Theo Giác Ngộ Online, ngày 2-12, thượng tọa Thích Đức Thiện - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam, cho biết đã thống nhất chọn logo chính thức.
Logo Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc có hoa sen, chim hạc
Theo đó, logo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và Ủy ban Quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) thống nhất cao.
Logo được thiết kế dựa trên thông điệp chính của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".
Chủ đề chính này có điều chỉnh so với chủ đề công bố trong họp báo thông tin phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 vào ngày 27-9-2024.
Logo mang đậm các yếu tố bản sắc Việt Nam thể hiện qua hình ảnh hoa sen, chim hạc, họa tiết trên trống đồng Đông Sơn…
Việt Nam lần thứ tư đăng cai tổ chức
Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 do Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức.
Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai tổ chức. Trước đó, Việt Nam từng đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội (năm 2008), Ninh Bình (2014) và tại Hà Nam (2019).
Dự kiến có 80 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam. Đây là lần thứ 20 đại lễ được tổ chức.
Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 8-5-2025, ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Các hoạt động, hội thảo khoa học quốc tế trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 dự kiến có 2.000 đại biểu chính thức tham dự.
Năm chủ đề phụ của Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam gồm:
1. Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới.
2. Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải.
3. Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người.
4. Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững.
5. Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận