BSR luôn linh hoạt điều chỉnh công suất vận hành NMLD Dung Quất theo nhu cầu thị trường - Ảnh: BSR
Dầu khí là ngành công nghiệp bị "tàn phá" bởi cả dịch COVID-19 và việc giá dầu giảm sâu.
Chỉ trong 4 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hàng loạt tập đoàn dầu khí đa quốc gia, các công ty lọc dầu lớn trên thế giới đã rơi vào thua lỗ, giảm công suất, giảm hoạt động đầu tư, thậm chí nhiều nhà máy đã phải đóng cửa.
Nhiều đế chế dầu khí thua lỗ
Theo thông tin từ các hãng thông tấn Reuters, Bloomberg và hãng tin Platts, đầu tháng 5, Exxon Mobil Corp - tập đoàn dầu khí hàng đầu Mỹ thông báo lỗ 610 triệu USD trong quý I-2020, do giảm giá hàng tồn kho gần 3 tỉ USD. Con số thảm hại so với mức lợi nhuận 2,35 tỉ USD có được cùng kỳ năm ngoái của tập đoàn này.
ConocoPhillips - một tập đoàn năng lượng khác của Mỹ - ghi nhận mức lỗ ròng 1,74 tỉ USD. Trong khi một tập đoàn dầu khí hùng mạnh khác là BP của Anh cũng thông báo lỗ ròng 4,4 tỉ USD. Đây là một tổn thất quả lớn trong lịch sử của ngành dầu khí toàn cầu.
Shell - một tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh và Hà Lan - dự kiến tạm dừng hoạt động nhà máy lọc dầu công suất 110.000 thùng/ngày tại Philippines trong vòng một tháng, do nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh và biên lợi nhuận thấp ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, các nhà máy lọc dầu trong nước cũng bị tổn thất nặng nề. Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - vừa ghi nhận quý I lợi nhuận âm 2.332 tỉ đồng, nguyên nhân chính đến từ giảm giá lượng hàng tồn kho quá lớn.
Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết, với vai trò quan trọng là doanh nghiệp sản xuất đáp ứng gần 40% nhu cầu xăng dầu cho quốc gia, vừa là công cụ điều tiết ổn định thị trường, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã từng bước vượt qua khó khăn, đi lên từ khủng hoảng kép.
Có nhiều thời điểm công ty phải đứng trước nguy cơ dừng nhà máy một thời gian, BSR vẫn duy trì vận hành nhà máy liên tục, an toàn và cung ứng ra thị trường sản phẩm đạt chất lượng.
Để nhà máy vận hành liên tục, công ty đã áp dụng nhiều gói giải pháp đồng bộ như giải pháp quản trị, điều hành trong điều kiện thị trường bất bình thường, giải pháp về nguồn nguyên liệu kết hợp kinh doanh sản phẩm, giải pháp về tối ưu chế độ vận hành theo thị trường sản phẩm, giải pháp về quản trị dòng tiền, tiết giảm chi phí…
Linh hoạt điều chỉnh công suất theo nhu cầu thị trường
Một trong các giải pháp nêu trên là linh hoạt điều chỉnh công suất nhà máy theo nhu cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho giá cao càng nhanh càng tốt để có chỗ chứa các lô dầu thô giá thấp.
"Chúng tôi sẽ tối đa tiêu thụ dầu thô dài hạn trong nước để tăng liên kết chuỗi lợi ích trong ngành. Ngoài ra, BSR sẽ tìm cơ hội mua theo chuyến (SPOT) dầu thô trong nước có giá hấp dẫn" - ông Tiến cho biết.
Giải pháp tiếp theo là bám sát thị trường, tăng cường việc dự báo, phân tích, tối ưu hóa sản phẩm, tìm cơ hội bán sản phẩm trung gian có giá trị cao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tiêu biểu như trong tháng 4/2020, BSR bán cho Huyndai Bank Oil 18.000 m3 LCO (sản phẩm trung gian), giúp mang lại hiệu quả cao hơn khoảng gần 15 tỷ đồng so với xuất bán khối lượng tương ứng dầu DO.
Đặc biệt, BSR đã rà soát, tiết giảm khoảng 23,3%, tương ứng 1.450 tỉ đồng so với kế hoạch đã được phê duyệt. Để có dòng tiền cho hoạt động, công ty đã hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng để vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi.
"Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí, dừng giãn các hạng mục đầu tư chưa cần thiết, tích cực trong công tác bán hàng và thu hồi công nợ, đến nay công ty vẫn đảm bảo dòng tiền cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc đảm bảo thanh toán tiền mua dầu thô đúng hạn", ông Tiến nhấn mạnh.
Đến nay, Lọc dầu Dung Quất không những duy trì vận hành, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn gián tiếp hỗ trợ các mỏ dầu ở thềm lục địa Việt Nam không phải dừng hoạt động, các đơn vị làm dịch vụ cho BSR cũng có cơ hội việc làm, duy trì công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận