngã xuống! Là những trận đánh ấy được chỉ huy bởi nguyên soái Georgy K. Zhukov, người duy nhất được tạc tượng tại bảo tàng nơi ký kết hiệp ước hòa bình - người được vinh danh là vị tướng vĩ đại nhất của Thế chiến thứ hai, người đã giữ được nhịp đập trái tim của Leningrad dù mỗi khẩu phần bánh mì trong những tháng ngày phong tỏa cứ ít dần. Bởi sát cánh bên ông là sự quả cảm của người dân, người lính Nga Xô viết.
Chiến tranh thế giới thứ hai đã qua đi 70 năm, nhưng 90 phút của chương trình Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại đã kể cho chúng ta một lịch sử hào hùng, để những dòng chữ khắc trên tấm bia tưởng niệm hơn 1 triệu người đã chết trong thời gian thành phố Saint Petersburg bị phong tỏa mãi như một lời nhắc nhớ: “Không có ai bị lãng quên, không có điều gì bị lãng quên!”.
Và còn đó bức tường gần nghĩa trang của những ngôi làng Khatyn với bài thơ thay lời những người đã chết gửi những người còn sống: “Hỡi những người anh em, hãy nhớ rằng chúng tôi rất yêu cuộc sống, rất yêu Tổ quốc của chúng ta và yêu các bạn. Chúng tôi đã bị thiêu sống trong những ngọn lửa, lời thỉnh cầu của chúng tôi tới tất cả các bạn là hãy biến đau thương và nỗi buồn thành lòng dũng cảm, sức mạnh để có thể gìn giữ hòa bình và sự an lành vĩnh cửu trên Trái đất này. Để từ đây sự sống không bao giờ bị thiêu rụi ở bất kỳ đâu...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận